Tại Thanh Hóa, theo thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh này, tính đến 7h ngày 20/7, mưa dông đã làm 23 nhà dân bị tốc mái, 1 nhà bị hư hỏng; 3 trụ sở cơ quan tại xã Mường Lát và phường Hạc Thành bị hư hỏng phần mái; 11 cột điện hạ thế bị đổ gãy; nhiều cây xanh bật gốc và 2 ô tô con bị hư hỏng nặng.
Trước đó, từ chiều 19/7 đến rạng 20/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 10-40mm. Một số nơi ghi nhận lượng mưa lớn hơn như: Cổ Lũng (89mm), Phú Lệ (77,6mm), Thành Sơn (74,8mm). Trong cơn dông, gió giật mạnh cấp 7-8.
Mái nhà dân bị hất văng sau trận dông lớn (Ảnh: Beat Sầm Sơn).
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh đề nghị các địa phương và đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.
Ngoài ra, người dân cần gia cố nhà cửa, chằng chống mái tôn, neo đậu tàu thuyền an toàn, hạn chế ra đường khi mưa bão xảy ra và thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết để chủ động phòng tránh.
Mưa lớn, gió mạnh làm cây đổ trên địa bàn xã Kim Tân (Ảnh: Hoàng Dương).
Tại Hà Tĩnh, sáng 20/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết lực lượng chức năng đang tìm kiếm một ngư dân mất tích sau vụ lật thuyền.
Tối 19/7, khu vực xã Cổ Đạm xuất hiện mưa lớn kèm dông lốc. Gió giật mạnh khiến 6 thuyền của ngư dân bị lật úp. Trong số 6 phương tiện này có thuyền đang neo đậu trên biển, có chiếc đang đánh bắt hải sản.
“Vụ việc khiến 3 ngư dân gặp nạn, 2 người may mắn được cứu sống, người còn lại đang mất tích”, ông Tuấn thông tin.
Các lực lượng chức năng cùng người dân hỗ trợ kéo thuyền gặp nạn lên bờ (Ảnh: Văn Nguyễn).
Từ tối 19 đến sáng 20/7, lực lượng biên phòng, công an phối hợp với chính quyền, người dân địa phương đã hỗ trợ ngư dân kéo các thuyền bị lật lên bờ và tiếp tục tìm kiếm ngư dân gặp nạn.
Thời gian trên, nhiều địa phương của Hà Tĩnh xảy ra mưa, dông lốc khiến nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại, cây cối ngã đổ.
Cũng trong tối 19/7, tàu cá của ngư dân Trần Đại Việt, trú xã Cẩm Trung, trong quá trình vào bờ bị sóng to đánh dẫn đến chìm, 3 thuyền viên mất tích. Đồn Biên phòng Thiên Cầm phối hợp với chính quyền, người dân tổ chức tìm kiếm, cứu được 3 thuyền viên vào bờ.
Đặc biệt, khoảng 19h20 ngày 19/7, khu vực Thiên Cầm xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc bất ngờ nên các tàu khai thác thủy sản và tàu du lịch đang hoạt động trên biển không kịp vào nơi trú tránh.
Sự việc khiến tàu du lịch mang tên Nguyễn Ngọc do anh Nguyễn Trọng Hoàng, trú tại xã Thiên Cầm làm chủ bị chìm tại khu vực đảo Bớc, cách bờ biển Thiên Cầm 0,5 hải lý. Thời điểm này, trên tàu có 4 thuyền viên và 30 khách du lịch đang hành trình ra biển để thưởng thức hải sản, trải nghiệm câu mực.
Đồn Biên phòng Thiên Cầm phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng huy động lực lượng và tàu có trọng tải lớn hoạt động gần khu vực tàu bị nạn ứng cứu.
Đến khoảng 0h30 ngày 20/7, toàn bộ hành khách và thuyền viên trên tàu du lịch đã được cứu vớt, đưa vào bờ an toàn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 7h ngày 20/7, tâm bão Wipha (bão số 3) đang trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 705km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14 và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Trong hôm nay, bão Wipha khả năng mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Theo dự báo, khi đổ bộ vào vùng ven biển Quảng Ninh – Ninh Bình khoảng ngày 21/7, bão Wipha mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 và di chuyển khoảng 15km/h.
Chuyên gia dự báo thời tiết Nguyễn Ngọc Huy nhận định thời điểm bão đi vào Vịnh Bắc Bộ là khoảng trưa 21/7, thời điểm bão đi dọc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là khoảng tối 21 và rạng sáng 22/7.
Theo vị chuyên gia, tâm mưa lớn do bão gây ra sẽ ở các địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An với tổng lượng mưa lên tới 350mm diện rộng và cá biệt sẽ có điểm mưa lên tới 450-500mm.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao 5-7m, biển động dữ dội.
Từ đêm 20/7, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm 3-5m, biển động dữ dội.
Từ ngày 21/7, vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m, biển động rất mạnh.
Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Theo dự báo, vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5m (Hải Phòng) đến 0,8m (Quảng Ninh), kết hợp với thủy triều tạo mực nước tổng hợp cao từ 4,1m (tại Hòn Dấu, thành phố Hải Phòng) đến 5,0m (tại Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh) gây ngập úng tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông vào trưa và chiều 22/7.
Ông Lâm nhận định từ tối và đêm 21/7, trên đất liền Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Ngày 21-23/7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h), vị chuyên gia cảnh báo.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/dong-loc-khien-hang-loat-tau-thuyen-bi-lat-chim-nhieu-nguoi-gap-nan-20250720090843670.htm