Rất nhiều người lớn hay than phiền: Con nhà mình không thích ăn rau, chỉ mê ăn thịt. Làm sao để bố mẹ có thể cùng con ăn xanh, sống lành?
Bữa cơm gia đình là dịp để cha mẹ hướng dẫn trẻ chọn thức ăn lành mạnh và thực hành lối sống xanh. Ảnh: ST
Đời cha ăn rau, đời con… mê gà rán!
Cứ mỗi lần bé Thành Trung (15 tuổi) tụ tập vài đứa bạn thân đến nhà chơi, chị Bích Nga để ý món yêu thích của tụi nhỏ là trà sữa, gà rán hoặc pizza. Trong bữa cơm nhà, con chị cũng hiếm khi chịu ăn canh, rau. Hôm nào học bài khuya, nó tự xử bằng 1 gói mì tôm… là đủ!
“Ngày xưa khi kinh tế khó khăn, có miếng thịt là cả nhà nhường nhau; giờ thì đời sống khá hơn, ký ức cực khổ khiến cha mẹ có món ngon gì cũng nhường cho con và quên mất là trẻ con nếu đã quen ăn thịt thà sẽ tiếp tục như vậy, không chịu ăn rau. Không lẽ đời mình ăn ăn rau, đời con chỉ mê gà”, anh Điền – ba của Trung tếu táo.
Có thể thấy rất nhiều gia đình ngày nay khi tụ họp ăn bữa cơm chung, trẻ chỉ chọn ăn những món chúng thích và rất khó ăn đa dạng thực phẩm.
Lần sinh nhật thứ 13 vừa rồi, Ngọc Nhi được mẹ cho phép mời 1 người bạn thân đi ăn cùng. Trong khi Nhi gọi món yêu thích là giò heo muối chiên giòn, sụn gà xóc tỏi thì Thanh Vy – cô bạn cùng lớp, xem xong thực đơn, gợi ý chọn món đậu hủ Tứ Xuyên và cá chẽm hấp gừng.
Khi được hỏi tại sao, nó trả lời ngon lành: “Mẹ con nói trong cá có nhiều axit béo có lợi cho sức khỏe. Còn đậu hũ là làm từ đậu nành. Người Nhật nổi tiếng khỏe mạnh và sống thọ nhờ ăn nhiều đậu nành! Còn đồ chiên rán thì nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe.”
Chị Thảo không nói gì thêm, nhưng ngấm ngầm nhận ra hình như trong suốt nhiều năm qua chị chỉ toàn cho con ăn những món nó thích, quên mất mình cần dạy con nên ăn đồ ăn gì, thức ăn nào lành mạnh, tốt cho sức khỏe!
Cha mẹ chính là tấm gương giúp trẻ làm quen với những phẩm tốt cho sức khỏe. Ảnh: ST
Học ăn lành mạnh từ cha mẹ
Sớm nhận ra dinh dưỡng từ thực vật giúp cho cơ thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh, chị Ngọc Bích đã nghiên cứu thêm về xu hướng ăn xanh để áp dụng cho mình và cả gia đình. Làm gương cho con, chị Bích dặn chồng mỗi buổi cơm đều phải tập cho con ăn rau xanh, trái cây, ăn cá, ăn đủ loại thực phẩm và giảm bớt đồ rán, chiên, nước ngọt, thịt đỏ. Cả nhà đều tích cực ăn rau; Cu Bin (12 tuổi) tỏ ra khá hợp tác.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể dạy con ăn xanh như chị Bích. Bởi theo kết quả nghiên cứu từ trường Đại học Yale (Mỹ), khi còn nhỏ, lưỡi của trẻ có nhiều “núm vị giác” khiến bé nhạy cảm hơn với các mùi vị. Song, trẻ luôn bị hấp dẫn bởi những vị ngọt nên ngay khi cảm nhận được mùi vị “khác lạ” của rau xanh, trẻ sẽ từ chối và tìm cách né tránh. Thế nên, để tạo động lực ăn rau, đậu, thực vật cho chúng, cha mẹ nên để trẻ lên thực đơn cho bữa ăn và tự chọn loại rau mà con thích, dần dần xen kẽ thêm các loại rau củ khác.
Ngoài ra, còn nhiều cách khác nữa như: giúp trẻ tự chọn và tham gia chuẩn bị bữa ăn; chọn nhiều sắc màu rau củ để hấp dẫn trẻ; đổi món, đa dạng các loại rau quả; làm thức uống rau quả; đặt tên dễ gần gũi cho các món ăn… Tất cả những điều này làm cho trẻ trở nên thân thuộc, thích thú dần với những món ăn mới lành mạnh.
“Việc nấu nướng cùng nhau là cách kết nối yêu thương của những người trong gia đình. Con còn nhỏ sẽ hiếu động và hay khám phá. Nếu được chỉ dẫn con sẽ nhớ và tự hào về chính thành quả của mình, con cảm thấy “ngon miệng” hơn với món ăn mình làm ra”, chị Ngọc đúc kết.
Theo trang Healthline, dinh dưỡng trẻ em nằm trong top 10 xu hướng được quan tâm nhất trong năm 2022. Do vậy, những buổi ăn lành mạnh mỗi ngày luôn là bài học thiết thực giúp con ý thức về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và trở thành một thói quen dinh dưỡng tốt sau này.
Sữa đậu nành từ Vinasoy chính là nguồn dinh dưỡng xanh, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình. Ảnh: ST
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cung-con-an-xanh-song-lanh-d302365.html
(thoidaiplus.suckhoedoisong.vn).