Ngày 23/02/2022 11:46 AM (GMT+7)
Việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 không theo chỉ định, mua thuốc bán qua mạng rất nguy hiểm, có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Tình hình tiêm chủng vaccine ở Việt Nam
Xem thêm số liệu vaccine COVID-19 >
Nguồn: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 – Cập nhật lúc 00:00 22/02/2022
Số mũi đã tiêm toàn quốc
Bán tràn lan trên mạng, chỉ cần chuyển khoản là có thuốc
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, khi các ca F0 ở nhiều địa phương tăng cao, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc điều trị COVID-19, gồm những loại thuốc được cho là “diệt được virus”, giúp nhanh trở về âm tính… Đáng nói là nhiều loại trong số đó là hàng xách tay, không có hóa đơn, chứng từ nhưng vẫn được nhiều người mua dùng.
Phổ biến nhất là loại “thuốc xanh, thuốc đỏ” (gọi theo màu sắc của hộp thuốc) được cho là có xuất xứ từ Nga. Theo tìm hiểu, hai loại “thuốc xanh đỏ” này có tên Arbidol (thành phần là Umifenovir) và Areplivir (thành phần là Favipiravir).
Loại thuốc được cho là có xuất xứ từ Nga được rao bán trên mạng.
Hai loại thuốc này được những người bán quảng cáo là có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả COVID-19. Các thuốc “xách tay” này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như facebook, zalo, shopee… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.
Theo chia sẻ của chị T.H. (một F0 ở Vĩnh Phúc), do muốn nhanh khỏi bệnh chị đã đặt mua thuốc Areplivir từ một người bán tại TP. Phúc Yên và được chào giá hơn 2 triệu đồng một hộp. Khi chấp nhận giá mua, chỉ trong buổi chiều là chị đã nhận được thuốc. Dù được giới thiệu chỉ uống 3-4 ngày là sẽ về âm tính, nhưng chị H. uống hết liệu trình, test nhanh vẫn dương tính. Rất may chị không gặp phản ứng phụ nào khi dùng thuốc.
Cũng là F0, chị Thanh Tâm (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng muốn tìm mua thuốc điều trị COVID-19 từ mối quen trên mạng nhưng sau khi tham vấn bác sĩ trong tổ điều trị COVID-19 tại nhà, chị đã từ bỏ ý định vì lo lắng về các tác dụng phụ.
Sau đó, chị được phát túi thuốc dành cho các F0 (túi thuốc C), trong đó có một loại thuốc điều trị COVID-19 là Molnupiravir 200mg, có xuất xứ Ấn Độ. Khi được chính quyền, nhân viên y tế phát loại thuốc này, chị Tâm phải uống theo hướng dẫn và báo cáo tình trạng uống thuốc hàng ngày.
Loại thuốc chị Tâm được cấp phát miễn phí, kèm theo hướng dẫn sử dụng.
“Khi phát thuốc, bác sĩ dặn dò chi tiết về cách dùng, việc cần báo cáo hằng ngày và những tác dụng phụ có thể xảy ra như trào ngược dạ dày, ảnh hưởng khả năng sinh sản… Tôi đã sinh đủ 2 con và muốn nhanh khỏi bệnh để đi làm nên chấp nhận dùng thuốc. Tôi uống theo hướng dẫn thì sau 3 ngày là âm tính và trong thời gian dùng thấy cũng bị trào ngược dạ dày”, chị Tâm chia sẻ.
Đã là thuốc thì tuyệt đối không tự tiện dùng, không mua qua mạng
TS.BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, không chỉ thuốc điều trị COVID-19 mà bất cứ thuốc gì khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự tiện sử dụng.
Với việc điều trị COVID-19, BS Khanh cho biết, hiện Việt Nam đã cấp phép sử dụng một số loại thuốc nhập từ nước ngoài và cả thuốc do Việt Nam sản xuất. “Riêng với trường hợp F0 điều trị ở nhà, khi dùng cũng phải có chỉ định và người chưa tiêm phòng COVID-19 hoặc người có nguy cơ trở nặng mới nên uống. Trường hợp dùng thuốc thì nên dùng sớm trong 5 ngày đầu, khi dương tính quá 5 ngày thuốc cũng không giúp được gì. Lưu ý, trong khoảng 1,5 ngày đầu khi uống (3 liều đầu) cơ thể có thể sẽ xuất hiện phản ứng phụ nhẹ như mệt mỏi, khó chịu. Sau khi quen thuốc những triệu chứng này sẽ hết dần”, BS Khanh cho hay.
