Mục lục
Chuối là loại quả quen thuộc, được nhiều người yêu thích nhưng liệu bạn đã biết thời điểm nào là nên hoặc không nên ăn chuối?
Chuối là loại quả vô cùng quen thuộc tại Việt Nam. Chuối không chỉ ngon miệng, dễ ăn, giá rẻ, mà còn tốt cho sức khỏe. Chuối có nguồn gốc từ Đông Nam Á nhưng hiện phổ biến trên toàn thế giới.
Chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, có lợi cho hệ tiêu hóa, tim mạch. Một quả chuối trung bình (126 gam) chứa khoảng:
– Lượng calo: 112
– Chất béo: 0 gram
– Chất đạm: 1 gam
– Carbs: 29 gam
– Chất xơ: 3 gam
– Vitamin C: 12% giá trị hàng ngày (DV)
– Riboflavin: 7% DV
– Folate: 6% DV
– Niacin: 5% DV
– Đồng: 11% DV
– Kali: 10% DV
– Magie: 8% DV
Chuối chứa ít protein và không có chất béo. Carbs trong chuối xanh, chưa chín chủ yếu ở dạng tinh bột và tinh bột kháng – một loại chất xơ khó tiêu hóa. Khi chuối chín, nó sẽ có vị ngọt hơn nhưng hàm lượng chất xơ cũng giảm đi.
Tác dụng của chuối
1. Cải thiện lượng đường trong máu
Chuối rất giàu chất xơ hòa tan. Trong quá trình tiêu hóa, chất xơ này sẽ hòa tan trong chất lỏng để tạo thành gel. Đó cũng là lý do khiến chuối có kết cấu giống như bọt biển.
Chuối chưa chín chứa tinh bột kháng mà cơ thể bạn không tiêu hóa được. Hai loại chất xơ này kết hợp với nhau có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Thêm vào đó, chúng có thể giúp điều chỉnh sự thèm ăn của bạn bằng cách làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.
Do đó, chuối sẽ không gây ra sự tăng đột biến về lượng đường trong máu ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh tiểu đường, không nên ăn quá nhiều chuối cùng lúc.
2. Hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa
Chất xơ có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện tiêu hóa. Một quả chuối cỡ trung bình cung cấp khoảng 3 gam chất xơ. Tinh bột kháng, loại chất xơ có trong chuối chưa chín, là một loại prebiotic. Prebiotic thoát khỏi quá trình tiêu hóa và kết thúc trong ruột già, nơi chúng trở thành thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Một loại chất xơ khác được tìm thấy trong cả chuối chín và chuối xanh là pectin có khả năng giúp ngăn ngừa táo bón và làm mềm phân. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng pectin có thể hỗ trợ bảo vệ chống lại ung thư ruột kết.
3. Hỗ trợ giảm cân
Không có nghiên cứu nào cho thấy tác động trực tiếp của chuối trong việc giảm cân. Tuy nhiên, một số đặc tính của chuối lại có thể hỗ trợ quá trình giảm cân.
Đầu tiên, chuối có rất ít calo nhưng lại giúp nhanh no. Chất xơ hòa tan trong chuối giúp làm chậm quá trình tiêu hóa. Bên cạnh đó, chuối còn có chứa tinh bột kháng, làm tăng xu hướng no và giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giúp giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể và hỗ trợ giảm cân lành mạnh.
4. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Kali là một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, đặc biệt trong việc kiểm soát huyết áp. Trong khi đó, chuối là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Một quả chuối trung bình đã cung cấp tới 10% DV kali.
Chế độ ăn giàu kali có thể giúp giảm huyết áp, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu đã chỉ ra những người hấp thụ nhiều kali có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn tới 27%.
Ngoài ra, chuối còn chứa một lượng magie, một khoáng chất rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Thiếu magiê có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp và lượng chất béo cao trong máu.
5. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Trái cây và rau quả là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời cho chế độ ăn uống và chuối cũng không ngoại lệ. Chuối chứa một số loại chất chống oxy hóa mạnh, bao gồm flavonoid và amin.
