Ngày 26/12/2021 20:00 PM (GMT+7)
Tập thể dục tốt cho sức khỏe, tuy nhiên ở trong những thời điểm trời âm u, không khí bị ô nhiễm, nhiệt độ giảm sâu thì cần đặc biệt lưu ý chọn thời điểm tập luyện phù hợp.
Những ngày vừa qua tại miền Bắc nói chung, Hà Nội nới riêng, nhiệt độ giảm, có thời điểm nhiệt độ chỉ dưới 18 độ C. Cùng với đó là hiện tượng sương mù bao phủ từ sáng đến trưa, trời âm u cả ngày. Thống kê tại các điểm quan trắc của Hà Nội đều hiển thị chất lượng không khí đang ở mức xấu đến rất xấu.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD) cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là do phát thải của ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp phát triển, các nhà máy nhiệt điện than…
Khi môi trường, không khí bị ô nhiễm sẽ tồn tại nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp, dị ứng. “Với tình trạng môi trường và chất lượng không khí như hiện nay, người dân không nên đi tập thể dục quá sớm. Đặc biệt là thời điểm từ 4-5 giờ, đây là khoảng thời gian các chất độc lơ lửng gần mặt đất. Do vậy, đi tập thể dục vào thời điểm này không chỉ ảnh hưởng tới hệ hô hấp mà toàn cơ thể”, PGS Huy Nga cảnh báo.
Trời sương mù, chất lượng không khí bị ô nhiễm thì không nên tập thể dục nhất là sáng sớm.
PGS Nga khuyến cáo, tốt nhất trong những ngày chỉ số ô nhiễm ở đô thị ở mức độ cao thì người dân không nên ra ngoài tập thể dục, thay vào đó có thể luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng tại nhà. “Thời gian luyện tập tốt nhất là khi đã có ánh mặt trời”, PGS Huy Nga lưu ý.
Ngoài vấn đề chất lượng không khí, khi thời tiết lạnh, nếu người dân không chú ý, đi tập thể dục sớm sẽ đối mặt với các nguy cơ khác, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền dễ đột tử nếu tập thể dục quá sớm.
PGS. TS.BS Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, tập luyện thể dục thể thao là thói quen là rất tốt, không chỉ góp phần hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hô hấp, rối loạn chuyển hóa mạn tính, mà còn giúp cơ thể chống được lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, việc tập thể dục phải đặc biệt lưu ý đến điều kiện thời tiết, chọn không gian, thời gian, cường độ và môn thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhất là người có bệnh lý nền.
Mùa đông nên tập thể dục khi trời đã có có ánh nắng.
Theo PGS Tường Kha, người có các bệnh tim, mạch, phổi mãn tính tiềm tàng dễ tái phát, gây đột tử khi trúng lạnh khi tập thể dục thể thao thời tiết lạnh hoặc tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao.
“Sau khi tập thể dục nhiều người thường có thói quen tắm ngay, việc làm này sẽ làm cho tình trạng co mạch tuần hoàn ngoại vi tăng lên, làm cho lưu lượng tuần hoàn trung tâm tăng lên, gây co mạch tăng huyết áp dễ dẫn đến đột tử”, PGS Tường Kha chia sẻ.
Để phòng chống đột tử khi tập thể dục thể thao, PGS Võ Tường Kha khuyến cáo, việc đầu tiên là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, xem mình có mắc các bệnh lý tiềm tàng, mãn tính hay không (tim mạch, hô hấp, huyết áp)… Nếu có thì phải lựa môn thể thao phù hợp, chọn lựa cường độ vận động phù hợp với cơ thể.
Trong quá trình tập, cần theo dõi các dấu hiệu bệnh lý như có khó thở, tức ngực, choáng, ngất, hoa mắt chóng mặt… để dừng lại kịp thời và tư vấn bác sĩ hay đi kiểm tra ngay.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/troi-lanh-am-u-nhat-dinh-khong-di-tap-the-duc-thoi…
Tình trạng khô da mùa đông ở trẻ rất thường gặp. Để giải quyết vấn đề này ngoài việc bảo vệ con trước thời tiết khắc nhiệt, việc chăm sóc dinh dưỡng…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)