Ngày 26/10/2021 13:45 PM (GMT+7)
Có những bộ phận cơ thể nếu không được bảo vệ cẩn thận trong mùa lạnh sẽ rất nguy hiểm, thậm chí còn gây tác động ngược tới lục phủ, ngũ tạng.
Việc bảo vệ cơ thể không bị nhiễm lạnh khi đông về là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ bảo vệ đường hô hấp là chính, một số bộ phận khác, đặc biệt là bàn chân lại không được chú ý.
Bác sĩ Dương Văn Tâm (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, khi thời tiết lạnh, mọi người đi ra đường thì ăn mặc rất kín. Tuy nhiên, khi về nhà có thể do chủ quan, nghĩ rằng nhà có sàn gỗ, lát đá sạch nên không chú ý đeo tất, bảo vệ đôi bàn chân. Hay trẻ em, người cao tuổi lại sợ đi tất bị ngã nên không sử dụng.
Đây là một sai lầm nhiều người gặp phải. Bác sĩ Tâm cho rằng, bàn chân có vai trò rất quan trọng, được ví là “trái tim thứ hai” của cơ thể. Để đôi bàn chân nhiễm lạnh sẽ kéo theo nhiều bộ phận khác bị “đau đớn” theo. Rõ rệt nhất là các tạng trong cơ thể và thực tế đã có trường hợp như vậy.
Việc không bảo vệ đôi chân khi trời lạnh sẽ gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe.
Đó là một cô gái còn khá trẻ ở Hà Nội. Do đi tất là chân xuất hiện mùi, vì thế dù thời tiết lạnh cô cũng rất ít đi tất, khi ở nhà thì dường như là chỉ đi chân đất. Thời tiết ấm như mùa hè thì không có vấn đề gì, nhưng cứ bắt đầu mùa đông đến, cô gái này lại hay đau bụng, đi ngoài vào buổi sáng. Sợ bị ung thư đường tiêu hóa, cô đi khám nhiều nơi nhưng đều kết luận không có vấn đề gì.
Khi tìm hiểu và đi khám y học cổ truyền, được bác sĩ tư vấn nữ bệnh nhân này tỏ ra rất bất ngờ. Chỉ sau một thời gian ngắn điều trị bằng xoa bóp, bấm huyệt, kết hợp thay đổi thói quen, tình trạng đau bụng, đi ngoài buổi sáng đã chấm dứt.
“Ở đôi bàn chân có nhiều dây thần kinh và mạch máu kết nối đến tim, não, gan, thận, dạ dày… Nếu không giữ ấm đôi chân, để chân bị nhiễm lạnh thì hơi lạnh đó sẽ đi đến các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây nên những tác hại không mong muốn. Rõ rệt nhất là, nếu đêm đi ngủ để chân lạnh, sáng dậy sẽ bị đau bụng, tiêu chảy”, bác sĩ Tâm cảnh báo.
Trong đông y, các huyệt đạo ở đôi chân liên quan nhiều đến các cơ quan nội tạng.
Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cho rằng, đứng về góc độ y học cổ truyền, đôi bàn chân có nhiều huyệt đạo, mỗi huyết đạo lại liên quan đến các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, đây lại là bộ phận ít được quan tâm, chăm sóc nhất.
Đặc biệt, khi thời tiết lạnh nếu không giữ ấm đôi chân, cũng đồng nghĩa các cơ quan nội tạng trong cơ thể cũng không được bảo vệ. Việc giữ ấm đôi chân sẽ giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ, tiêu hóa tốt, khỏe mạnh, sống lâu hơn.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha, GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng cho rằng, việc bảo vệ bàn tay, bàn chân là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời tiết lạnh. Tại các đầu ngón chân có huyệt gọi là huyệt tĩnh, là nơi khí huyết ra vào, phong hàn tà khí có thể xâm nhập. Nếu không được bảo vệ sẽ gây ra tình trạng khí huyết bế tắc, không lưu thông được và đau nhức.
Ngoài đeo tất, cần bảo vệ đôi chân bằng cách ngâm nước ấm, xoa bóp…
Để bảo vệ đôi bàn chân trong mùa lạnh, biện pháp đơn giản nhất là đeo tất phù hợp để giữ ấm. Ngoài ra, việc ngâm chân bằng nước ấm cũng rất tốt, giúp máu lưu thông, giấc ngủ sâu hơn.
Ngoài việc đeo tất, ngâm chân nước ấm, PGS Võ Tường Kha khuyên, khi làm việc mọi người nên đứng dậy vận động, không ngồi quá lâu. Trường hợp bị đau nhức tay, chân có thể dùng dầu (cao) có tính nóng để bôi vào khớp với mục đích chống lại hiện tượng co mạch, làm mạch máu lưu thông và giảm đau.
Có thể dùng cồn, rượu ngâm cùng một số vị thuốc có tính ôn, ấm, cay (tân, ôn, nhiệt) như: quế chi, gừng, địa liền…để xoa bóp, ngâm chườm đắp giúp làm nóng huyệt, khớp để làm lưu thông khí huyết.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/co-gai-ngu-day-la-dau-bung-di-ngoai-nguyen-nhan-tu…
Buổi sáng mùa đông là thời điểm dễ xảy ra đột quỵ, đột tử nhất. Mọi người cần phải tránh làm những việc sau ngay khi thức dậy.
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)