Những chất chống oxy hóa này có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh thoái hóa. Chúng giúp ngăn ngừa tổn thương oxy hóa do các gốc tự do gây ra. Nếu không có chất chống oxy hóa, các gốc tự do có thể tích tụ theo thời gian và gây hại nếu mức độ của chúng đủ cao trong cơ thể. Đây là nguyên nhân gây ra một số bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư…
6. Chuối xanh giúp cải thiện độ nhạy insulin
Kháng insulin là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với một số bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2.
Trong khi đó, việc thường xuyên ăn tinh bột kháng, ví dụ như ăn chuối xanh, có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin. Điều này có thể khiến cơ thể bạn phản ứng nhanh hơn với hormone điều chỉnh lượng đường trong máu, nhờ đó hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
7. Tốt cho thận
Kali rất quan trọng cho chức năng thận khỏe mạnh và điều hòa huyết áp. Chuối chứa nhiều kali, vì vậy chuối cũng rất tốt cho thận.
Một nghiên cứu với hơn 5.000 người bị bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu cho thấy kali làm giảm huyết áp và làm bệnh thận tiến triển chậm hơn.
Tuy nhiên, một số người bị bệnh thận giai đoạn cuối hoặc đang chạy thận nhân tạo cần hạn chế lượng kali nạp vào cơ thể. Do đó, những đối tượng này nên cẩn trọng khi ăn chuối.
Ăn chuối khi nào tốt
Chuối chứa nhiều kali, chất xơ, magiê, vitamin B6 và vitamin C tốt cho sức khỏe, song không nên dùng chuối lúc cơ thể đang đói, dạ dày đang trống rỗng. Bởi magie và kali có thể gây tình trạng mất cân bằng cho hệ tim mạch, chướng bụng, gây cảm giác khó chịu trong cơ thể. Chính vì vậy, chỉ nên ăn chuối khi bụng no. Bạn nên ăn chuối sau bữa ăn khoảng 1-2 tiếng.
Một thời điểm khác để ăn chuối có lợi cho sức khỏe là khoảng 30 phút trước hoặc sau khi tập luyện thể dục thể thao. Chuối chứa carbs, nước, nhiều vitamin và khoáng chất, giúp cải thiện hiệu suất tập luyện và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi tập thể dục, phục hồi cơ bắp, tăng quá trình tạo cơ và hạn chế sự phân hủy của cơ. Kali và magie trong chuối cũng giúp bổ sung chất điện giải bị mất trong lúc đổ mồ hôi, giảm chứng chuột rút và đau cơ.
Ngoài ra, bạn có thể ăn chuối trước khi đi ngủ. Chuối chứa nhiều magie và các chất chống oxy hóa, giúp tăng chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ nhanh hơn và ngon hơn. Chuối còn chứa tryptophan, loại axit amin kích thích sản xuất hormone melatonin giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn.
Không nên ăn chuối vào thời điểm nào?
Không nên ăn chuối khi đói. Trong chuối có chứa rất nhiều magie và vitamin C tốt cho quá trình trao đổi chất và sức đề kháng cho cơ thể của bạn. Nhưng sẽ cực kỳ nguy hiểm khi bạn dùng chuối làm thức ăn khi đói, do khi ăn chuối hàm lượng magiê sẽ tăng đột ngột trong máu, làm mất sự cân bằng của tim mạch, gây tổn hại cho sức khỏe.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo không nên ăn chuối vào buổi sáng. Lý do thứ nhất là bởi buổi sáng bụng còn rỗng và đói. Lý do thứ 2 là bởi việc ăn chuối buổi sáng có thể làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, ngoài ra còn gây buồn ngủ, uể oải, giảm năng suất học tập và làm việc. Nếu muốn ăn chuối vào buổi sáng, bạn có thể ăn sau khi đã sử dụng một loại thực phẩm khác để giảm đói, đồng thời kết hợp với một số thực phẩm như sữa chua, yến mạch…
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/an-chuoi-khi-nao-tot-thoi-diem-nay-nhat-dinh-khong…
Việc uống đủ nước mỗi ngày là vô cùng cần thiết và quan trọng đối với cơ thể, hơn nữa còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)