Thế giới cổ tích thần kỳ với những câu chuyện đặc sắc, mang đến nhiều bài học hay và ý nghĩa trong cuộc sống
Bảy điều ước
Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó. Khi cha mẹ còn sống người anh chỉ biết sống dựa dẫm vào cha mẹ, khi cha mẹ qua đời anh ta lại sống dựa dẫm vào người em.
Suốt ngày người anh chỉ biết rong chơi, rượu chè cờ bạc, còn nếp nhà tranh cha mẹ để lại anh ta cũng bán nốt đi để lấy tiền tiêu xài. Cuối cùng không có nơi nào để ở hai anh em phải chia tay nhau mỗi người một ngả.
Người anh chẳng biết làm lụng gì nên phải đi ăn xin khắp nơi xin mọi người bố thí để sống qua ngày. Còn về phần người em, anh có chiếc cần câu cha để lại nên ngày nào anh cũng ra sông để câu cá. Chẳng quản ngại nắng mưa người em rất chăm chỉ cần mẫn làm việc, và không bao lâu sau anh dành dụm tiền mua được một chiếc vó từ đó công việc của anh đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Nhờ hay lam hay làm lại biết tiết kiệm, chắt bóp chẳng bao lâu sau anh đã chuộc lại được căn nhà tranh của cha mẹ. Vì thương anh nên người em lại tìm người anh về sống chung, nhưng người anh vẫn chứng nào tật ấy, không chịu làm ăn.
Một hôm, người em đi từ sáng đến chiều mà không câu được con cá nào. Anh đành phải vạch lau, lách theo bờ để tìm đến một đoạn sông vắng, rồi kiên trì thả vó nhưng lần nào kéo vó lên cũng không có một con cá nào. Người em buồn quá định cất vó đi về thì lần cuối cùng anh cất vó thì thấy võ nặng trĩu, anh phải gắng hết sức thì mới nhấc được vó lên được. Người em vô cùng kinh ngạc khi thấy trong vó không phải là cá mà là một cô gái vô cùng xinh đẹp.
Sau khi được người em vớt lên, cô gái kể lại sự việc cho người em nghe. Cô gái vốn là tiên nữ trên trời, một hôm cô xuống sông tắm chẳng may đã bị con trai vua thủy tề bắt làm vợ, nay nhờ người em kéo vó mà nàng mới thoát được lên bờ. Và để đền ơn chàng, nàng tiên đã ban tặng cho người em bảy điều ước và dặn:
– Nếu chàng muốn cho ai điều ước, thì chàng chỉ cần đặt tay lên đầu người đó, mỗi lần đặt tay lên đầu là một điều ước.
Nói xong nàng tiên đặt tay lên đầu người em bảy lần rồi biến mất. Khi về đến nhà, người em đem hết sự tình kể cho người anh. Người anh tham lam bảo người em hãy cho mình bốn điều ước, người em bằng lòng ngay và đặt tay lên đầu người anh bốn lần.
Người anh ước ngay điều ước thứ nhất:
– Ta ước có một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy chứa đầy vàng bạc châu báu.
Người anh vừa dứt lời thì lập tức tòa lâu đài nguy nga tráng lệ hiện ra trước mắt. Anh ta vô cùng vui sướng và đi khắp ngôi nhà để khám phá.
Còn người em, anh chỉ ước có một ngôi nhà vững chãi để thay cho ngôi nhà đã rột nát. Ước mong thứ hai là có một mảnh ruộng tốt để cày cấy. Còn điều ước cuối cùng anh vẫn để giành.
Ảnh minh họa.
Ngày ngày, ngoài việc đồng áng, anh lại mang vó ra sông để kiếm cá. Từ ngày giàu có người anh trở nên hợm hĩnh, không coi ai ra gì. Những người nghèo khó đến xin giúp đỡ anh ta đều từ chối và đuổi đi.
Anh ta còn dùng điều ước thứ hai để ước hàng xóm láng giếng biến mất hết để không ai có thể làm phiền anh ta. Dần dần anh ta càng bị mọi người ghét bỏ và xa lánh, vì thế nên quanh năm anh ta không thể nói chuyện được với ai. Sống một mình mãi anh ta sinh buồn chán.
