Tết Nguyên Đán với những người con Việt xa xứ chứa đựng một sự nhớ nhung và cả bầu trời kỉ niệm. Đó là những tâm sự của chị Ihara Hà My, hiện đang sinh sống tại Nhật Bản. Chị cho biết, đã 4 cái Tết trôi qua kể từ năm 2017, chị chưa được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, đó cũng là ngần ấy khoảng thời gian, chị mong ngóng được đưa chồng Ihara Yasushi cùng 3 con Quốc Thái (5 tuổi) – Thục Linh (3,5 tuổi) – Chiêu Hòa (22 tháng tuổi) về thăm những người thân tại Việt Nam.
2022 này, lại là một cái Tết xa nhà, vì dịch bệnh và công việc, gia đình chưa thể sắp xếp về quê hương Việt Nam. Chính vì thế, ở xứ sở hoa anh đào xa xôi, chị nhớ Việt Nam, nhớ mâm cơm ngày Tết vô cùng. Chị chỉ biết gói gửi những nỗi nhớ ấy vào trong lòng, với những kỉ niệm và kí ức về Tết từ những ngày còn ở Việt Nam rồi kể lại cho các con cùng nghe.
Cơ duyên nào đưa chị Hà My qua Nhật định cư và bao lâu rồi chị chưa trở lại Việt Nam?
Chồng mình là người Nhật. Sau khi kết hôn thì anh được giao lại quản lý một trường mầm non từ mẹ, và quay lại Nhật sống nên mình cũng theo chồng luôn. Mình sinh con đầu lòng ở Việt Nam sau đó qua Nhật. Qua được 1 tháng thì mang bầu ốm nghén và lại về Việt Nam, đến khi sinh bé thứ 2 xong mới quay lại và ở đó cho tới tận bây giờ.
Những năm trước, ở Nhật thì gia đình chị thường đón Tết như thế nào?
Mình chọn ăn Tết kiểu Việt Nam lẫn kiểu Nhật cùng một lúc. Nó có nghĩa là: Thời điểm Tết Dương gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa đón Tết, chuẩn bị một số món ăn truyền thống cả Việt cả Nhật, quây quần cùng gia đình, ông bà đêm Giao Thừa, cùng bánh chưng đêm giao thừa.
Sáng mùng 1 Tết thực hiện nghi thức uống rượu truyền thống của Nhật và ăn món truyền thống Ojouni cùng bánh mochi của Nhật. Và sau đó thì đưa các con đi du lịch, nghỉ ngơi.
Còn đối với Tết Âm Lịch, mình sẽ nấu món Việt Nam ăn hoặc cùng gia đình gặp gỡ đồng hương thôi, không làm gì nhiều vì thực sự không có không khí Tết, ai ai cũng bận rộn đi làm. Có năm đầu mình nhớ Tết nên cũng mua đồ về nấu nướng, mua hoa mai nhựa từ Việt Nam gửi sang cho có vẻ như Tết nhưng thực sự không hề có không khí khi tất cả đều vội vàng.
Chồng mình là chủ trường mầm non ở Nhật nên ngày Tết Âm lịch, khi đưa con đi học, mình cho con mặc áo dài đến trường để các bạn nhỏ biết về Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Và mình dự định năm sau khi có trường mới, mình sẽ cung cấp thực đơn Việt Nam cho các bé trong ngày tết Việt Nam. Hiện tại trường cũ không có bếp và không nấu ăn tại trường.
“Các con mặc áo dài đến trường ngày Tết để luôn nhớ về cội nguồn, các bạn học biết về Việt Nam, văn hóa của người Việt mình”.
– Hà My –
”
Bao nhiêu năm rồi anh chị chưa đưa con về Việt Nam đón tết? Anh chị thường nói với các con về Tết âm lịch ở Việt Nam như thế nào?
4 năm rồi mình chưa ăn Tết ở Việt Nam. Các con cũng còn quá nhỏ để mình có thể giải thích lí do trừu tượng về sự khác biệt trong cách tính lịch thiên văn, vậy nên mình chỉ nói Tết là thời điểm mà gia đình sum họp, tạm biệt những điều cũ để chào đón niềm vui mới mà thôi. Ở Việt Nam Tết là thời điểm giao mùa- sự chuyển giao rõ rệt giũa mùa đông và mùa xuân, nhưng ở Nhật thì vẫn là mùa đông nên lạnh lắm.
Anh chị có dự định gì cho Tết này không?
Tết Âm lịch này những người Việt ở Nhật sẽ có một cuộc gặp gỡ, nấu ăn ở nhà mình. Họ cũng muốn mời một số bạn bè và đồng nghiệp của họ cùng tham gia. Mình rất mong đợi về điều đó.
Chị có còn nhớ lúc trước khi sang Nhật, Tết Âm lịch ở Việt Nam, gia đình chị thường làm gì?
Lúc ở Việt Nam thì Tết thường về nhà ông bà, chơi với ông bà. Nhưng cũng đa phần là thời gian nghỉ ngơi và dành cho gia đình.
Nuôi dạy 3 con ở Nhật, chị thấy thuận lợi như thế nào?
