Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời lúc 18h55 ngày 17/7, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 63 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc với bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu hội họa.
Sốc trong lần đầu gặp họa sĩ Lê Thiết Cương
Hoa hậu Ngọc Hân cho biết, lần đầu cô làm việc với họa sĩ Lê Thiết Cương là cách đây khoảng 3 năm, tại triển lãm Gặp gỡ Đà Lạt tổ chức ở Phòng tranh Le Lycee, Đà Lạt. Ấn tượng đầu tiên của cô về người họa sĩ tài hoa ấy là sự nghiêm khắc và khó tính.
“Khi đó, tôi và cộng sự còn rất mới trong lĩnh vực tổ chức triển lãm, nên không tránh khỏi những thiếu sót. Trong quá trình hợp tác, không ít lần anh Lê Thiết Cương phê bình gay gắt, thậm chí là “chửi mắng”, khiến chúng tôi thực sự sốc.
Anh từng nhận xét rằng, chúng tôi đang “mặc chiếc áo quá rộng so với mình”, ám chỉ sự non nớt và thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức triển lãm. Điều này khiến tôi và cộng sự từng quyết định không muốn hợp tác với anh nữa, vì những lời phê bình quá thẳng thắn”, Ngọc Hân nhớ lại.
Hoa hậu Ngọc Hân trong lần đầu làm việc cùng họa sĩ Lê Thiết Cương tại triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt” (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo Hoa hậu Việt Nam 2010, sau một thời gian, người đẹp vẫn tiếp tục tổ chức nhiều triển lãm khác. Có lẽ chính sự kiên trì ấy đã khiến Lê Thiết Cương dần thay đổi cách nhìn.
Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đầu năm 2024 tại Đà Lạt là một cột mốc đáng nhớ với Hoa hậu Ngọc Hân. Đây là một trong những dự án mà cô cùng cộng sự dành nhiều tâm huyết, mang toàn bộ tranh từ Hà Nội vào tận Đà Lạt để tổ chức.
Biết tin, họa sĩ Lê Thiết Cương – người thân thiết với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm – đã nhắn tin chúc mừng.
Cô nói: “Dù không thể tham dự vì bận việc gia đình, anh vẫn thể hiện sự trân trọng và ủng hộ. Từ đó, mối quan hệ giữa tôi và anh dần trở nên thân thiết hơn”.
Cũng từ thời điểm đó, Ngọc Hân chia sẻ với họa sĩ Lê Thiết Cương mong muốn được học thạc sĩ tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để nâng cao kiến thức về mỹ thuật.
“Sau vài năm làm việc, tôi nhận ra kiến thức của mình còn rất hạn chế. Nhớ lại những lời anh từng mắng ngày trước, tôi thấy… đúng. Chính anh là người truyền cảm hứng, khích lệ tôi trở lại trường học.
Trong quá trình đó, anh không chỉ chia sẻ kiến thức, mà còn hướng dẫn tôi tận tình. Có nhiều buổi nói chuyện với anh và các họa sĩ khác khiến tôi như “vỡ ra”, học được rất nhiều điều quý giá”, Ngọc Hân tâm sự.
Sau này, khi bắt tay thực hiện bộ sưu tập Nét Hà Thành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Ngọc Hân ngỏ lời xin phép được sử dụng tranh của Lê Thiết Cương để thiết kế áo dài. Họa sĩ đồng ý – nhưng vẫn không quên “cảnh cáo” cô phải làm thật tử tế.
Cô kể lại kỷ niệm khó quên ấy với nụ cười pha chút ngậm ngùi: “Anh nhắc lại một bộ sưu tập áo dài trước đây của tôi lấy cảm hứng từ tranh dân gian – dù được đón nhận rộng rãi – rồi chê thẳng thừng: “Tao chỉ đánh giá ý tưởng thôi, còn thiết kế thì… tao khinh, không thèm nói, dắt vào cạp quần!”.
Nghe vừa buồn vừa cười, nhưng tôi hiểu đó là sự thẳng thắn rất đặc trưng của anh, cũng là áp lực để tôi làm tốt hơn”.
Khi bắt tay vào thực hiện Nét Hà Thành, Ngọc Hân không còn là cô gái “nước đến chân mới nhảy” như trước. Trước mỗi bản phác thảo, cô đều đến tận nơi trao đổi trực tiếp với họa sĩ.
“Cách anh hướng dẫn ngắn gọn, súc tích nhưng cực kỳ sâu sắc. Có lần anh chỉ nói một câu: “Cái hướng thiết kế theo dạng hình kỷ hà này được đấy, phát triển tiếp đi”, vậy mà tôi hiểu rõ mình cần làm gì”, Ngọc Hân kể.
