Dịch bệnh, sắp Tết, lo lắng công việc, tài chính bấp bênh… tất cả những lý do này có thể khiến bạn khó ngủ sớm và thường trằn trọc mỗi đêm. Áp dụng những mẹo nghe có vẻ ngược đời dưới đây sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Chúng ta đều biết những mẹo kinh điển để dễ ngủ như đếm số, tĩnh tâm, tắm nước ấm trước khi đi ngủ hay dùng trà hoa cúc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những mẹo trên không giúp ích gì? Trong trường hợp đó, bạn có thể thử một vài cách khá lạ dưới đây.
Từ việc trồng cây chuối tới làm ấm đôi chân, Katherine Hall – một chuyên gia tâm lý về giấc ngủ tại Somnus Therapy (Anh) tiết lộ 7 mẹo lạ lùng giúp mọi người dễ buồn ngủ và có giấc ngủ ngon hơn:
Đi cắm trại hay ngủ ngoài trời
Có vẻ không dễ thực hiện cách này giữa giai đoạn dịch bệnh hay mùa lạnh giá hiện nay nhưng đây là một mẹo hiệu quả, có cơ sở khoa học.
“Nhịp sinh học hằng ngày hay chu kỳ giấc ngủ của bạn phụ thuộc vào sự tiếp xúc với ánh sáng. Với việc ra ngoài trời và hòa mình với thiên nhiên, bạn có thể thiết lập chu kỳ giấc ngủ theo nhịp tự nhiên của ngày và đêm, bao gồm sự mọc và lặn của mặt trời”, chuyên gia Katherine nói.
Nếu muốn “trồng cây chuối” để dễ ngủ, bạn nhớ đảm bảo an toàn khi thực hiện tư thế. (Ảnh minh họa)
Trồng cây chuối
Nếu bạn cần một giấc ngủ ngon, cách tốt nhất là hãy “chổng ngược” – theo nghĩa đen.
“Tư thế trồng cây chuối giúp lưu thông máu tới não, đặc biệt là các tuyến chủ – tuyến yên và vùng não điều khiển thân nhiệt…
Việc này cũng hỗ trợ giải độc tuyến thượng thận, giúp tống bỏ những suy nghĩ tiêu cực và thúc đẩy suy nghĩ tích cực hơn. Bạn có thể thực hành bằng cách tựa thân mình vào tường cho đến khi có đủ thăng bằng và sức mạnh vùng lõi cơ thể để lên tư thế trồng cây chuối.
Tự kể cho mình một câu chuyện giờ đi ngủ
Những câu chuyện trước giờ ngủ không chỉ dành cho trẻ con. Đọc một cuốn sách hay kể cho chính mình nghe một câu chuyện tưởng tượng (chỉ kể thầm trong đầu thôi nhé), có thể giúp trí óc bạn bớt căng thẳng.
Có thể chọn những chuyện kiểu lãng mạn, viễn tưởng, tránh những cuốn sách phi hư cấu mà thường khiến não phải bật chế độ giải quyết vấn đề. Những câu chuyện hư cấu mô phỏng giấc mơ, giúp tâm trí bạn chuẩn bị cho giấc ngủ.
Theo chuyên gia Katherine, tốt nhất là nên chọn sách giấy, tránh đọc từ sách điện tử hay các thiết bị di động vì ánh sáng xanh từ các loại màn hình này có thể khiến bạn tỉnh như sáo.
Nên đọc sách giấy thay vì trên các thiết bị điện tử trước giờ ngủ. (Ảnh minh họa)
Ánh sáng xanh có thể trì hoãn sự giải phóng hoóc môn gây buồn ngủ melatonin, và điều chỉnh đồng hồ bên trong cơ thể bạn theo hướng muộn hơn. Chỉ một tiếng tiếp xúc với màn hình có thể làm chậm quá trình giải phóng melatonin trong cơ thể bạn tới 3 tiếng.
Căng và giãn các cơ
Siết chặt rồi thả lỏng các cơ thúc đẩy sự thư giãn toàn cơ thể. Đây là một kỹ thuật được gọi là Giãn cơ tiến triển theo giai đoạn – mô phỏng sự giải phóng căng thẳng từ việc massage.
