Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nhà văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc

Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nhà văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc


Chiều 5/5, gia đình cùng Nhà xuất bản Thế giới đã tổ chức lễ tang nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông qua đời do tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 107 tuổi. 

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh ngày 22/12/1918 tại Hà Nội (quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trí thức hiếm có, người đã dành cả cuộc đời để giới thiệu, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới.

Với vốn ngoại ngữ uyên thâm, tinh thông tiếng Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán, nhà văn hóa Hữu Ngọc là tác giả của hàng chục đầu sách giá trị về văn hóa Việt Nam, được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, góp phần đưa hình ảnh và chiều sâu văn hóa dân tộc ra thế giới.

Đồng thời, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần trong nước.

Suốt cuộc đời cầm bút miệt mài, ông được ví như “cây cầu văn hóa Đông – Tây”, là người không chỉ đi qua các nền văn hóa, mà còn kết nối văn hóa bằng sự hiểu biết sâu sắc, bằng đối thoại bình tĩnh và nhân văn.

Ông Hữu Ngọc cũng từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập nhiều tờ báo tiếng nước ngoài do Việt Nam xuất bản như: Tia lửa (tiếng Pháp), Việt Nam tiến bước (tiếng Anh, Pháp, Quốc tế ngữ), Nghiên cứu Việt Nam (tiếng Anh, tiếng Pháp) và vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn của Việt Nam trong nhiều năm.

Lễ tang của nhà văn hóa Hữu Ngọc bắt đầu từ 13h. Ngoài người thân, đồng nghiệp, học trò lặng lẽ vào viếng, nhìn mặt ông Hữu Ngọc lần cuối.

Nhà báo Nguyễn Như Mai có mặt từ sớm để tiễn biệt nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ông Như Mai chia sẻ, nhà văn hóa Hữu Ngọc bằng tuổi cha của ông nhưng ông được nhà văn hóa Ngọc coi như “bạn vong niên”.

Ông Hữu Mai có nhiều dịp cùng nhà văn hóa Hữu Ngọc mang sách đến cho các em nhỏ ở nhiều tỉnh.

“Cụ Ngọc thường xuyên sáng tác, là tấm gương đẹp với mọi người. Tôi và cụ có lần về Hà Nam – quê của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Chúng tôi có đến nơi nhà thơ Nguyễn Khuyến làm bài thơ Câu cá mùa thu. Cái ao nước hồi ấy bị thu hẹp lại, cụ Hữu Ngọc đã lấy tiền của quỹ văn hóa mua lại cái ao, nhờ mọi người đào lại ao như nguyên trạng ngày trước…”, nhà báo Nguyễn Như Mai kể lại.

Ông Như Mai nói rằng, nhà văn hóa Hữu Ngọc có cách nói chuyện lưu loát, đi vào lòng người. “Người nước ngoài rất thích nghe cụ nói chuyện về văn hóa Việt Nam. Cụ Hữu Ngọc từng lấy tít một bài báo của tôi để làm một phụ lục quyển sách của mình…”, ông Như Mai chia sẻ thêm.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng – Phó Tổng giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương – cho biết, anh may mắn khi có thời gian làm việc với nhà văn hóa Hữu Ngọc, qua lời giới thiệu của NSND Lương Đức.

“Từ khi còn làm quay phim, tôi thấy cụ Hữu Ngọc là một người đặc biệt. Dù mắt hơi kém nhưng cụ có trí tuệ uyên thâm. Sau đó, tôi có duyên được làm một bộ phim về cụ.

Khi tôi đến, cụ nói: “Tùng ơi, có 13 phim tài liệu về tôi rồi, cậu muốn làm gì về tôi nào?”. Đó là sự thách đố của cụ với tôi. Sau đó, từ kịch bản Lang thang theo đám mây trời, cụ tạo điều kiện cho tôi làm một bộ phim tài liệu đặc biệt…”, đạo diễn Quang Tùng tiết lộ.

Với đạo diễn Quang Tùng, nhà văn hóa Hữu Ngọc là một người “gần gũi đến lạ kỳ”. Tiếp xúc với cụ nhiều, Quang Tùng được cụ Hữu Ngọc coi như người nhà, anh từng ngồi ăn cơm với cụ Hữu Ngọc nhiều lần. 

