Ngày 08/11/2021 19:10 PM (GMT+7)
Trong quá trình sử dụng, mọi người thường dùng lá lốt mà vứt bỏ phần thân, đây là sự lãng phí vì thân lá lốt là vị thuốc tốt trong việc điều trị xương khớp.
Ăn lá lốt, bỏ phần thân là một sự lãng phí
Lá lốt không chỉ là một loại rau gia vị được rất nhiều người sử dụng, mà còn là một vị thuốc quý có thể dùng được cả phần thân, rễ và lá. Tuy nhiên nhiều người chỉ dùng phần lá mà vứt bỏ những bộ phận còn lại vì cho rằng không có giá trị.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình – Hà Nội) nhận định, việc người dân chỉ sử dụng phần lá mà vứt bỏ các bộ phận khác là một sự lãng phí rất lớn. Bởi phần thân của lá lốt là một trong những loại thuốc đông y đầu vị trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp.
Theo đông y, lá lốt có vị cay, mùi nồng, tính nhiệt, vào hai kinh đại tràng và phế, giúp ôn trung, tán hàn, tiêu thục, hạ khí, chỉ thống, hành khí. Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Do đó để ứng phó với chứng tê thấp, đau nhức xương khớp, việc sử dụng lá lốt được nhiều người áp dụng.
Đa số mọi người dùng phần lá chế biến các món ăn, vứt bỏ phần thân của lá lốt là sự lãng phí. (Ảnh minh họa)
“Lá lốt bán ngoài chợ thường được cắt cả phần thân và lá, nhưng khi sử dụng người dân chỉ dùng lá để làm gia vị chế biến các món ăn mà vứt bỏ phần thân. Đây là sự lãng phí, vì không cần phải cầu kỳ trong khâu chế biến, phần thân của lá lốt cũng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe. Ví dụ điển hình nhất là việc đun cả phần thân và lá, lấy nước ngâm chân rất tốt trong mùa đông”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Vị thuốc rất tốt dùng trong mùa đông
Lương y Hồng Minh cho biết hiện đang là mùa đông, nhiều người gặp phải vấn đề đau nhức xương khớp, nhất là người cao tuổi. Nguyên nhân do thời tiết lạnh, các gân cơ, dịch khớp “đông quánh” lại, khớp trở nên khô cứng, nhiều người sẽ thấy bị đau nhức.
Do thời tiết lạnh, mạch máu cũng kém lưu thông, đây cũng là lý do khiến cho xương khớp bị đau nhức hơn. Khi đó, nhiều người sẽ tìm đến cách phòng tránh bằng các phương pháp tự nhiên, một trong số đó chính là dùng lá lốt.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng lá lốt để nấu các món ăn như làm chả lá lốt, nấu chuối đậu kết hợp với một số thực phẩm… hiệu quả sẽ không được nhiều. Lương y Hồng Minh khuyên người dân nên kết hợp dùng cả thân, thậm chí rễ lá lốt để làm vị thuốc hỗ trợ điều trị.
Ngoài dùng phần lá, có thể tận dụng thân cây lá lốt để làm vị thuốc tốt cho sức khỏe nhất là mùa đông.
Theo đó, cách đơn giản nhất là dùng cả phần thân và lá của cây lá lốt đun sôi, sau đó để nước ấm ngâm chân, kết hợp với massage chân nhẹ nhàng giúp kích thích huyệt đạo dưới lòng bàn chân. Với cách làm này, tinh thần bạn sẽ được sảng khoái, giúp cho giấc ngủ được sâu và ngon hơn.
Ngoài ra, có thể chữa phong thấp bằng cách dùng rễ hoặc thân lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đau lưng, bàn chân tế buốt bằng cách dùng rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Tất cả sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày.
Ngoài công dụng hỗ trợ điều trị xương khớp, lương y Hồng Minh tư vấn, có thể dùng lá lốt, kết hợp với ngải cứu dùng tươi, thái nhỏ, sao qua đắp vào vết đau giúp chống viêm.
Lá lốt cũng là một vị thuốc đầu bảng trong việc chữa đau bụng do lạnh, bằng cách dùng lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Khi dùng lá lốt, lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo, chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường trung bình chỉ nên dùng từ 50 đến 100g. Vì nếu dùng nhiều có thể gây ra những phản ứng phụ làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải…
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/loai-rau-ai-cung-chi-an-la-vut-di-phan-than-ma-kho…
Lá lốt làm nguyên liệu chế biến món ăn, còn có tác dụng điều trị chứng cảm lạnh, đau nhức xương khớp, làm đẹp, bệnh dạ dày,… Ngoài ra nó còn một số…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)