Quá trình này gồm 3 bước: Đầu tiên, hít một hơi thật sâu. Tiếp theo, siết chặt một nhóm cơ cụ thể nào đó và giữ lại. Cuối cùng, thả lỏng. Bắt đầu ở ngón chân và từ từ chuyển dần lên toàn bộ cơ thể, tập trung vào những nhóm cơ riêng lẻ mỗi lần, bao gồm các ngón chân, bắp chân, đùi, bụng, mông, cánh tay, vai, cổ và mặt.
Giảm nhiệt độ cơ thể
Theo chuyên gia, điều chỉnh nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có giấc ngủ chất lượng. Hẳn tất cả chúng ta đều biết giấc ngủ sẽ chập chờn thế nào những lúc mình quá nóng hay quá lạnh. Hầu hết mọi người ngủ ngon nhất ở nhiệt độ phòng khoảng gần 19 độ C.
Hãy đảm bảo không gian mát mẻ để cơ thể không bị “bốc hỏa”. Thử mặc đồ ngủ nhẹ thoáng và đừng đắp chăn quá dày hay dùng nhiều chăn.
Các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ mát mẻ giúp ngủ sâu sơn, giảm số lần thức giấc.
Giữ ấm chân bằng cách đi tất có thể giúp bạn dễ ngủ hơn. (Ảnh minh họa)
Làm ấm bàn chân
Mặc dù nên đảm bảo phòng và nhiệt độ cơ thể mát để dễ ngủ, các chuyên gia cho rằng làm ấm chân thực sự có thể giúp bạn nhanh buồn ngủ hơn.
“Chân lạnh ngăn cản lưu thông máu và dẫn tới tuần hoàn máu kém. Các nghiên cứu cho thấy đeo bít tất khi đi ngủ có thể cải thiện lưu thông máu thông qua một quá trình gọi là giãn mạch ngoại biên. Khi mạch máu ở bàn chân được sưởi ấm hay giãn ra, nhiệt độ cơ thể bạn giảm xuống”, chuyên gia giải thích.
Điều này nghe có vẻ không tốt lắm nhưng nó thực sự là phần quan trọng của quá trình ngủ. Nhiệt độ trọng tâm cơ thể bình thường giảm khoảng 1-2 độ để chuẩn bị cho giấc ngủ.
“Bằng cách làm ấm chân và hạ nhiệt độ trung tâm cơ thể, bạn đang phát tín hiệu cho não biết đã đến giờ đi ngủ. Các nghiên cứu cũng khẳng định rằng làn da ấm, bao gồm da ở bàn chân, có thể giúp bạn dễ ngủ hơn.
Đôi khi, giấc ngủ có thể dễ dàng đến hơn khi bạn không cố gắng ngủ. (Ảnh minh họa)
Cố thức
Điều này nghe có vẻ ngược đời nhưng để dễ ngủ hơn, chuyên gia gợi ý bạn có thể thử cố thức càng lâu càng tốt.
“Đây là một kỹ thuật được gọi là cố tình làm ngược. Cách này khuyến nghị bạn lên giường nằm mà không làm bất cứ điều gì để cố ngủ. Bạn thậm chí cố gắng để thức lâu nhất có thể.
Ý định của việc này là hóa giải nỗi lo thường đến khi nằm trên giường mà không thể ngủ và bình thường hóa điều đó trong tâm trí bạn. Khi bạn đối mặt với nỗi sợ này, sự lo âu giảm xuống và bạn sẽ sớm buồn ngủ lúc nào không hay.
‘Điều này cũng được gọi là duy trì trạng thái tỉnh táo thụ động. Tất cả là về nhận thức và chấp nhận bất kỳ suy nghĩ hoặc lo lắng tiêu cực nào vốn khiến bạn không ngủ được, thay vì chật vật chiến đấu hay ngăn cản chúng.
“Với việc chủ ý làm ngược, bạn học cách ngừng tiêu hao năng lượng để loại bỏ những gì mình không muốn và bắt đầu dồn năng lượng vào những gì bạn muốn… đó là giấc ngủ”.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/7-meo-la-giup-ai-cung-de-ngu-ngon-cach-cuoi-co-ve-…
Đây là 3 việc nên làm vào buổi tối trước khi đi ngủ để đem lại hiệu quả nuôi dưỡng cơ thể, đào thải độc tố, cải thiện sức khỏe gan tốt hơn gấp nhiều…
Theo Yên Minh (Dịch từ Metro.co.uk) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)