Ngày 17/02/2022 09:14 AM (GMT+7)
Suốt 20 năm qua, người đàn ông trung niên cứ quan hệ là ra máu, thời gian gần đây tình trạng ngày càng nặng hơn nên mới tìm đến bệnh viện thăm khám.
TS.BS Nguyễn Hoài Bắc – Trường khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, mới đây khoa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân 57 tuổi, ở Hà Nội vì lý do rất “khó nói”, đó là bị chảy máu từ đường tiểu mỗi khi dương vật cương cứng, quan hệ tình dục.
Bệnh nhân chia sẻ, tình trạng tiểu ra máu đã xuất hiện 20 năm qua, thậm chí ngay sau quan hệ tình dục với vợ. Lượng máu ra tuy không nhiều, không gây đau nhưng đó là máu đỏ tươi, có lúc là máu cục. Đáng nói, máu chỉ chảy sau khi quan hệ, sau đó mọi thứ lại trở về trạng thái bình thường.
Trước tình trạng của mình, bệnh nhân đi điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Thời gian gần đây, tình trạng ngày càng nặng, thậm chí bệnh nhân không quan hệ mà mỗi khi “cậu nhỏ” cương cứng là cũng chảy máu. Tần xuất cũng nhiều hơn đến 2-3 lần/tuần, do đó ông quyết định đi khám.
Người đàn ông bị tiểu ra máu mỗi khi quan hệ, cương cứng suốt nhiều năm trời.
Tại BV Đại học Y Hà Nội, sau khi được làm xét nghiệm chuyên sâu và chụp chiếu… các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhiều mạch máu nông ở bề mặt niệu đạo giãn mỏng thành từng đám, chính điều này dễ gây chảy máu.
Bệnh nhân được chẩn đoán là giãn vỡ mạch máu niệu đạo/ theo dõi u máu niệu đạo, sau đó được chỉ định phẫu thuật nội soi đốt các mạch máu giãn bằng laser holmium. Kết quả là 1 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể quan hệ bình thường mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của chảy máu đường tiểu.
Các bác sĩ cho biết, tiểu ra máu khi dương vật cương cứng là tình trạng lâm sàng hiếm gặp, liên quan chủ đến những dị dạng bất thường của mạch máu trong niệu đạo. Đây là một bệnh lý hoàn toàn lành tính, có thể gặp ở cả nam và nữ, nhưng chủ yếu là nam giới.
Tiểu máu khi cương không phải là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm, nhưng thực sự gây hoang mang cho người bệnh. Các bác sĩ nam khoa khuyến cáo, khi có triệu chứng trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để được điều trị thích hợp.
Về vấn đề điều trị, TS.BS Nguyễn Hoài Bắc cho biết, ưu tiên điều trị ngoại khoa, trong trường hợp bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật, có thể điều trị nội khoa (nhưng thường tỷ lệ tái phát cao).
Điều trị ngoại khoa cho u máu niệu đạo hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp nội soi ngược dòng đốt vùng có u máu. Năng lượng sử dụng đốt u máu có thể là dòng điện đơn cực, hoặc sử dụng laser, đều cho hiệu quả điều trị rất khả quan.
Một nghiên cứu trên thế giới với 39 bệnh nhân sau nội soi đốt u máu niệu đạo bằng điện đơn cực với thời gian theo dõi sau mổ trung bình 16 tháng cho thấy tỉ lệ tái phát khoảng 5%.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/hy-huu-quy-ong-ha-noi-cu-gan-gui-vo-la-xuat-ra-dic…
Nhiều nam giới ao ước “cậu nhỏ” cương được lâu để thỏa sức thể hiện bãn lĩnh nhưng có trường hợp lại cảm thấy khổ sở khi “cậu em” vùng lên mãi chẳng…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)