Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời vào lúc 18h55 ngày 17/7, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 63 tuổi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống lớn trong lòng giới mỹ thuật và những người yêu nghệ thuật.
Sinh năm 1962, Lê Thiết Cương là một tên tuổi nổi bật của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông là một họa sĩ tài hoa, tạo dấu ấn riêng với lối hội họa tối giản, vừa triết lý vừa giàu chất thơ.
Ông là một nghệ sĩ – nhà văn hóa giàu tâm huyết. Công chúng còn biết đến ông như một người tri kỷ của văn chương, gắn bó sâu nặng với sách vở, trân quý văn học và luôn sẵn sàng đồng hành cùng những người viết.
Từng chia sẻ nếu có kiếp sau, sẽ chọn làm nhà văn, Lê Thiết Cương đã dành cả đời sống nghệ thuật để chắt lọc và lan tỏa những giá trị đẹp đẽ nhất của cái đẹp, bằng cả nét vẽ lẫn con chữ.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (1962-2025) (Ảnh: Facebook nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).
“Lê Thiết Cương có phong cách vẽ tranh tối giản không ai có”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cho biết, họa sĩ Lê Thiết Cương là thế hệ thứ 2 của hội họa đổi mới, với phong cách vẽ tranh tối giản không ai có.
“Tranh của Lê Thiết Cương rất nhẹ nhàng. Có thể nói, ở Việt Nam, Cương là người duy nhất theo đuổi phong cách tối giản – một dòng tranh “kiệm lời”, chỉ cần một nét và vài mảng màu đơn sơ cũng đủ để tạo nên chiều sâu.
Lê Thiết Cương đạt được những thành công mà không phải ai thuộc thế hệ 6X cũng có được. Cùng với Đào Hải Phong, anh là một trong những gương mặt để lại dấu ấn khó phai trong giới hội họa.
Cương là người tài năng – một nghệ sĩ đã tìm thấy quan niệm và chiều sâu tư tưởng cho hội họa của mình khi nương tựa vào tinh thần Phật pháp”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, họa sĩ Lê Thiết Cương đã âm thầm góp phần làm nên sự đa dạng cho nền mỹ thuật và sân khấu Việt Nam. Giới chuyên môn ghi nhận những đóng góp bền bỉ của ông – từ sáng tác, viết lý luận phê bình cho đến vai trò giám tuyển trong nhiều triển lãm nghệ thuật.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn tiết lộ: “Cương cũng để lại dấu ấn trong việc âm thầm hỗ trợ các gia đình họa sĩ đã khuất tổ chức triển lãm, đưa tác phẩm của người chồng, người cha họ trở lại với công chúng, hiện diện trang trọng trong các phòng tranh”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, ngoài đời, Lê Thiết Cương rất khó tính nhưng cũng đáng yêu.
“Có nghệ sĩ mềm mại, có người rắn rỏi, đáo để… Lê Thiết Cương là người có cá tính rất mạnh. Ai không quen có thể… bị sốc. Nhưng nếu không có tính cách ấy, đã không còn Lê Thiết Cương nữa”, ông Xuân Đoàn nói.
Có lần đi công tác ở nước ngoài, ông Lương Xuân Đoàn đã viết một bài báo về tính cách, những câu chuyện xung quanh Lê Thiết Cương: “Tôi viết về hội họa, con người Lê Thiết Cương. Thú thực, không phải họa sĩ nào tôi cũng có duyên viết như vậy. Khi nghe tin Cương qua đời, tôi rất buồn. Cương mất đi là tổn thất với giới hội họa Việt Nam”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng giới nghệ thuật (Ảnh: Tiến Tuấn).
NTK Đức Hùng vẫn luôn nhớ buổi trưa – cuộc hẹn giữa anh và họa sĩ Lê Thiết Cương trong một ngôi nhà có sân vườn xanh mát, ẩn mình giữa lòng phố cổ Hà Nội.
“Anh Cương mời tôi ăn món chuối ốc đậu rất ngon, khiến tôi nhớ mãi. Hai anh em say sưa trò chuyện với nhau. Khi ấy, tôi đang ấp ủ dự án thời trang Tơ trời và còn rụt rè lắm mới dám nhờ anh vẽ giúp hình ảnh cho show diễn. Không ngờ, anh vẽ ngay và tặng tôi luôn.
Anh còn nói: “Tao thích mày vì mày rất nghệ sĩ, Hùng nhé!”. Tôi hạnh phúc khi được anh khen và luôn trân trọng bức tranh Tơ trời anh dành tặng”, NTK Đức Hùng tâm sự.
Đức Hùng cho biết thêm, Lê Thiết Cương là người thẳng thắn, với đàn em luôn chu đáo, nhiệt tình.
NTK Đức Hùng kể: “Anh ấy nấu ăn rất ngon và thường xuyên vào bếp. Khi trò chuyện với bạn bè, anh thường nhắc đến con cái, chia sẻ những câu chuyện cởi mở, thoải mái. Anh cũng có gu ăn mặc trẻ trung”.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương có niềm yêu thích và nghiêm cẩn trong việc đọc
Trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – đã chia sẻ về những giây phút cuối cùng đầy xúc động bên họa sĩ Lê Thiết Cương – người bạn, người nghệ sĩ mà ông gắn bó và ngưỡng mộ sâu sắc.