Một hôm anh ta ước đến điều ước thứ ba: “Ta cảm thấy sống mãi ở trần gian này thật chán quá, ta ước được lên cung trăng để được chơi với chị Hằng, chú Cuội”. Lập tức một trận cuồng phong kéo tới đưa anh ta lên tít trời cao. Anh ta sợ hãi ngắm nghiền hai mắt lại đến khi không nghe thấy tiếng gió rít nữa mới dám mở mắt ra nhìn. Thì ra anh ta đã lên đến cung trăng, anh ta sửng sốt khi nhận ra chú Cuội bằng xương bằng thịt đang đứng ngay trước mặt.
Chú Cuội đưa cho anh ta một cái rìu và bảo:
– Ở nơi này mọi thứ đều khó kiếm, anh muốn no bụng thì phải bổ củi mới có cơm để ăn.
Người anh bắt đầu bổ củi, anh ta bổ đến khi chân tay mỏi rã rời không thể nhấc được cái rìu nữa nhưng vẫn chẳng thấy cơm cháo đâu cả. Lúc ấy Cuội mới cười bảo anh ta:
– Ha! Ha! Tôi bảo anh bổ cây lấy củi chứ có bảo anh bổ củi lấy cơm đâu.
Rồi Cuội lại bảo người anh mài đá lấy bột ăn cho đỡ đói. Người anh tưởng thật lại cố sức mài đá cho thành bột, nhưng bột đá chát quá anh ta không tài nào nuốt nổi. Thấy vậy Cuội lại cười và bảo:
– Ha! Ha! Tôi nhờ anh mài hộ tảng đá để làm bàn cờ, chứ bột đá thì sao có thể ăn được.
Người anh vừa đói vừa khát lại bị Cuội lừa nên anh ta lại thấy chán cung Trăng. Anh ta lại ước tiếp điều ước thứ tư: “Hãy đưa ta đến xứ sở Mặt trời.” Điều ước thành sự thật, nhưng chưa đến được Mặt trời anh ta thấy nóng quá anh ta vội liều nhảy xuống mặt đất. Người anh rơi xuống ngay con sông nơi người em thường hay câu cá. Anh ta được những người thuyền chài vớt lên nhưng anh ta đã bị tắt thở rồi.
Nhận được tin báo người em vội vã ra nhận xác người anh. Còn một điều ước cuối cùng anh ước cho anh trai mình được sống lại. Người anh vô cùng hối hận vì những việc mình đã làm, thay tâm đổi tính ngày ngày chịu khó làm việc.
Nhờ biết bảo ban nhau làm ăn cuộc sống của hai an hem ngày càng khấm khá hơn. Người em còn chịu khó khăn gói quả mướp đi học hỏi, anh còn tìm được bao nhiêu giống cây tốt mang về.
Chẳng bao lâu sau ruộng của hai anh em được cấy giống lúa tốt cho gạo thơm ngon, còn vườn cây thì xanh tốt toàn hoa thơm quả ngọt. Rồi hai anh em đều cưới được hai cô vợ xinh đẹp nết na. Và họ sống bên nhau thật vui vẻ hạnh phúc.
Bà chúa bèo
Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một cô bé hiền lành, chịu thương chịu khó. Một ngày cô ngồi ở bờ ruộng lặng nhìn những cây lúa nghẹn đòng ở ruộng nhà.
Cô thương cho lúa và lo cho gia đình mình. Năm nay mất mùa thì lại bữa cơm bữa cháo!
Cô nhìn cánh đồng làng rộng thẳng cánh cò bay. Ðất bạc màu, lúa ốm yếu, xanh một màu vàng vọt. Cô thương cho lúa và lo cho làng xóm. Năm nay mất mùa thì lại có người chết đói!
Cô ôm mặt khóc. Bỗng Bụt hiện ra sáng lòa, hỏi:
– Tại sao con khóc?