Hoa hậu Ngọc Hân trong buổi triển lãm tranh “Tết tỵ 2025” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với áo dài và khăn sáng tác từ bộ tranh “Ất tỵ 2025” của họa sĩ Lê Thiết Cương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đến năm nay – năm tuổi của Ngọc Hân – cô lại có dịp cộng tác với họa sĩ trong bộ sưu tập Ất Tỵ. Bức tranh con rắn xanh – hồng trong triển lãm khiến cô lập tức bị thu hút.
May mắn thay, dù vốn định giữ lại tác phẩm này, Lê Thiết Cương đã để cô sở hữu nó. Với Ngọc Hân, đó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang giá trị biểu tượng: “Tôi là rắn hồng, còn con tôi là chú rắn xanh – bức tranh ấy giống như hình ảnh mẹ con tôi”.
Ngọc Hân cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa có cơ hội sưu tập một bức tranh về Hà Nội của Lê Thiết Cương – điều mà cô luôn mong muốn. Với cô, mỗi bức tranh của vị họa sĩ tài hoa ấy không chỉ để ngắm, mà là để gìn giữ một phần tâm hồn người nghệ sĩ.
Ngọc Hân cho biết thêm, về sau, mối quan hệ giữa cô và Lê Thiết Cương ngày càng trở nên thân thiết. Cô thường được họa sĩ mời làm MC cho các buổi ra mắt sách, triển lãm của bạn bè.
Cô chia sẻ: “Mỗi lần như vậy, anh đều đưa sách cho tôi đọc trước, rồi giảng giải cặn kẽ. Đó giống như những buổi “phụ đạo riêng” quý giá, giúp tôi mở mang thêm không chỉ về mỹ thuật, văn học, mà cả cách sống nữa”.
Trước sự kiện ra mắt cuốn sách Trò chuyện với hội họa, họa sĩ Lê Thiết Cương tặng Ngọc Hân một chiếc túi. Vì quá bận rộn, cô chưa kịp mở ra xem, cũng chưa kịp phản hồi. Họa sĩ lập tức gọi điện nhắc – thậm chí trách cô thiếu tinh tế.
Ngọc Hân bộc bạch: “Sáng hôm sau, tôi đến thật sớm để thể hiện sự trân trọng, đeo chiếc túi anh tặng, mặc áo dài Nét Hà Thành khi dẫn chương trình. Dù anh hay phê bình, tôi luôn cảm nhận được sự quý mến, nâng niu anh dành cho mình. Những lời trách mắng ấy – dù nghiêm khắc – luôn đúng và xuất phát từ sự chân thành”.
Điều khiến Ngọc Hân tiếc nuối nhất là kế hoạch tổ chức một buổi trò chuyện về sự nghiệp của họa sĩ Lê Thiết Cương tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhiều lần phải hoãn lại – khi vì lịch trình bận rộn của cả hai, lúc là bởi sức khỏe của họa sĩ không cho phép. Dù cuối cùng đã ấn định ngày 31/5, sự kiện vẫn không thể diễn ra.
Ngọc Hân cho hay, đó là một mất mát lớn, bởi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thật sự mong muốn được tôn vinh và lan tỏa những đóng góp của họa sĩ Lê Thiết Cương tới công chúng yêu nghệ thuật.
Cô không giấu được sự xúc động, ngậm ngùi nói: “Lần gần nhất, cũng là sáng hôm trước – một ngày trước khi họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời – tôi đến thăm anh tại bệnh viện. Dù sức khỏe yếu, anh vẫn minh mẫn, nhận ra mọi người và chia sẻ những câu chuyện vui.
Tôi nắm tay anh, ôn lại kỷ niệm những ngày đầu gặp gỡ, làm việc, rồi khi nghe tôi kể về thai kỳ, anh động viên tôi với ánh mắt sáng ngời, tinh anh, nụ cười trìu mến.
Những khoảnh khắc ấy sẽ mãi in đậm trong ký ức tôi, khiến tôi càng thêm trân quý anh – một người thầy, một người anh lớn, và cũng là một người bạn chân thành. Giờ đây, khi anh đã không còn, tôi lại nhớ những tiếng mắng, tiếng chửi ghê gớm mà chân thành của anh”.
