Ngày 02/02/2022 11:50 AM (GMT+7)
Chuối là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài việc được sử dụng thắp hương trên ban thờ, dùng để tráng miệng sau bữa ăn, quả chuối còn có thể chữa được nhiều loại bệnh.
Chuối có rất nhiều công dụng và dưỡng chất
Tại Việt Nam có nhiều loại chuối khác nhau, nhưng được biết đến và sử dụng nhiều nhất là chuối tiêu. Đây cũng là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả mỗi dịp lễ, Tết và được đặt ở nơi trang trọng nhất trên ban thờ. Chuối có nhiều công dụng chữa bệnh ít người biết.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết trong đông y, chuối tiêu có vị ngọt, tính lạnh; vào tỳ vị, đại tràng có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Loại quả này đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp bị táo bón, mụn nhọt, bị xuất huyết do trĩ, sốt nóng khát nước, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, giúp an thai…
Chuối không chỉ là loại quả thắp hương ngày Tết, mà còn có nhiều công dụng chữa bệnh rất tốt. Ảnh minh họa.
Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, trong 100 gram chuối chín có 16-20% glucid; 1,2% tinh bột; 0,5% lipid; 1,2% protein. Ngoài ra còn có 0,6mg sắt và các vitamin như 0,12mg cloten, 0,04mg vitamin B1; 0,05mg vitamin B2; 0,07mg vitamin PP và 6mg vitamin C.
Đáng chú ý nhất là trong chuối chín có chất béo tự nhiên và không cholesterol. Do vậy, chuối có thể thay thế cho những thực phẩm nhiều đường. Ngoài ra, chuối được biết đến với hàm lượng kali cao, với hơn 400mg kali trong một quả chuối cỡ vừa. Nguồn kali tự nhiên có trong chuối rất tốt cho sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên và điều độ.
Những lưu ý khi ăn chuối chín
Dù chuối có nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn cần phải lưu ý để tránh gây nên những tác dụng phụ không mong muốn. Nhà khoa học, lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết ai cũng nghĩ chuối bổ dưỡng, dễ ăn nên sử dụng mọi thời điểm, điều này là sai lầm.
Lương y Sáng khuyến cáo mọi người không sử dụng chuối khi đang đói, dạ dày trống rỗng. Lý do là chuối có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt giàu magie và kali, ăn khi đói có thể gây tình trạng chướng bụng, cảm thấy cồn cào, khó chịu. Chính vì vậy, nếu muốn dùng chuối chín chỉ nên ăn sau bữa ăn, tuyệt đối không nên ăn khi đói.
Không ăn chuối khi đói hay khi đang đau đầu. Ảnh minh họa.
Không chỉ vậy, vị lương y này cũng khuyên không nên ăn chuối vào bữa sáng hay khi đang căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Trong chuối có thành phần serotonin dễ gây buồn ngủ và ảnh hưởng chất lượng công việc. Vì vậy, nên dùng chuối vào bữa trưa hoặc bữa tối để tránh ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
Ngoài lưu ý về thời điểm ăn chuối, lương y Bùi Đắc Sáng cũng tư vấn người bị đau dạ dày, người bị sâu răng, mắc tiểu đường, đang bị đau đầu cũng không nên hoặc hạn chế ăn chuối chín. Bởi trong chuối có một số chất khiến cho những người bị những vấn đề trên có thể gặp phản ứng phụ không tốt cho sức khỏe.
Một số bài thuốc từ chuối có thể tham khảo sử dụng:
– Viêm loét dạ dày: Chuối tiêu xanh đem sấy khô, tán thành bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g.
– Viêm khí phế quản, ho khan, đờm ít dính, táo bón: Lấy 3 quả chuối tiêu chín, 100g đường phèn. Chuối tiêu bóc vỏ, đem cắt thành từng đoạn khoảng 2cm, cùng với đường phèn đem hấp cách thủy . Ăn mỗi ngày 1-2 lần cho đến khi hết bệnh.
– Bệnh nhân cao huyết áp: Mỗi ngày ăn 3 lần chuối tiêu, mỗi lần ăn 1-2 quả, ăn liên tục trong 2 tháng sẽ giúp giảm tình trạng bệnh.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/loai-qua-re-nha-ai-cung-co-dip-tet-cuc-tot-nhung-t…
Cà chua có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần chế biến đúng cách và không phải ai cũng phù hợp để sử dụng hằng ngày.
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)