Ngày 24/12/2021 09:25 AM (GMT+7)
Sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng rất tốt với trẻ nhỏ, nhất là vào mùa đông. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách ngoài việc không phát huy được tác dụng còn có thể gây hại cho sức khỏe.
Bà hâm sữa để cháu ăn bớt lạnh
Vai trò của sữa với sức khỏe là điều ai cũng biết, tuy nhiên việc sử dụng như thế nào cho khoa học, để phát huy tối đa dưỡng chất thì không phải ai cũng làm được, nhất là trong mùa đông.
Bà Hoàng Thị Minh An (Hoàng Mai, Hà Nội) hàng ngày trước khi cho cháu ăn sữa chua, váng sữa thường hâm lại sữa bằng cách cho vào cốc nước vừa đun sôi. Mục đích là để cháu ăn đỡ bị lạnh.
Bà An chia sẻ rằng, mỗi lần làm như vậy cháu thích ăn và ăn nhanh, nhiều hơn. Trước đó, khi không hâm sữa nóng cháu bà chỉ ăn vài thìa là bỏ. “Tôi nghĩ do thời tiết lạnh, sữa lại được bảo quản trong tủ lạnh nên trẻ không thích ăn. Khi hâm nóng lên cháu ăn được nhiều hơn nên tôi thực hiện”, bà An chia sẻ.
Việc hâm sóng sữa bằng nước vừa đun sôi hay lò vi sóng là một sai lầm.
Không giống như bà An, bác Hoàng Công Minh (Tây Hồ, Hà Nội) lại không cho cháu dùng sữa tươi, sữa chua vào mùa đông vì lạnh. Thay vào đó, mỗi ngày bác Minh pha 3 cốc sữa đặc (dạng lon) với nước nóng cho cháu uống.
Đáng nói, khi được uống sữa đặc pha nóng, cháu nội bác Tâm thích và uống được hơn hẳn các loại sữa trước và trông “có da, có thịt” hơn nên người ông thường xuyên thực hiện.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng – giảng viên Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp nguồn dưỡng chất quý giá cho cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa đặc thay thế cho sữa công thức là hoàn toàn không hợp lý. Bởi lẽ, trong sữa đặc có tỷ lệ đường khá cao, vì thế để giảm bớt độ ngọt khi uống cần phải pha loãng từ 5 – 8 lần, dẫn đến sự mất cân bằng về tỷ lệ và hàm lượng các chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, sữa đặc thành phẩm lại khá nghèo nàn thành phần vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy, nếu cho trẻ sử dụng sữa đặc thường xuyên và kéo dài sẽ gây tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng về lâu dài cơ thể sẽ tích tụ đường gây béo phì và nguy cơ tiểu đường.
Sữa đặc rất nghèo vitamin và khoáng chất nên không cho trẻ uống nhiều.
Có nên hâm nóng sữa trước khi cho trẻ sử dụng?
Bác sĩ thúy Hồng cho biết, trong sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu bao gồm: chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể phát triển khoẻ mạnh và nâng cao sức đề kháng. Có thể thấy, đạm của sữa là đạm chuẩn, có giá trị sinh học cao.
Bên cạnh đó, một nguồn vi khoáng chất dồi dào có trong sữa (các vitamin nhóm B: B1, B3, B5, B9; vitamin khác (C, D, E) và chất khoáng: canxi, sắt, kẽm, selen, magie, phospho,…) đã tạo nên giá trị sinh học đặc biệt của sữa. Với hàm lượng vitamin D cao (1 lít sữa cung cấp 400 IU vitamin D).
Theo bác sĩ Hồng, để giúp tận dụng các dưỡng chất và nguồn vi khoáng chất có trong sữa thì cần thực hành sử dụng sữa cũng như các chế phẩm sữa đúng cách. “Thực tế, một số trường hợp có thói quen sử dụng nước nóng (nước vừa đun sôi) hoặc lò vi sóng để hâm nóng sữa và các chế phẩm sữa là không hợp lý.
Dùng sữa và các chế phẩm của sữa phải đúng khoa học thì mới tận dụng được dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Nguyên nhân là do các sóng viba trong lò vi sóng sẽ tiêu diệt các lợi khuẩn, đặc biệt các khuẩn lactic cũng như các protein trong sữa và các chất dinh dưỡng khác sẽ bị mất đi. Tương tự, việc ngâm sữa quá nóng cũng ảnh hưởng đến sự tồn tại của các lợi khuẩn này”, bác sĩ Hồng cho hay.
Theo bác sĩ Hồng, cách tốt nhất để giữ được chất dinh dưỡng cũng như bảo vệ được nguồn lợi khuẩn trong sữa là nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh trước khi cho trẻ ăn từ 30 – 45 phút hoặc có thể ngâm vào nước ấm trong vài phút theo tỷ lệ 2 sôi 1 lạnh và lật đều để sữa chua được nguội đều.
“Một điều các mẹ cần lưu ý, thời điểm tốt nhất để cho trẻ ăn sữa chua là sau bữa ăn chính khoảng 2 tiếng. Lúc này lợi khuẩn trong sữa chua sẽ có môi trường phù hợp nhất, góp phần tiêu hóa thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả. Không nên cho trẻ ăn sữa chua vào lúc đói bởi độ acid cao trong dạ dày sẽ làm giảm tác dụng và sự tồn tại của lợi khuẩn”, bác sĩ Hồng khuyên.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/so-lanh-ba-cho-chau-dung-sua-theo-cach-nay-bac-si-…
Vì muốn trẻ “chắc dạ” khi vừa chào đời, gia đình đã dùng sái thuốc phiện pha vào sữa cho con uống, sau đó trẻ nhập viện, nguy kịch.
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)