Lần làm việc cuối cùng giữa Ngọc Hân và Lê Thiết Cương là hôm 3/6, ra mắt cuốn sách “Trò chuyện với hội họa” của họa sĩ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Học được ở họa sĩ Lê Thiết Cương tinh thần tối giản đúng nghĩa
Họa sĩ Lê Thiết Cương có thể nói là người duy nhất ở Việt Nam theo đuổi phong cách vẽ tối giản. Chia sẻ về điều này, Ngọc Hân thú nhận rằng, ban đầu, cô từng nghĩ: “Sao đơn giản thế nhỉ? Như thế này thì ai cũng vẽ được!”.
Song càng hiểu về quá trình sáng tác của họa sĩ, cô càng thấy rằng tối giản không hề đơn giản.
“Anh ít nói, nhưng lời nào cũng sâu sắc. Tranh của anh cũng vậy – tiết chế, gọn gàng, nhưng luôn chứa đựng tầng lớp ý nghĩa, “nhìn vậy mà không phải vậy”. Một nét bút tưởng như hững hờ lại có thể khơi gợi cảm xúc rất mạnh”, Ngọc Hân đánh giá.
Lê Thiết Cương thường đảm nhận minh họa cho sách, báo – một công việc tưởng chừng giản đơn nhưng lại là cả quá trình suy ngẫm và tiết chế.
Khi chia sẻ về cách vẽ, Lê Thiết Cương từng nói một câu khiến Ngọc Hân nhớ mãi: “Minh họa không phải vẽ rõ luôn ý, mà gợi để người ta nghĩ”.
Với cô, đó không chỉ là nguyên tắc dành cho hội họa, mà còn là kim chỉ nam cho thiết kế thời trang, cho cách cảm – nghĩ – sống trong cuộc đời.
Người đẹp sinh năm 1989 chia sẻ rằng, từ họa sĩ Lê Thiết Cương, cô học được tinh thần tối giản đúng nghĩa: Sự tinh gọn, thận trọng và khả năng tập trung vào cái cốt lõi.
Không chỉ ở từng nét vẽ hay lời nói, mà ngay cả trong cách sống, với Ngọc Hân, họa sĩ Lê Thiết Cương luôn thể hiện một triết lý rõ ràng – giản dị mà sâu sắc, kiệm lời nhưng gợi mở, nhẹ nhàng mà chạm đến tầng sâu cảm xúc.
Trong ấn tượng của Ngọc Hân, Lê Thiết Cương là người cực kỳ nghiêm khắc trong công việc, đôi khi khó tính đến mức khiến người khác phải dè chừng. Nhưng trong cuộc sống, họa sĩ lại là người trọng tình, sống chân thành.
Trong ký ức của Hoa hậu Ngọc Hân, họa sĩ Lê Thiết Cương là người rất nghiêm khắc trong công việc, nhưng ngoài đời lại là người sống chân thành, trọng tình cảm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ngọc Hân tâm sự: “Dù hơn tôi cả một thế hệ, anh luôn đối xử như người anh thân thiết, chia sẻ, định hướng và dạy dỗ tôi bằng tất cả sự tận tâm. Có lần anh nói với tôi: “Thành công cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu cuối đời không còn ai bên cạnh”. Mỗi lần thấy tôi bận rộn với công việc, anh lại hỏi: “Cuối tuần không ăn cơm với gia đình à?””.
Những cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương không chỉ giúp Ngọc Hân mở mang kiến thức về mỹ thuật, mà còn để lại trong cô nhiều suy ngẫm về cách sống.
“Anh thường nhắc nhở tôi và nhấn mạnh rằng, phải biết trân trọng gia đình, cân bằng giữa công việc và đời sống riêng. Anh nói: “Dù có thành công đến đâu, gia đình vẫn là trên hết, là điều quan trọng nhất”. Những điều ấy, với tôi, không chỉ dừng lại ở lời khuyên, mà còn là bài học sâu sắc về giá trị sống mà tôi luôn ghi nhớ”, Ngọc Hân xúc động chia sẻ.
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, là con nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên và quay phim Đỗ Phương Thảo.
Ông theo học tại trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990. Ông có hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau: Đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét.
Bên cạnh hội họa, ông còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế và viết văn. Các triển lãm cá nhân của ông từng được tổ chức tại Singapore, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc…
Tác phẩm của ông hiện thuộc bộ sưu tập của nhiều tổ chức lớn như: Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM), Bảo tàng Royal de Mariemont (Vương quốc Bỉ), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương qua đời lúc 18h55 ngày 17/7, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 63 tuổi.
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/hoa-hau-ngoc-han-ke-ky-niem-xuc-dong-voi-hoa-si-le-thiet-cuong-20250718040748813.htm