Cô bé vừa mếu máo vừa thưa:
– Con khóc vì con thương cây lúa nghẹn đòng.
– Nhưng nước mắt của con có làm cho cây lúa trổ bông, sây hạt được đâu?
Nghe Bụt nói thế, cô bé càng khóc to hơn. Bụt lại hỏi:
– Con có muốn cứu lúa không?
– Dạ, có.
– Muốn cứu lúa, thì con phải đưa cho ta một vật gì con quý nhất.
Cô bé nhìn áo mình thì áo nâu vá, sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì giỏ chỉ có mấy con cua vừa mới bắt được. Sực nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc quý, cô vội gỡ ra, rồi hai tay dâng lên Bụt:
– Thưa Bụt, con chỉ có đôi bông tai hoa dâu, mẹ con trước khi chết đã trao lại. Mẹ con dặn rằng: “Bông hoa tai ngọc này là của quý của dòng họ ta đấy”.
Nói đến đây, cô bé ngừng lại. Bụt giục nói tiếp. Cô bé nhìn đôi hoa tai lóng lánh:
– Mẹ con còn bảo: “Dòng họ có lời nguyền hễ ai được đeo hoa tai mà làm mất hoặc đem bán đi, thì người đó suốt đời sẽ bị dòng họ xa lánh, hắt hủi, suốt đời sẽ sống một cuộc sống lẻ loi, buồn tủi”.
– Con đưa cho ta vật quý, con không sợ bị trừng phạt sao?
Nhìn ruộng lúa nhà mình, nhìn cánh đồng làng, cô bé mạnh dạn thưa:
– Ðể cứu lúa, con xin chịu trừng phạt.
Cô bé quỳ xuống, hai tay dâng đôi hoa tai lên cho Bụt. Bụt nâng cô bé dậy, chỉ vào một đám ruộng nước, bảo:
– Con hãy ném đôi hoa tai bằng ngọc quý này xuống ruộng kia!
Cô bé làm ngay theo lời Bụt. Lạ chưa! Bông hoa tai sáng rực lên một mầu xanh rồi chìm xuống nước. Sau đó nổi lên một cây bèo hình hoa dâu, giống hệt hoa tai của cô bé.
Ảnh minh họa.
Bụt bảo:
– Con hãy nhân cây bèo lên hàng triệu triệu cây mà bón cho lúa. Lúa sẽ xanh, hết nghẹn đòng, sây hạt, nặng bông. Con xuống ruộng, đụng vào cây bèo đi! Khi nào con làm cho cánh đồng làng này xanh tốt, dòng họ sẽ rút lời nguyền cho con.
Dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé xuống ruộng, đụng vào cây bèo xanh mượt. Hễ đụng vào một cây hóa thành hai, đụng vào hai cây, hóa thành bốn, đụng vào bốn cây, hóa thành tám.
Thoạt đầu, cô lấy một ngón tay đụng vào bèo, dần dần lấy cả năm ngón tay rồi cả bàn tay mà nhân bèo. Cô mải mê làm đến chiều tối, bèo đã xanh kín cả ruộng. Hôm sau, cô lại đem một ít bèo sang ruộng bên cạnh, và cứ thế nhân lên.
Ruộng nào có bèo hoa dâu, thì lúa xanh tốt, mập khỏe hẳn lên. Dân làng thấy thế, ai cũng mừng rỡ và cùng cô bé ra sức nhân bèo. Chẳng bao lâu, cả cánh đồng mênh mông được phủ một lớp bèo hoa dâu xanh mượt.
Mùa năm ấy, lúa chín vàng trĩu hạt. Dân làng chung quanh thấy bón bèo hoa dâu lúa tốt, đến mua giống. Bèo hoa dâu dần dần lan rộng ra nhiều làng, nhiều huyện.
Một hôm, bố nhìn hai tai cô bé, hỏi:
– Ðôi hoa tai ngọc của con đâu rồi?
Cô bé cúi đầu, ngập ngừng, rồi kể hết cho bố nghe câu chuyện cô ngồi Khóc thương lúa và gặp Bụt.
