Tủ lạnh là thiết bị điện thiết yếu giúp chúng ta bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, thiết bị này lại ẩn chứa rủi ro về sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.
Mới đây trang Sohu đưa tin, bà Trần, 56 tuổi ở Hoàng Phố, Quảng Châu, Trung Quốc đột ngột sốt cao đến 42 độ và co giật, được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ đã tiến hành kiểm tra chi tiết cho bà Trần, bao gồm lấy máu và dịch não tủy, cuối cùng phát hiện bà bị nhiễm vi khuẩn Listeria gây ra bệnh viêm não. Sau khi tìm hiểu được được biết bà Trần đã ăn cơm gà rán được đóng gói cất trong tủ lạnh 2 ngày trước khi xảy ra tình trạng sốt, co giật.
Bà Trần trong cuộc phỏng vấn
Bác sĩ Trung Hữu Sinh, thuộc Khoa Thần kinh Bệnh viện Nhân dân số 3 Quảng Đông cho biết, căn bệnh này thực sự nguy hiểm nếu để chậm trễ, tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm thì cơ bản có thể khỏi hoàn toàn.
Vi khuẩn Listeria chủ yếu sử dụng thực phẩm làm vật trung gian truyền bệnh. Đây là một trong những mầm bệnh truyền qua thực phẩm nguy hiểm nhất và thường được gọi là “kẻ giết người trong tủ lạnh”.
Vi khuẩn Listeria nguy hiểm như thế nào?
Vi khuẩn Listeria monocytogenes là vi khuẩn gram dương, hiếu kỵ khí tùy tiện, có khả năng di động. Vi khuẩn không tiết ra ngoại độc tố nhưng có nội độc tố gây hoại tử.
Tình trạng nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes ở những người khỏe mạnh bình thường thường không nghiêm trọng, và hầu hết là bị viêm dạ dày ruột cấp tính do ăn phải thực phẩm bị nhiễm một số lượng lớn vi khuẩn Listeria.
Ảnh chụp CT não cho thấy bà Trần bị viêm não
Nếu đối tượng mắc bệnh là phụ nữ mang thai, vi khuẩn có thể truyền sang thai nhi, gây bệnh nặng, thậm chí tử vong.
Những người bị suy giảm miễn dịch và người già bị nhiễm bệnh có thể mắc các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm màng não và nhiễm trùng huyết, những trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, ớn lạnh và đau cơ (tương tự như bệnh cúm), kèm theo buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Các triệu chứng thường giảm dần sau 5-10 ngày. Tuỳ theo bộ phận bị ảnh hưởng mà người bệnh cũng có thể có các triệu chứng khác nhau.
Bác sĩ Trung Hữu Sinh
Vi khuẩn Listeria có nhiều cách để lây nhiễm vào cơ thể như:
– Hầu hết có thể xâm nhập vào cơ thể qua các sản phẩm sữa, rau sống hoặc thịt bị ô nhiễm;
– Đôi khi, bệnh nhân bị lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với động vật mang vi khuẩn (đặc biệt là khi giết mổ và xử lý xác động vật);
– Vi khuẩn đôi khi xâm nhập vào máu từ ruột và xâm nhập vào các cơ quan nhất định, có thể gây ra bệnh listeriosis.
Vi khuẩn Listeria có thể sinh sôi trong thực phẩm ở nhiệt độ lạnh và cũng có thể tồn tại ở nhiệt độ đông lạnh. Do đó, thực phẩm để trong tủ lạnh vẫn có nguy cơ bị nhiễm loại vi khuẩn này. Quá trình thanh trùng các sản phẩm từ sữa có thể tiêu diệt vi khuẩn Listeria. Nấu chín hoàn toàn hoặc hâm nóng thức ăn ở nhiệt độ 70-80 độ C trong 20 phút có thể tiêu diệt vi khuẩn.
Phòng ngừa vi khuẩn Listeria như thế nào?
Vi khuẩn Listeria
– Bảo quản thức ăn sống và chín riêng biệt trong tủ lạnh và hâm nóng thức ăn để qua đêm trước khi sử dụng;
– Tránh ăn sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng;
– Rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn;
– Nên đun kỹ thức ăn, không nên ăn thức ăn chín tái;
– Dùng hai bộ dao và thớt để thái thực phẩm sống và chín.
– Ngoài ra, hãy giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, giữ cho tay sạch sẽ, đặc biệt là trước khi xử lý thức ăn, ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
– Nên tránh các thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn bao gồm: Thực phẩm đông lạnh ăn liền có thời hạn sử dụng dài (hơn 5 ngày) (chẳng hạn như cá hồi hun khói và thịt đông lạnh,…), cũng như pho mát làm từ sữa chưa tiệt trùng (đặc biệt là pho mát mềm và pho mát bán cứng) và xà lách làm sẵn hoặc đóng gói sẵn,…
Một số chú ý khi sử dụng tủ lạnh để tránh nhiễm phải vi khuẩn Listeria
Thường xuyện vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ để ngừa vi khuẩn Listeria
Bọc thực phẩm: Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu loại thực phẩm nào dễ bị nhiễm khuẩn Listeria hơn, trong đó có thịt, sữa, rau, thuỷ hải sản là những thực phẩm rất phổ biến. Khi cho những thực phẩm này vào tủ lạnh, bạn nhớ dùng màng bọc thực phẩm bọc kín, lấy ra ăn thì phải hâm nóng, tốt nhất nên ăn hết luôn để tránh vi khuẩn sinh sôi.
Vệ sinh tủ lạnh, phân loại thực phẩm: Chúng ta nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tủ luôn sạch sẽ, tránh vi khuẩn, vi trùng xâm nhập. Bên cạnh đó, phân loại thực phẩm sống riêng, chín riêng vì nếu để chung rất dễ khiến vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra cần chú ý đến độ tươi của thực phẩm, tránh để đồ đã hỏng mang mầm bệnh trong tủ.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-bi-viem-nao-sau-khi-an-do-thua-thu-ph…
Nếu không muốn gan bị tàn phá nghiêm trọng, mọi người đừng vì tiếc mà giữ lại những thực phẩm thường cất trong tủ lạnh này.
Theo Hà Vũ. Dịch từ Sohu (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)