Tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội xác nhận địa phương này đã ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm. Bệnh nhân là một bé trai 4 tháng tuổi, ngụ tại phường Hoàng Liệt, chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo thông tin từ Trung tâm, trẻ bắt đầu sốt 38 độ C và co giật tay từ ngày 4/7. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả xét nghiệm dịch não tủy của bé dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản diễn biến nhanh, nguy hiểm. (Ảnh: H.H.).
Cùng thời điểm, Quảng Ninh cũng ghi nhận trường hợp viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm là một bé 9 tuổi.
Theo các bác sĩ Trung tâm Y tế Tiên Yên (Quảng Ninh), ngày 8/7, trẻ có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, uống thuốc không đỡ. Ngày hôm sau, trẻ được đưa đến khám và nhập viện với chẩn đoán ban đầu là sốt chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm não, viêm màng não.
Sau 2 ngày, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, nơi kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy bé dương tính với virus viêm não Nhật Bản B.
Người cha thở máy 2 năm không thể bồng con
Bệnh nhân T. phải gắn mình với máy thở trong 2 năm qua, gần như liệt hoàn toàn (Ảnh: BV).
Ngày 17/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thông tin đang điều trị cho 2 bệnh nhân viêm não Nhật Bản. Trong đó, một bệnh nhân nam 26 tuổi bị di chứng liệt hoàn toàn.
TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt Anh, cho biết bệnh nhân V.C.T. (26 tuổi, An Giang) đã nằm viện khoảng 2 năm nhưng vẫn chưa thể cai máy thở.
Bệnh nhân tỉnh táo, có thể dùng mắt để ra hiệu, nhưng bị liệt hoàn toàn tứ chi. Bác sĩ Nghĩa đánh giá anh T. có khả năng bị di chứng suốt đời, khó phục hồi.
Thời điểm anh T. mắc bệnh, vợ anh đang mang thai. Do di chứng nặng nề, anh T. phụ thuộc máy thở và không thể xuất viện. Đến nay, người cha trẻ này vẫn chưa một lần được ôm con mình.
Một bệnh nhân khác (33 tuổi, TPHCM) mắc viêm não Nhật Bản đầu mùa hè năm nay. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã cai được máy thở nhưng vẫn phải điều trị kéo dài do cơ thể suy kiệt, teo cơ và yếu nửa người.
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề
Theo TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, các bệnh nhân viêm não Nhật Bản thường có triệu chứng ban đầu là sốt, đau đầu, sau đó rơi vào lơ mơ, tăng trương lực cơ, gồng cứng cơ, co giật và hôn mê.
Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh viêm não. Sau khi làm xét nghiệm máu và dịch não tủy, các bác sĩ mới có thể kết luận tác nhân gây bệnh.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây qua vết đốt của muỗi Culex sau khi chúng đốt các loài chim hoang dã hoặc gia súc như lợn, bò, ngựa. Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ theo đường máu tấn công lên não gây viêm não.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả người khỏe mạnh. Tại Việt Nam, khoảng 40% trẻ em bị viêm não là do virus viêm não Nhật Bản, từ 25-30 tuổi chiếm khoảng 5%.
Trung bình, bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong khoảng 20-30%, và khoảng 30-50% số ca sống sót có thể gặp di chứng nặng nề như rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường. Tỷ lệ người mắc bệnh có triệu chứng thần kinh khoảng 1/400-1/85.
Riêng tại khoa Nhiễm Việt Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, tỷ lệ tử vong khoảng 10-20%, nhưng tỷ lệ di chứng lên tới 70%.
Bệnh viêm não Nhật Bản gây gánh nặng lớn cho người bệnh, ngành y tế và xã hội. Quá trình điều trị thường kéo dài, người bệnh phải thở máy, đối mặt với nguy cơ viêm phổi, loét tỳ đè, cần chăm sóc dinh dưỡng và vật lý trị liệu. Nhiều trường hợp gặp di chứng, không còn khả năng lao động hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
“Di chứng nặng nề cũng là điều khiến các bác sĩ trăn trở đối với người bệnh mắc viêm não Nhật Bản”, bác sĩ Nghĩa bày tỏ.
Phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine và hạn chế muỗi đốt
Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vaccine.
Vaccine viêm não Nhật Bản có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.
Lịch tiêm phòng khuyến cáo như sau: mũi 1 khi trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm nhắc lại sau mũi 2 một năm. Sau 3 mũi cơ bản, vaccine có thể bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm. Tuy nhiên, để duy trì miễn dịch, phụ huynh cần cho trẻ tiêm nhắc lại sau mỗi 3-4 năm, kéo dài đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Trường hợp tiêm vaccine không đầy đủ vẫn có nguy cơ gặp biến chứng nặng nếu không may mắc bệnh.
Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo người dân nên chủ động rà soát lịch sử tiêm chủng để tiêm bổ sung đầy đủ nhằm phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả, đặc biệt là trẻ em.
Ngoài tiêm vaccine, việc hạn chế muỗi đốt cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh. Muỗi truyền virus viêm não Nhật Bản thường trú ngụ ở các khu vực ẩm thấp, gần chuồng gia súc hoặc nơi có nước đọng.
Do đó, để tránh bị muỗi đốt, người dân nên ngủ màn (kể cả ban ngày), vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ để hạn chế muỗi sinh sản. Trẻ em không nên được cho chơi gần chuồng gia súc, nhất là vào lúc chiều tối.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, li bì, đau đầu, buồn nôn, co giật, người bệnh không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và can thiệp sớm.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-tphcm-ghi-nhan-benh-viem-nao-nhat-ban-co-the-lay-qua-muoi-dot-20250717173310318.htm