Bố cảm động, ôm con vào lòng, nói:
– Bụt nói đúng. Dòng họ, dân làng nhờ con mà được ấm no, dòng họ sẽ bỏ lời nguyền, và thương con, yêu con mãi mãi. Ngày nay, không phải chỉ có một đôi hoa tai làm đẹp cho một người mà có hàng triệu triệu hoa tai làm cho mọi người ấm no.
Người ta kể lại rằng: sau khi cô chết, để tỏ lòng nhớ ơn cô, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình lập đền thờ và gọi cô là: “Bà Chúa Bèo“.
Lọ nước thần
Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng.
Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quḁ tha một con chim sẻ tới đậu trên một phiến đá ở gần chỗ mình đang làm việc.
Nhìn thấy thế, anh bỗng động lòng thương con chim bé bỏng sắp sửa lọt vào miệng loài ác điểu. Anh bèn nhặt hòn đá ném con quḁ. Quḁ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng ăn, quḁ chửi rủa om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng:
– “Đồ chim dữ! Hãy cút ngay!”. Quḁ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù. Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ấp ủ cho nó sống lại. Quả nhiên, chỉ chừng giập bã trầu, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ để nó đưa biếu một vật.
Một lát sau, con chim đã bay trở lại miệng ngậm một cái lọ bé đặt xuống bên cạnh và nói
– “Đây là lọ nước thần có phép làm cho người già thì trẻ lại, vật nhỏ thì lớn thêm, trần gian không ai có”. Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi tần ngần mở nút ra xem thì thấy đầy một lọ nước mùi thơm ngào ngạt.
Anh nghĩ bụng:
– Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm đỏm, có đâu để hạng chúng ta dùng”. Rồi anh nút lọ lại cẩn thận, khi gánh củi về, treo lọ trên kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.
Ít năm sau đó, chật vật mãi anh chàng mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí. Nhưng hai vợ chồng thì rất thương yêu nhau.
Một hôm chồng đi cày vắng, vợ ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ con treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị ta đồ là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội rồi tiện tay đổ lọ nước ra bôi khắp tóc tai mình mẩy.
Không ngờ sau khi bôi xong chị ta tự nhiên trở nên xinh đẹp trắng trẻo, nhan sắc mỹ miều ít ai sánh kịp. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng tự nhiên lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.
Khi người chồng đi cày về nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần, nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình. Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm vợ mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện cũ cho vợ nghe.
Từ đấy anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng cứ ở nhà mãi thì đói mất nên anh đành phải đi làm. Để khỏi nhớ vợ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa.
Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quḁ năm xưa ở đâu sà xuống quắp lấy bức tranh mang đi. Anh chàng ở bên kia bờ thấy vậy, bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa.
Quḁ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Báo thù việc anh ném đá giành mồi của nó ngày xưa, quḁ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng. Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua.
Ảnh minh họa.
Cầm lấy bức truyền thần vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ: “Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong tranh này. Hẳn là trời sai con quḁ đến mách cho ta đây!”.
Lập tức vua ra lệnh cho một quan đại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả tảng nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.
Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần và cũng bày trò mở hội ba đêm ngày. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận. Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi. Chúng theo ngay anh về nhà và chúng tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá chúng vội đưa kiệu rước về kinh đô, mặc kệ cho người chồng vật mình than khóc.
Sau khi bị bắt vào cung, người đàn bà không cười không nói, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho người ngọc nở một nụ cười. Vua bèn hạ lệnh cho rao trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu.
Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy v.v… đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép làm cho người đàn bà phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng dù đã giở đủ mọi trò, đều vô hiệu.
Lại nói chuyện anh chồng từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì vua sẽ ban thưởng, anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ.
Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh, quảy theo. Đến kinh đô, anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung rao to lên những câu:
Dọc bằng đòn gánhCủ bằng bình vôiAi mua hành tôiThì thương tôi với!
Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc một lớn. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
– Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!
Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy người đàn bà lần đầu tiên cười nói, vua sung sướng như mở cờ trong bụng; lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì lấylàm kinh ngạc. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nẩy ra ý nghĩ muốn tự mình cải trang gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:
– Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!