Ông kể rằng, khi mấy người bạn vào bệnh viện thăm, họa sĩ Lê Thiết Cương đã nói trong hơi thở yếu ớt: “Cầm tay tôi đi”. Giây phút đó, ông hiểu: “Cầm tay Cương và biết là lần cầm tay bạn cuối cùng”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dù các bác sĩ nói không còn hy vọng, khuyên gia đình đưa họa sĩ về nhà, Lê Thiết Cương vẫn lựa chọn ở lại bệnh viện, ông giữ một niềm tin mong manh: “Nếu sức khỏe khá lên, các bác sĩ có thể phẫu thuật”.
Ông Nguyễn Quang Thiều viết: “Cương vẫn quyết tâm chống lại thần chết, không chịu khuất phục đúng như con người Cương trong mọi thăng trầm mà anh đã đi qua”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, họa sĩ Lê Thiết Cương ra đi khi mới 63 tuổi – một chặng đời chưa dài nhưng dày đặc trải nghiệm và cống hiến.
Ông cho biết, chiều hôm trước khi mất, họa sĩ xin được trở về nhà và nói: “Về với mẹ”. Khi xe đưa về đến nhà, Lê Thiết Cương mở to mắt nhìn quanh một thoáng như cố gắng ghi lại hình ảnh thân thương lần cuối, rồi khép mắt chìm vào hôn mê.
“Cuối cùng Cương được về nhà, nơi Cương đã sống những tháng năm đẹp nhất, sáng tạo, hạnh phúc và cũng đau đớn nhất. Nơi những người bạn chân thành nhất đã bên anh, nơi Cương bày con người anh ra mà không hề che giấu: Thông thái, tài hoa, mê đắm, kiêu ngạo, nhân ái, điên rồ, yếu đuối…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động bày tỏ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng, bên phải) hội ngộ họa sĩ Lê Thiết Cương (thứ 2, từ trái sang) và bạn bè (Ảnh: Facebook nhân vật).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, dù đoạn đường đời chưa dài, họa sĩ Lê Thiết Cương đã đi trọn vẹn quãng đường ấy: Sống đúng với con người mình ở nhiều nghĩa và không sợ hãi.
“Khi nhìn Cương, tôi biết thời gian của anh không còn nhiều nữa. Trong đôi mắt Cương nhìn bạn bè, tôi nhận ra ánh sáng của sự sống đang dần tắt nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ một tia sợ hãi nào trong đó”, ông Nguyễn Quang Thiều bộc bạch.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ rằng, sự ra đi của họa sĩ Lê Thiết Cương là một mất mát lớn. Với ông, Lê Thiết Cương là một họa sĩ tài năng, một người làm nghề nghiêm túc và trân trọng giá trị của các bậc tiền bối cũng như đồng nghiệp cùng thời.
“Hoạ sĩ Lê Thiết Cương không chỉ xuất sắc trong lĩnh vực hội họa mà còn sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về văn chương, nghệ thuật và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
Anh luôn có ý thức mạnh mẽ trong việc giới thiệu và quảng bá những giá trị mà anh tin tưởng là chân thực, chứ không chạy theo xu hướng hay thị hiếu nhất thời”, nhà phê bình Phạm Xuân nói.
Phạm Xuân Nguyên cho biết, anh và họa sĩ Lê Thiết Cương có mối quan hệ thân thiết như anh em, đồng nghiệp, cùng tôn trọng và quý mến lẫn nhau.
Nhà phê bình kể: “Anh rất hay hỏi tôi về sách vở, bởi biết tôi làm trong lĩnh vực văn học. Là một người đọc nhiều và đọc tinh, anh thường hỏi tôi về những cuốn sách nên đọc. Mỗi khi tôi giới thiệu, anh đều tìm đọc ngay, và sau đó thường trao đổi lại với tôi những cảm nhận, suy nghĩ của mình về cuốn sách đó. Chúng tôi gặp nhau nhiều ở điểm chung ấy – niềm yêu thích và sự cẩn trọng trong việc đọc”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá, dù là họa sĩ, Lê Thiết Cương cũng là người rất chú trọng đến việc viết. Không nhiều người làm hội họa có thể viết tốt, nhưng Lê Thiết Cương là ngoại lệ.
“Lê Thiết Cương viết bằng một lối văn tinh tế, sắc sảo, thể hiện rõ chiều sâu tư duy và cá tính nghệ thuật riêng. Việc viết với anh không hề tùy hứng mà là một hành vi nghiêm cẩn, có chủ đích rõ ràng.
Đọc những bài viết của anh, người ta cảm nhận được một thế giới nội tâm phong phú và cái nhìn nghệ thuật sắc bén, khiến những bài viết của anh mang lại sự thích thú cho người đọc”, Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
Nói về con người của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trong công việc, họa sĩ là người nghiêm khắc và thẳng thắn. Trong cuộc sống, ông cũng giữ sự khắt khe tương tự, đặc biệt trong việc chọn bạn bè.
Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Tuy nhiên, với những người anh quý mến và tin tưởng, anh sống rất chân thành, tình nghĩa. Anh có tính cách yêu ghét rõ ràng: Dành tình cảm sâu đậm cho những người anh yêu quý, nhưng cũng thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng với những người anh không ưa. Sự rõ ràng và chân thành này chính là nét đặc trưng trong con người họa sĩ Lê Thiết Cương”.
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/hoa-si-le-thiet-cuong-ca-tinh-manh-truoc-cai-chet-cung-khong-so-hai-20250718014311404.htm