Một là, đất nước công nghiệp nên rất thuận tiện, trong ăn uống hay cuộc sống hàng ngày đều thuận tiện, di chuyển thuận tiện, mua sắm thuận tiện, ngay cả nhà cửa thiết kế cũng thuận tiện cho con nhỏ. Như ngày Tết chỉ cần đặt mua đồ ăn họ ship tận nhà rồi mở ra ăn thôi (cười).
Đất nước luôn ưu tiên cho trẻ: Ở Nhật có rất nhiều chính sách công cho trẻ con, ví dụ như trẻ đi học không tốn tiền học phí, nhiều địa phương hỗ trợ tài chính cho các gia đình mỗi tháng trong việc chi tiêu bỉm sữa, thậm chí địa phương mình khi dịch covid thì họ hỗ trợ mỗi em bé 10 man trong dịp Tết – tương đương 20 triệu VND.
Có rất nhiều khu vui chơi cho trẻ cả bên trong lẫn bên ngoài, như công viên, phòng chơi công cộng do chính phủ quản lý, hoặc trường mầm non của gia đình mình cũng có mở 1 phòng chơi miễn phí cho các mẹ có con nhỏ đến trường chơi.
Đi ăn ở nhà hàng hay các nơi công cộng đều có phòng nursery cho mẹ và bé, ghế ăn cho bé, hoặc xe đẩy cho bé ở các trung tâm thương mại hay công viên quốc gia. Vậy nên dù có con nhỏ nhưng gia đình mình đưa con đi du lịch rất nhiều mà không cần phải lo lắng về sự bất tiện trong vui chơi, ăn uống.
“Nhật Bản là một quốc gia lý tưởng để nuôi dạy những đứa trẻ từ tấm bé”.
– Hà My –
”
Hai là: Vấn đề an toàn. Cảm thấy an toàn khi ăn uống bên ngoài, an toàn khi tham gia giao thông hoặc vui chơi trong môi trường thiên nhiên.
Ba là: Không áp lực trong việc nuôi con, như con gầy, con ốm. Không cần phải so sánh tranh đua về điểm số của con. Vì gia đình mình làm giáo dục với quan điểm: Vui chơi, trải nghiệm vui vẻ là quan trọng nhất trong 10 năm đầu đời nên mình không hề có áp lực gì đê bắt con học chữ, học tiếng Anh hay gì cả. Nhờ vậy mà các bé cũng khá thoải mái và cũng thích ba mẹ dạy chữ. Bạn 5 tuổi đã có thể đọc – viết chữ hiragana và katakana mà ba mẹ không hề dạy.
Thuận lợi hơn hết đó là môi trường giáo dục. Ngoài gia đình thì xã hội cũng góp phần vào trách nhiệm giáo dục con người. Khi mình muốn dạy con khiêm nhường, lịch sự với người già, tôn trọng trẻ nhỏ, nhường đường cho người đi bộ, xếp hàng ở nơi công cộng, trung thực khi mua hàng, tất cả những điều đó trẻ học ở chính ba mẹ và chính môi trường mà trẻ lớn lên. Đó là điều mà mình cảm thấy may mắn khi được nuôi con mình ở đất nước này.
Vậy khó khăn thì sao?
Không có sự hỗ trợ nhiều từ gia đình là khó khăn lớn nhất đối với mình. Cũng giống như các nước phát triển khác, con người được giáo dục hướng đến sự tự lập và tôn trọng cá nhân, vậy nên con người thường có xu hướng không muốn làm phiền đến sự riêng tư của người khác. Ví dụ như khi người thân là anh chồng hay em chồng từ nơi xa đến chơi thì cũng ở khách sạn và gặp gỡ nhau ở nhà hàng. Và với một người đi từ văn hóa ấm áp, gần gũi với gia đình điển hình của người Việt thì điều đó khiến mình có cảm giác xa cách. Mình muốn con mình có cảm giác đoàn tụ của một đại gia đình nhiều thế hệ, họ hàng như Việt Nam nhưng rất khó, và không thể ở Nhật.
Chị có gặp khó khăn về tài chính khi nuôi con ở Nhật?
Vì nhà mình làm kinh doanh nên cũng không quá khó khăn. Hơn nữa chi phí nuôi con nhỏ ở Nhật không quá đắt. Không tốn tiền sữa, tiền học, tiền viện phí. Ở chỗ của mình khi trẻ đi viện nếu phải trả tiền, thì có thể đổi tiền đó thành điểm tích lũy có thể sử dụng cho mua hàng. Nên dường như tiền viện phí là 0.
Khi nói chuyện với các mẹ khác ở Nhật thì họ cũng đều cảm thấy thoải mái khi nuôi con nhỏ dù là mẹ đơn thân. Chỉ cần cố gắng chăm chỉ thì sẽ có cuộc sống bình thường ở Nhật. Còn làm giàu dư giả như lời đồn của cô hàng xóm thì mới thật sự khó khăn thôi (cười).
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ, chúc chị và gia đình năm mới 2022 nhiều sức khỏe, bình an!
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/me-viet-lay-ong-chu-truong-mam-non-nhat-tet-viet-s…
Vì ông xã đang làm việc tại Canada, chị Trang một mình nuôi 4 con nơi đất khách quê người.
Theo Chi Chi (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)