Vua cởi áo long bào vứt cho anh và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rổi quảy gánh qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được.
Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười nghặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm già. Nhưng đột nhiên người đàn bà bảo thị nữ thả đàn chó ra. Chó thấy vua ngỡ là người lạ liền nhảy xổ tới cắn chết. Người đàn bà vội bảo chồng:
– Mình hãy mau mau trèo lên ngai vàng đi!
Anh chồng lật đật trèo lên ngai vàng giữa lúc trăm quan và cung nữ rập đầu bái mạng. Từ đó anh làm vua và ở với vợ trọn đời.
Của Thiên trả Địa
Ngày xưa, có Thiên và Địa là hai anh chàng cày thuê cuốc mướn cùng ở một làng. Họ giống nhau ở chỗ anh nào anh ấy đều nghèo rớt mùng tơi và đều mồ côi cha mẹ. Nhưng Thiên rất sáng dạ, bảo gì hiểu nấy. Một hôm Địa bảo hắn:
– Nếu hai ta cùng như thế này cả thì không biết bao giờ mới cất đầu lên được. Sẵn anh là người có khiếu thông minh, nếu được học hành chắc ngày sau sẽ thi đậu làm quan to. Vậy từ nay anh đừng đi làm nữa, tôi sẽ cố sức làm thêm để lấy tiền nuôi anh ăn học, lúc nào anh làm nên, đôi ta sẽ chung hưởng phú quý. Thiên nhận lời nhưng Địa còn dặn: “Lúc nào hiển đạt anh đừng có quên tôi nhé!”
Rồi đó Địa trần lực đêm ngày làm thuê để nuôi bạn. Thấy Thiên học mỗi ngày một tiến, anh chàng lại càng hăng hái làm việc, không quản gì cả. Cứ như thế sau mười năm đèn sách, Thiên đậu khoa thi hương rồi vào thi đình đậu luôn Trạng nguyên.
Hắn được nhà vua bổ làm quan to, có kẻ hầu người hạ đông đúc, có dinh thự nguy nga, được mọi người trọng vọng. Được tin, Địa rất sung sướng. Lập tức, anh chàng đem trâu cày về trả chủ. Rồi anh bán phăng cái nhà ở lấy một số tiền mua đồ lễ tìm vào dinh bạn.
Địa có ngờ đâu khi đến nơi thì Thiên đã thay lòng đổi dạ không muốn nhận lại bạn cũ nữa. Hắn dặn quân canh cấm cửa không cho Địa vào. Địa bị đuổi tủi thân, lủi thủi ra về. Vừa đến bờ sông, anh chàng ngồi lại, nước mắt rơi lã chã nghĩ đến lòng người đen bạc, số phận hẩm hiu, vả bấy giờ về làng cũng không biết ở vào đâu nữa vì nhà đã bán mất rồi.
Tự dưng Bụt hiện lên làm một người khách qua đường dừng lại hỏi anh: “Con làm sao mà khóc?”. Địa kể lể đầu đuôi cho Bụt nghe. Bụt bèn hóa phép cho anh một chiếc đò và dặn rằng: “Con cứ ở đây chở khách qua lại trên sông này cũng đủ ăn, không phải đi làm thuê nữa”.
Địa nghe lời, ở lại đó làm nghề chống đò ngang. Nhưng anh chàng chỉ kiếm vừa đủ nuôi miệng, không để dành được một đồng tiền nào. Cho nên đến ngày giỗ cha không biết lấy gì mà cúng.
Chiều hôm ấy, sau khi chở cho mấy người khách sang bờ bên kia, Địa vừa chèo về đến nửa sông đã lại nghe có tiếng gọi đò. Anh lại cho đò trở lại. Khách là một người đàn bà còn trẻ tuổi và rất xinh đẹp. Trời lúc ấy đã nhá nhem, người đàn bà nói với Địa:
-Trời đã tối mà đường còn xa, anh làm ơn cho tôi nghỉ nhờ một đêm. Nhà Địa chỉ là một túp lều bên sông, trong nhà chỉ có một cái chõng, nhưng anh cũng nhường cho người đàn bà ấy nằm.