Cách đây 3 năm, NSƯT Quang Tùng có đến thăm nhà văn hóa Hữu Ngọc. Cụ Hữu Ngọc tâm sự với anh: “Tùng ơi, bạn bè, học trò của tôi cũng đi hết rồi, bà xã tôi cũng mất rồi, tôi buồn quá!”…

Nhà báo Võ Châu Tấn – con trai nhà thơ Võ Quảng – đến chia buồn cùng gia đình nhà văn hóa Hữu Ngọc. 

Ông Tấn cho biết, nhà văn hóa Hữu Ngọc chơi rất thân với cha của ông. Khi đến làm việc tại Nhà xuất bản Thế giới, ông cũng thường xuyên gặp nhà văn hóa Hữu Ngọc tại đó. 

“Ngày trước, cụ Hữu Ngọc thường xuyên đến nhà thăm cha tôi – nhà thơ Võ Quảng. Hai cụ mà nói chuyện là không dứt ra được. Tôi cũng hay ngồi nghe 2 cụ nói chuyện về văn hóa, nghệ thuật.

Mỗi khi cụ Hữu Ngọc ra cầu thang để về, cha tôi thường đi theo sau tiễn. Cha tôi đi dài đến mức cụ Hữu Ngọc nói “Quảng về đi” thì ba tôi mới quay về. Cha tôi hay nói, trong các tác phẩm của ông, có bóng dáng của cụ Hữu Ngọc vì cụ hiểu rộng, tài cao. Cha tôi học hỏi nhiều từ cụ”, ông Võ Châu Tấn chia sẻ.

Ông Tấn nói, khi tuổi đã cao, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn rất minh mẫn: “Tôi có nhiều sách cụ Ngọc tặng. Tôi coi cụ như cha của mình… Tôi buồn khi nhận tin cụ ra đi”, ông Tấn tâm sự.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn, NSND Nguyễn Lương Đức cho biết, ông và nhà văn hóa Hữu Ngọc có khoảng 40 năm làm việc với nhau. Ông luôn ngưỡng mộ sự uyên bác, hiểu biết của nhà văn hóa Hữu Ngọc.

“Ở Việt Nam có 2 cây đại thụ về văn hóa là Nguyễn Hữu Viện và Nguyễn Hữu Ngọc. Nhờ sự đóng góp của các nhà văn hóa này, văn hóa Việt Nam đã ra nước ngoài và các cụ cũng đưa nhiều nét tinh hoa văn hóa thế giới về Việt Nam”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, nhà văn hóa Hữu Ngọc có công lớn trong việc bảo tồn, xây dựng các nhà văn hóa ở nhiều tỉnh, ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Đức kể: “Tôi từng làm 2 bộ phim về cụ Hữu Ngọc, nói lên sự đóng góp của nhà văn hóa này cho nền văn hóa nước ta. Ngoài đời, cụ Hữu Ngọc là một người giản dị, khiêm tốn. Chúng tôi là đàn em, là học trò nhưng khi gặp, cụ rất dễ tính, dễ chịu”.

Sinh thời, nhà văn hóa Hữu Ngọc phụ trách Quỹ Văn hóa Thụy Điển Việt Nam và Quỹ văn hóa Đan Mạch Việt Nam nên ông có nhiều bạn bè là người nước ngoài. Vào chiều 5/5, nhiều đồng nghiệp người nước ngoài đã đến chia buồn với gia đình và nhìn ông Hữu Ngọc lần cuối. 

Đại diện của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đến chia buồn cùng gia đình nhà văn hóa Hữu Ngọc.

 Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) – tiễn biệt nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam.

Đồng nghiệp, học trò xúc động ghi vào sổ tang…

Ông Phạm Trần Long – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới – là người đọc điếu văn trong tang lễ.

Ông Long khẳng định rằng, nhà văn hóa Hữu Ngọc là tấm gương sáng về tinh thần lao động chữ nghĩa miệt mài, bền bỉ, khiêm nhường mà sâu sắc, qua hàng trăm bài viết, tác phẩm và hoạt động đối thoại văn hóa Đông – Tây.

Ông Nguyễn Gia Chính – con rể nhà văn hóa Hữu Ngọc – xúc động nói lời cảm ơn đến bạn bè, đồng nghiệp đã đến chia buồn với gia đình.

Sau lễ viếng và lễ truy điệu, thi hài nhà văn hóa Hữu Ngọc được đưa đến Đài hóa thân hoàn vũ. Sau đó, ông được an táng tại Nghĩa trang Đồng Gốc, Long Biên, Hà Nội.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/gia-dinh-dong-nghiep-tien-biet-nha-van-hoa-loi-lac-huu-ngoc-20250505180010984.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *