Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), trò chuyện với phóng viên Dân trí (Ảnh: Trần Thanh).
Sau khi thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn tại Myanmar, ngày 8/4, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã trở về nước.
Để giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về chuyến đi đặc biệt này, về những khó khăn, vất vả mà các cán bộ, chiến sĩ đã trải qua trên đất nước bạn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), trưởng đoàn công tác cứu nạn Bộ Công an Việt Nam.
Trước khi lên đường tham gia cứu nạn tại Myanmar, lãnh đạo Bộ Công an đã có những chỉ đạo, căn dặn gì đối với đoàn công tác và các cán bộ chiến sĩ, thưa Đại tá?
– Trước khi tổ chức lễ ra quân, lãnh đạo Bộ Công an đã quán triệt các cán bộ, chiến sĩ, cũng như có những lời dặn dò đối với đoàn công tác về việc sự an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ phải được đặt lên hàng đầu.
Trong toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ phải thực hiện đúng tư cách, đúng điều lệ Công an nhân dân Việt Nam.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lên đường sang Myanmar hôm 30/3 (Ảnh: Huy Nguyễn).
Cuối cùng là thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn trên quan điểm “giúp bạn cũng như giúp mình”, thực hiện tinh thần tương thân tương ái. Đó chính là những điều tâm huyết mà lãnh đạo Bộ Công an đã dặn dò và chúng tôi đã tuyệt đối tuân thủ. Từ đó, tạo ra những hình ảnh đẹp sâu sắc, sâu đậm trong lòng người dân Myanamar và các đoàn quốc tế khác.
Những khó khăn mà đoàn công tác gặp phải khi làm nhiệm vụ tại Myanmar, và cảnh tượng đầu tiên mà đoàn đặt chân tới nước bạn là gì, thưa Đại tá?
– Lúc 18h ngày 30/3, đoàn đặt chân xuống sân bay quốc tế Yangon. Theo dự tính ban đầu, quãng đường mà đoàn di chuyển từ sân bay Yangon tới Thủ đô Naypyidaw mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, tuy nhiên hôm đó đoàn đã phải di chuyển mất gần 9 tiếng mới có thể tới được địa điểm tập trung. Khi đoàn tới nơi đã là 3h ngày hôm sau.
Trên đường di chuyển, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là những con đường bị nứt toác, những công trình bị đổ sập, đó cũng là lý do khiến thời gian di chuyển của đoàn bị chậm.
Ngoài ra, dọc tuyến đường từ sân bay về trung tâm Thủ đô Naypyidaw có rất nhiều trạm kiểm soát, do Myanmar đang trong tình trạng khẩn cấp, có sự giao tranh giữa các lực lượng (nội chiến).
Phải tới 15h ngày 31/3, 3 chiếc xe tải chở hơn 60 tấn trang thiết bị, vật tư của đoàn công tác Việt Nam mới có thể tới được nơi tập trung, bởi cứ mỗi lần đi qua các trạm kiểm soát, người ta lại mở bạt xe tải ra để kiểm tra, xem bên trong đó là gì, có phải vũ khí hay không.
Khi trời tối, nhiều đoàn quốc tế đã về nghỉ ngơi, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ thì mới nghỉ. Đó chính là sự đoàn kết của toàn đội, sự thống nhất và tinh thần làm việc rất cao.
Tới 21h, chúng tôi đã đưa được nạn nhân đầu tiên ra ngoài, tuy nhiên đã không có phép màu nào xảy ra, nạn nhân đã tử vong trước đó. Đây cũng là một sự nuối tiếc mà tôi và anh em cán bộ chiến sĩ trăn trở. Bởi khi được đưa ra ngoài hiện trường, một phần thi thể nạn nhân vẫn còn mềm, có lẽ cháu bé mới mất cách đó khoảng nửa ngày.
Thi thể nạn nhân đầu tiên là một bé trai 10 tuổi mà đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam tìm thấy (Ảnh: Công an cung cấp).
Ngoài những khó khăn trên còn phải kể tới các điểm hiện trường mà đoàn công tác triển khai cứu hộ có độ phức tạp cao, tính chất nguy hiểm mà trước đó các đoàn cứu trợ khác đã từ bỏ.
Đồng thời, thời tiết tại Thủ đô Naypyidaw tương đối khắc nghiệt. Nhiệt độ ban ngày lên đến 40 độ C khiến cho các cán bộ chiến sĩ nhanh mất sức và các thi thể nhanh phân hủy hơn.