Với các loại thuốc “xách tay” bán trên mạng xã hội, dược sĩ Hà Quang Tuyến, trưởng khoa Dược BV Đại học Y Hà Nội cho biết, loại thuốc mà mọi người hay gọi là “thuốc xanh, thuốc đỏ” hiện chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Khi thuốc chưa được cấp phép thì tuyệt đối không dùng.
Các chuyên gia cảnh báo, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi điều trị COVID-19. Ảnh minh họa.
Theo dược sĩ Tuyến, mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị COVID-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.
“Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam, các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm, diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, ko rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.
Quy trình cấp phép thuốc tại Việt Nam rất chặt chẽ, vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến sức khỏe của con người, cả trước mắt và lâu dài. Điều này nhằm mục đích đảm bảo tác dụng, hiệu quả của thuốc đối với nhân dân khi sử dụng. Tôi tin rằng, nếu sản phẩm này thực sự có chất lượng, tác dụng thì Bộ Y tế đã liên hệ để đưa thuốc về theo đường ngoại giao, đường chính thức để cho nhân dân sử dụng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, dược sĩ Tuyến chia sẻ.
Theo ông Tuyến, việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược, làm giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho những cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân.
“Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị COVID-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng COVID-19 ở người bệnh”, ông Tuyến khuyến cáo.
Không chỉ thuốc ức chế virus, F0 lạm dụng các thuốc khác cũng rất nguy hiểm
Khi mắc COVID-19, triệu chứng điển hình là ho, sốt. Do vậy, không ít F0 vì lo sợ virus tấn công xuống phổi nên sử dụng thuốc một cách “vô tội vạ”, điển hình là lạm dụng corticoid (Medrol).
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng -Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, đồng thời là thành viên Nhóm Bác Sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết, khi dùng Medrol đúng là có giảm sốt vì nó ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, thuốc này cũng giảm được ho vì làm bớt phản ứng dị ứng, thậm chí là chống viêm, chống sưng nề.
Tuy nhiên, nếu tự ý sử dụng không có chỉ định của bác sĩ sẽ để lại những hậu quả rất nguy hiểm. Điển hình như việc dùng thuốc ức chế miễn dịch của cơ thể thì cũng đồng nghĩa “tiếp tay” cho virus nhân lên, dễ bội nhiễm vi khuẩn, làm bùng phát tiểu đường, huyết áp, và cả nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác.
“Khi bệnh nhân chưa phải thở oxy, nhất quyết không dùng corticoid. Đây là điều đặc biệt phải lưu ý, nếu không COVID có thể lấy đi tính mạng của bạn.
Corticoid rất tốt trong việc chống bão cytokine, nhưng dùng sớm quá thì chỉ làm bệnh tình tồi tệ hơn. Tôi xin nhắc lại, khi SpO2 trên 95 hoặc chưa phải thở oxy thì không dùng corticoid”, bác sĩ Hoàng cảnh báo.
Dù thuốc đã được cấp phép cũng vẫn có chống chỉ định cho một số trường hợp.
Thuốc điều trị COVID-19 do Việt Nam cấp phép dùng trong trường hợp nào?
Mới đây, 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir hàm lượng 200mg và 400mg, hạn dùng 6 – 8 tháng, cùng sản xuất dạng viên nang cứng tại Việt Nam đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành ngày 17/2. Giấy phép này có hiệu lực trong 3 năm.
Cùng với quyết định cấp phép lưu hành, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất và đăng ký thuốc sản xuất theo đúng tài liệu và hồ sơ đã công bố với Bộ Y tế và phải in số đăng ký đã được Bộ Y tế cấp phép lên nhãn thuốc.
Vậy Molnupiravir sản xuất tại Việt Nam vừa được Bộ Y tế cấp phép dùng trong trường hợp nào? Theo Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế, không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.
Theo thông báo của hội đồng, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 nhẹ đến trung bình cho người trưởng thành dương tính COVID-19, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Về giới hạn sử dụng thuốc, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Hội đồng cũng cho rằng dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Được biết, Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị COVID-19 ở Việt Nam. Remdesivir là thuốc tiêm truyền tĩnh mạch, dùng cho bệnh nhân nặng, chỉ sử dụng trong bệnh viện.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-san-lung-thuoc-xanh-thuoc-do-phong-chu…
Rất nhiều phụ huynh khi con mắc COVID-19 có triệu chứng sốt thì vô cùng lo lắng. Vậy khi trẻ bị sốt thì cần xử lý thế nào, dấu hiệu nào cần báo nhân…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)