Omiron lây nhanh, khả năng con bạn đã nhiễm từ cha mẹ nhưng chưa phát là rất cao. Với người lớn tuổi, có bệnh nền, thành F0 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngay cả với Omiron.
Thành F0 mà bản thân đang có con nhỏ, trong độ tuổi cần được chăm sóc, thì lo lắng cho trẻ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, mất bình tĩnh và vội vàng gửi con cho ông bà nội, ngoại chăm giúp, nhất là trong làn sóng Covid-19 mà biến chủng Omicron đang dần chiếm ưu thế, là điều không nên.
Ba mẹ nhiễm thì có thể con đã nhiễm rồi mà chưa phát ra, xét nghiệm chưa thấy dương tính; hoặc cũng có thể dương tính rồi nhưng trẻ nhỏ cơ địa vốn chỉ bị Covid-19 nhẹ nên không có triệu chứng hoặc triệu chứng thoáng qua, khó nhận biết.
Nên tỉnh táo nhìn nhận rằng: dù con bạn ở độ tuổi chưa tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, ông bà đã tiêm rồi, thì nguy cơ cho ông bà, tức cha, mẹ của bạn, vẫn cao hơn, vì đây là căn bệnh tấn công mạnh vào người lớn tuổi, người có bệnh nền. Vừa lớn tuổi vừa có bệnh nền càng nguy.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về chăm sóc trẻ F0. Ảnh: Nld.com.vn
Với chủng Omicron này, bạn nhiễm, vợ/chồng bạn nhiễm, nếu chích ngừa rồi thì cũng ổn, nếu đứa trẻ nhiễm, ở trẻ thường là nhẹ và từ từ bớt.
Thực tế đã chứng minh Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta. Tuy nhiên, với đối tượng nguy cơ là người lớn tuổi, có bệnh nền trong gia đình thì vẫn có một tỉ lệ nhỏ có thể chuyển nặng.
Người mắc Covid-19 phải nhập viện hiện nay là những người này, bên cạnh một nhóm do chưa tiêm ngừa đủ. Hậu quả của việc mắc Covid-19 mà không may chuyển nặng ở người lớn tuổi, ai cũng đã thấy, đã hiểu.
Tương tự, trường hợp nếu trong nhà bạn có 2-3 đứa trẻ, các trẻ này bình thường vẫn chơi với nhau mà xuất hiện 1 bé dương tính, thì cũng không nên đem những đứa trẻ còn lại sang ông bà “tạm trú”.
Hơn nữa, chủng Omicron tuy nhẹ nhưng có đặc điểm là lây rất nhanh, điều đó đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sống cùng F0 có nguy cơ rất cao là đã lây nhiễm rồi nhưng chưa phát.
Nếu có chọn phương án gửi con, nhất thiết chỉ nên gửi cho người trẻ, khỏe, và người này cũng phải hiểu rõ rằng đứa trẻ đó là một F1 nguy cơ cao, có thể đã nhiễm rồi.
Nếu không có người trẻ, khỏe nào để gửi trẻ thì nên bình tĩnh cùng nhau vượt qua thời gian F0, mang khẩu trang, giữ nhà cửa thông thoáng, ăn uống đủ chất, có triệu chứng gì trị triệu chứng đó.
Với Omicron thì người lớn không nguy cơ hay con nít mắc bệnh, cũng sẽ như bị các siêu vi hô hấp khác. Cũng sốt, ho, sổ mũi, khó ngủ… Trẻ bị mau khỏi hơn người lớn, có trẻ sốt cao, có trẻ sốt nhẹ nhưng hiếm khi quá 3 ngày. Người lớn cố gắng không để stress tấn công bởi nếu cha mẹ quá lo âu, đứa trẻ dễ bị ảnh hưởng.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/bac-si-truong-huu-khanh-thanh-f0-voi-gui-con-cho-ong-ba-coi…
Việc tái nhiễm COVID-19 với người vừa mắc COVID-19 là hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy người dân không nên chủ quan khi vừa khỏi bệnh.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1) (Người lao động)