Mỗi lần tiếp cận thi thể các nạn nhân, tôi quán triệt chỉ cho anh em làm việc trong khoảng 30 phút, sau đó phải đổi người khác ngay. Bởi các thi thể nạn nhân bị phân hủy, mùi tử khí cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình cứu nạn.
Để hạn chế mùi tử khí, các cán bộ chiến sĩ đã sử dụng dầu gió để nhỏ vào các lớp khẩu trang nhằm lấn át mùi. Tuy nhiên, sau mỗi ca làm việc, một số chiến sĩ đã xì ra cả máu mũi vì bôi nhiều dầu gió, các lớp niêm mạc mũi bị nóng và vỡ.
Quá trình cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar, hình ảnh nào khiến ông xúc động nhất?
– Hình ảnh khiến chúng tôi nhớ nhất có lẽ phải kể tới một cháu bé bị mất một chân sau vụ động đất. Cháu bé còn rất nhỏ, liên tục đòi mẹ bế, nhưng do bị thương nặng, cháu không thể ngồi dậy. Nhìn cháu bé kêu khóc khiến chúng tôi không kìm được nước mắt.
Trong một lần làm nhiệm vụ ở Thủ đô Naypyidaw, chúng tôi chứng kiến có ít nhất 2 bệnh nhân bị chấn thương sọ não đang phải nằm điều trị ngoài trời, họ đang phải dẫn lưu dịch từ não ra. Tuy nhiên trong môi trường điều trị không đảm bảo, các nạn nhân có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, mà nhiễm khuẩn trong não thì rất khó qua khỏi.
Chính vì vậy, bên cạnh việc cứu nạn cứu hộ, chúng tôi cũng đã hỗ trợ giúp đỡ cho người dân, những người đang còn sống sót sau thảm họa động đất. Họ đang rất khổ, rất bi đát, rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất.
Cảm kích trước sự giúp đỡ của các chiến sĩ trong đoàn cứu hộ Việt Nam, người dân Myanmar đã tặng một số thực phẩm cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ (Ảnh: Công an cung cấp).
Hay những hình ảnh anh em chiến sĩ đi chợ dân sinh để mua nhu yếu phẩm, nhiều người dân bản địa họ nhận ra rồi hỏi “có phải đoàn Việt Nam không?”, rồi họ nhất định không lấy tiền. Tuy nhiên chúng tôi vẫn gửi tiền cho họ và giải thích rằng “đoàn đi làm nhiệm vụ và đã được chính phủ hỗ trợ rồi, chúng tôi vẫn trả tiền cho các bạn vì các bạn đang rất khó khăn”.
Đó là những câu chuyện cho thấy người dân Myanmar đã ghi nhận công sức, sự cống hiến của đoàn Việt Nam. Đó cũng là một phần thôi thúc chúng tôi tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, thực hiện thành công nhiệm vụ.
Ngoài công tác tìm kiếm cứu nạn, đoàn công tác đã tổ chức khám chữa bệnh, sơ cứu, sát khuẩn, thay băng vết thương, cấp phát thuốc cho hơn 50 nạn nhân bị thương sau trận động đất. Dựng 2 lều bạt làm nơi tạm trú cho các nạn nhân bị mất nhà cửa.
Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, đoàn công tác cũng tổ chức phun khử khuẩn, chống muỗi tại khu tập trung dân cư bị ảnh hưởng do động đất; tổ chức các hoạt động dân vận; chia sẻ, hỗ trợ tài chính cho những gia đình có nạn nhân thiệt mạng.
Đại tá Nguyễn Minh Khuơng cùng các cán bộ chiến sĩ trong đoàn trao tặng quà và hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị tại các khu tập trung, bệnh viện (Ảnh: Công an cung cấp).
Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, theo ông đâu là hiện trường phức tạp, khó tiếp cận các nạn nhân nhất, và đoàn công tác đã khắc phục, xử lý tình trạng này như thế nào để có thể đưa các nạn nhân ra ngoài?
– Hiện trường cuối cùng mà đoàn cứu nạn Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ đó là ở khách sạn Jade City, tại thị trấn Pokebathiri. Có lẽ đây cũng là khu vực hiện trường phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất mà chúng tôi phải đối mặt.