Thấy Địa toan đi kiếm một nơi khác ngủ, người đàn bà bỗng hỏi anh: “Anh đã có vợ chưa?”. Địa trả lời: “Chưa”
-“Tôi xin làm vợ anh!”. Địa rất ngạc nhiên và bỡ ngỡ, không biết trả lời ra thế nào cả. Nàng lại nói: “Tôi là người trên cung tiên. Trời thấy anh là người tử tế mà chịu khổ chịu sở đã nhiều rồi nên cho tôi xuống giúp anh sung sướng”.
Nói rồi nàng hóa phép biến túp lều bên bờ sông thành một dinh cơ rất đẹp: nhà ngói, tường dắc, hành lang, sân gạch, trong nhà đồ dùng thức đựng đầy đủ, kẻ hầu người hạ từng đoàn. Địa vừa kinh ngạc vừa vui sướng. Nàng tiên lại hóa phép làm ra cỗ bàn linh đình để cho anh chàng làm giỗ cúng cha.
Ảnh minh họa.
Sáng hôm sau, nàng tiên bảo Địa hãy mặc đồ gấm vóc, ngồi kiệu đến mời Thiên sang nhà mình ăn giỗ. Lần này Địa được Thiên tiếp đãi có phần tử tế. Nhưng khi nghe nói mời đến nhà ăn giỗ, hắn bĩu môi bảo Địa:
– Chú muốn ta đến chơi thì hãy trải chiếu hoa từ đây tới nhà, ta sẽ đến. Địa về kể chuyện lại cho vợ nghe. Nàng tiên lại hóa phép thành chiếu hoa trải một đoạn đường dài từ nhà mình đến dinh Thiên ở. Thiên không ngờ trong thời gian vừa qua Địa cũng trở nên giàu có lớn, mới đến xem cho biết sự tình.
Đến nơi, hắn rất lấy làm lạ khi thấy nhà cửa và mọi thứ đồ đạc của Địa ít có nhà nào bì kịp. Khi ăn giỗ, vợ Địa thân hành ra mời rượu. Thấy nàng đẹp quá, Thiên đâm ra ganh tị với hạnh phúc của Địa. Rượu say, hắn nói:
– Chú đổi vợ chú cùng cơ nghiệp này cho tôi thì tôi nhường chức quan cùng dinh cơ của tôi cho chú. Không bao giờ Địa lại muốn như thế, nhưng nàng tiên bảo nhỏ xui Địa bằng lòng. Hai bên cùng làm tờ giao ước.
Thế rồi sau đó Địa lên võng về dinh, còn Thiên say rượu nằm ngủ một giấc li bì. Nhưng đến sáng hôm sau, khi bừng mắt tỉnh dậy, hắn ngơ ngác thấy mình nằm ở giữa một túp lều bên sông.
Người vợ đẹp cùng là dinh cơ của hắn ngày hôm qua đã biến đâu mất cả. Từ đó hắn làm nghề chống đò thay Địa. Còn Địa hóa ra thông minh khôn ngoan, làm quan sung sướng mãi. Ngày nay câu “Của Thiên trả Địa” là do sự tích trên mà có.
Bài học hay từ những câu truyện cổ tích thần kỳ
Thế giới cổ tích thần kỳ, những ông bụt, bà tiên, đắm mình trong thế giới cổ tích khi mọi cái đẹp đều chiến thắng cái ác, mang đến nhiều bài học hay và ý nghĩa trong cuộc sống.
Thế giới cổ tích là thế giới của sự thần kỳ mang đến nhiều bài học hay và ý nghĩa trong cuộc sống.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/kham-pha-4-cau-chuyen-co-tich-than-ky-hay-nhat-cho…
Mỗi câu chuyện cổ tích về các loài vật tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học hay, dạy bé kỹ năng sống cần thiết.
Theo Hạ Mây Dịch từ: Sohu (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)