Ngày 31/12/2021 06:45 AM (GMT+7)
Cà chua có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần chế biến đúng cách và không phải ai cũng phù hợp để sử dụng hằng ngày.
Ăn cà chua đúng cách bổ như nhân sâm
Cà chua là một nguồn chính của lycopene – một chất chống oxy hóa, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc đẩy lùi các gốc tự do dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, cà chua còn chứa nhiều hợp chất thực vật khác, bao gồm beta-carotene, naringenin. Beta-carotene là một chất làm cho cà chua có màu đỏ cam và được chuyển đổi thành vitamin A, rất tốt cho làn da khỏe mạnh, đồng thời tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
Cà chua cũng chứa đầy các vitamin như vitamin C, kali, folate và vitamin K… Lượng vitamin có thể khác nhau trong tùy loại cà chua.
Ăn cà chua nấu chín tốt hơn. Khi nấu, cà chua sẽ giải phóng lycopene, nếu thêm 1 chút dầu ôliu thì sẽ giúp cơ thể hấp thu các chất này dễ dàng hơn.
Cà chua nấu chín tốt hơn ăn sống
Ai không nên sử dụng cà chua?
Theo đại tá, lương y Bùi Hồng Minh – Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, dù cà chua tốt nhưng không phải ai cũng có thể thoải mái sử dụng, một số người cũng cần phải lưu ý khi ăn cà chua. Cụ thể:
Người kém ăn, hay lạnh bụng không nên ăn nhiều cà chua, mà chỉ nên ăn với lượng vừa phải, nếu không sẽ sinh ra chứng đầy bụng, đi ngoài và nhiều bệnh khác.
Người bệnh thận cũng hạn chế việc ăn cà chua, vì đây là loại quả giàu kali làm tăng gánh nặng cho thận, tăng nguy cơ suy thận. Bởi vậy những người đã được chẩn đoán bệnh thận, những người đang phải chạy thận nên hạn chế ăn thực phẩm này.
Người bị gout và sỏi thận cũng nên hạn chế dùng cà chua, vì chứa nhiều vitamin C. Khi ăn cà chua vitamin C đi vào cơ thể sẽ kết hợp với các chất uric kết tủa, gây ra sỏi thận, sỏi mật, co thắt túi mật nên và làm bệnh trầm trọng thêm.
Người bệnh thận không nên ăn cà chua. (Ảnh minh họa)
Lưu ý khi sử dụng cà chua
Ngoài những người hạn chế ăn cà chua như đã nói trên, với những người bình thường khi ăn cà chua cũng cần lưu ý để tránh gây hại cho sức khỏe. Cụ thể:
Không ăn hạt: Một thói quen nhiều người sử dụng cà chua gặp phải đó là ăn cà chua cả hạt, đây là điều không nên. Hạt cà chua khi vào cơ thể sẽ khó tiêu hóa, thậm chí không thể phân hủy. Vì thế nếu sử dụng hạt cà chua dù không gây độc, nhưng sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa các chất và ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày và đường ruột, nhất là trẻ nhỏ.
Không ăn khi đói: Không nên sử dụng cà chua khi đang đói, nhất là việc ăn sống cà chua. Bởi chất pectin và nhựa phenolic chứa nhiều trong cà chua, nếu ăn khi đói chất này sẽ phản ứng với axit có trong dạ dày, làm ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Thậm chí, còn gây nên tình trạng đau bụng, buồn nôn.
Không để ngoài quá lâu sau khi nấu chín: Do cà chua có vị chua, tính mát nên khi chế biến, nấu đến đâu nên dùng hết đến đó. Bởi khi đã nấu chín để trong thời gian dài ngoài việc mất giá trị dinh dưỡng, hương vị thì còn dễ bị thiu, hỏng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Không ăn cà chua xanh: Một vấn đề cũng cần hết sức lưu ý đó là không nên ăn cà chua khi còn xanh, bởi cà chua xanh có chứa nhiều hàm lượng alkaloid, có thể gây ngộ độc.
Không nên ăn hạt cà chua vì có thể làm chậm quá trình chuyển hóa các chất.
Có thể thay thế cà chua bằng thực phẩm khác?
Hiện nay, dù đang vào chính vụ, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên giá cà chua những ngày cuối năm 2021 vẫn rất đắt, nhiều gia đình không dám sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Theo đó, giá cà chua xấu được bán tại các chợ dân sinh lên đến 50.000 đồng/1kg, cà chua đẹp lên đến gần 70.000 đồng/1kg.
Với giá cả tăng vọt so với mọi năm, liệu có thể thay thế cà chua bằng các loại củ quả khác trong bữa ăn hàng ngày? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho rằng muốn thay thế cà chua bằng thực phẩm khác thì phải xem xét ở trên khía cạnh nào.
Nếu xét trên phương diện kết hợp món ăn, làm màu sắc bắt mắt hơn hay tính chất mùi vị thì khó có thể thay thế được, vì mỗi thực phẩm có giá trị riêng của nó. Ví dụ như trước đây nấu canh cá hay cho cà chua, giờ cà chua đắt thay vào đó là su hào, cà rốt… Về mặt an toàn thực phẩm khi nấu chín lên vẫn có thể ăn được, nhưng về mặt ẩm thực thì không thể nói là ngon hay bắt mắt được.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ dinh dưỡng, thì hoàn toàn có thể thay thế cà chua bằng thực phẩm khác được. Ví dụ như cà chua giàu vitamin C, nếu không ăn cà chua thì có thể bổ sung nguồn vitamin C từ hoa quả khác như cam, bưởi mùa này cũng có rất nhiều. Hay cà chua giàu kali, nếu không ăn cà chua thì có thể thay bằng loại quả khác…Tuy nhiên, việc thay thế chỉ mang tính chất tương đối, tạm thời vì giá trị dinh dưỡng chỉ mang tính tương đồng, chứ không thể thay thế cho nhau.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh cho rằng, đúng là cà chua rất tốt cho cơ thể, có thể kết hợp chế biến trong nhiều món ăn, thậm chí có thể ăn sống cũng rất tốt. Tuy nhiên, tùy điều kiện kinh tế, khi cà chua đắt có thể không sử dụng một thời gian cũng không sao, không đến mức không ăn cà chua thì sẽ gây hại hay thiếu hụt chất gì đó cho cơ thể.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ca-chua-dat-do-co-the-dung-cu-qua-khac-thay-the-va…
Ổi là loại quả rất phổ biến ở nước ta và có giá khá rẻ. Ổi giàu vitamin C, các chất chống oxy hóa… có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)