Khách sạn này cao 9 tầng, nhưng toàn bộ phần tầng 1 đã bị đổ sập sau trận động đất, 8 tầng phía trên đè toàn bộ lên khu vực tầng 1. Các cấu kiện ở đây có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào nếu công tác cứu nạn không đảm bảo.
Để có thể tiếp cận vị trí nạn nhân, các cán bộ chiến sĩ phải bò từ mép ngoài vào bên trong khoảng 10m, bởi vị trí tầng 1 giáp các tầng trên chỉ cách nhau khoảng 50cm, rất nhỏ hẹp. Trước khi thực hiện việc cứu nạn, đoàn công tác cũng đã phải gia cố hiện trường, tạo lối thoát cho anh em nếu có xảy ra rung chấn.
Và khi đưa được nạn nhân trong đống đổ nát ra ngoài, chúng tôi nhận được sự tán thưởng và sự nể phục của các đoàn công tác quốc tế khác, bởi sự kiên cường và tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm mà đoàn Việt Nam đã vượt qua.
Những chai nước úp ngược mà đoàn công tác đặt tại hiện trường các tòa nhà có nguy cơ sụp đổ thứ cấp (Ảnh: Công an cung cấp).
Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi cũng úp ngược các chai nước uống dở rồi đặt tại hiện trường để cảnh báo rung chấn. Theo lẽ thường, phần tiết diện nắp chai khi bị úp ngược rất bé, nên khi có rung chấn nhẹ, các chai nước cũng có thể bị lật đổ, khi ấy anh em sẽ phải dừng công việc và rút ngay ra khỏi hiện trường.
Trong chuyến công tác tại Myanmar lần này, hình ảnh 2 chú chó nghiệp vụ liên tục xuất hiện cùng đoàn công tác trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân. Ông có đánh giá gì về 2 chú cảnh khuyển này?
– Trong quá trình làm nhiệm vụ cứu hộ tại Myanmar, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã sử dụng 2 chú chó nghiệp vụ Bin (7 tuổi) và King (6 tuổi), để hỗ trợ việc tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt.
Có thể nói, đây là 2 chú chó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong tổng số 7 nạn nhân mà chúng tôi tìm thấy, đưa ra khỏi hiện trường, thì đều có sự hỗ trợ đắc lực của 2 bạn cảnh khuyển. Nhờ có sự hỗ trợ của Bin và King, đã góp phần tiết kiệm thời gian và công sức tìm kiếm cho các lực lượng tham gia cứu nạn.
Hình ảnh các chú cảnh khuyển tìm kiếm nạn nhân ở Myanmar (Ảnh: Công an cung cấp).
Khi phát hiện có nạn nhân còn sống, 2 chú chó sẽ lập tức lao vào đào bới và sủa to; còn khi phát hiện thi thể nạn nhân dưới đống đổ nát, các bạn ấy cũng sẽ lao vào đào bới rồi ngồi yên tại vị trí đó để các lực lượng có thể định vị, thu hẹp phạm vi tìm kiếm tại hiện trường.
Thực tế công tác tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar đã đem lại những kinh nghiệm như thế nào, thưa Đại tá?
– Hiện trường tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar là khác nhau, tuy nhiên đây đều là những khu vực hiện trường thực tế, không phải mô hình diễn tập nữa. Việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại đây giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm làm việc; giúp các chiến sĩ nâng cao trình độ, nâng cao kỹ thuật để có thể xử lý trong những tình huống cụ thể.
Đại tá Khương cho biết, việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giúp đoàn công tác có thêm kinh nghiệm làm việc; giúp các chiến sỹ nâng cao kỹ thuật để có thể xử lý trong những tình huống cụ thể (Ảnh: Trần Thanh).
Ngoài ra, qua các chuyến công tác còn giúp nâng cao sự lãnh đạo của chỉ huy tại hiện trường, để nếu có sự kiện tương tự xảy ra trong tương lai thì chúng ta đã có kinh nghiệm từ thực tiễn.
Thứ hai đó là qua mỗi chuyến công tác, giúp tăng tình đoàn kết giữa các dân tộc với nhau hơn.
Thứ ba là giúp cho lực lượng cứu nạn cứu hộ có thêm kinh nghiệm, những phương án xử lý tốt hơn khi gặp các sự cố xảy ra trong nước. Từ đó chúng ta có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn và cứu được nhiều người hơn.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/giay-phut-can-nao-cuu-nguoi-tai-toa-nha-chuc-do-sap-o-myanmar-20250412115551060.htm