Ngày 10/12/2021 14:15 PM (GMT+7)
Trong mùa đông, nhiều người phải giật mình vì bị “điện giật” bất ngờ khi chạm vào quần áo hoặc vào người khác. Liệu tình trạng ngày có gây hại hay nguy hiểm cho sức khỏe?
Khi mùa đông đến, ngoài những vấn đề khó chịu vì khô da, sổ mũi… rất nhiều người còn bắt gặp tình trạng bị “điện giật” hay khi chạm vào người khác hoặc chạm vào một số đồ vật, nhất là quần áo, chăn đệm… Khi bị giật thường chỉ ở mức độ nhẹ như tê tay hoặc tạo cảm giác giật mình, nhưng sau đó có thể gây sợ hãi cho những lần sau khi chạm vào người hoặc đồ vật đó.
Chị Nguyễn Thị Minh Hòa (28 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua do thời tiết lạnh nên chị lấy chiếc áo dạ trong tủ ra mặc và khi con gái động vào đã xảy ra tình trạng bị “giật điện”, khiến con chị hốt hoảng. “Con tôi 4 tuổi, khi đi làm về vừa thay quần áo xong thì con đòi mẹ bế. Vừa bế con lên thì cháu bị điện giật khóc toáng lên, không dám lại gần mẹ.
Bản thân tôi đôi khi cũng bị điện ở quần áo giật và thấy tê đầu ngón tay. Từ hôm con bị giật, cháu sợ không dám đòi mẹ bế, nhất là khi mặc lại bộ quần áo hôm đó. Tôi rất lo lắng, không biết con bị giật điện như vậy có làm sao không?”, chị Hòa lo lắng.
Hiện tượng bị điện giật xảy ra trong mùa đông, tuy nhiên không gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Thực tế không chỉ có chị Hòa mà nhiều người khác cũng đã từng bị điện giật như vậy và tất cả đều đặt ra câu hỏi: Liệu bị giật như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
PGS.TS Trần Hồng Côn – nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Đây thực chất là hiện tượng tĩnh điện và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người”.
Theo PGS Côn, tình trạng này hay gặp trong mùa đông, khi chạm tay vào các đồ dùng bằng kim loại như tay nắm cửa hoặc khi chải tóc… Tuy nhiên, thường gặp nhất đó là khi tiếp xúc với các loại chăn, quần áo nỉ, len để lâu ngày không dùng. Khi nhiệt độ lạnh, mọi người lấy ra sử dụng, quá trình mặc co kéo sẽ thấy hiện tượng bị giật điện, thậm chí phát ra tiếng kêu tanh tách. Đây chính là hiện tượng tĩnh điện, do tính chất lý hóa của các loại xơ, sợi bên trong.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) cũng cho biết hiện tượng bị “điện giật” trong mùa đông không ảnh hưởng đến sức khỏe. “Hiện tượng này thực chất là do các loại vải dạ, len, lông gây ra, chứ không phải xuất phát từ da thịt con người. Hơn nữa, nó không có nguồn điện phát nên không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người”, bác sĩ Phúc cho hay.
Với các loại quần áo chất liệu lông, nỉ cần giặt xả để làm mềm vải, hạn chế tình trạng tĩnh điện. (Ảnh minh họa)
Để hạn chế tình trạng tĩnh điện, các chuyên gia khuyên nên tăng cường độ âm cho không khí bằng cách sử dụng thêm máy phun sương tạo ẩm để hạn chế hiện tượng tĩnh điện.
Việc chọn quần áo cũng rất quan trọng trong việc hạn chế bị tĩnh điện. Theo đó, các loại quần áo có sợi tổng hợp, nylon sẽ làm tăng khả năng tĩnh điện, vì thế nên chọn quần áo có chất liệu vải tự nhiên như cotton.
Quần áo để lâu ngày mới sử dụng cũng nên giặt lại, sử dụng các loại nước xả vải để làm mềm quần áo cũng làm giảm khả năng tĩnh điện.
Bác sĩ Phúc cho biết việc thường xuyên làm ẩm da cũng là cách để giảm hiện tượng tĩnh điện. Theo đó, nên làm ẩm da bằng các thoa các loại kem dưỡng ẩm, việc làm này ngoài hạn chế tĩnh điện, còn làm giúp giảm khô da trong mùa đông lạnh giá.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/dong-vao-nguoi-bi-dien-giat-phat-tieng-tanh-tach-a…
Một người phụ nữ đã tiết lộ cô đã bị điện giật khi quan hệ bởi chính bạn trai của mình.
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)