Chiều 14/5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) cho biết, sau 7 ngày triển khai lấy ý kiến nhân dân (tính đến 13/5) về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp qua ứng dụng VNeID, Bộ Công an ghi nhận có hơn 4,3 triệu ý kiến tham gia.
Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin tại cuộc họp chiều 14/5 (Ảnh: Phùng Minh).
“Số ý kiến tán thành chiếm 99,94 % và hơn 2.400 ý kiến không tán thành (chiếm 0.06%)”, ông Hiển thông tin.
Về độ tuổi, theo ông Hiển, có gần 25.000 người dân dưới 18 tuổi tham gia góp ý, hơn 186.000 người từ 18-34 tuổi (chiếm 25%), hơn 222.000 người từ 35-44 tuổi (chiếm 30%), hơn 204.000 người từ 45-60 tuổi (chiếm 27%) và hơn 108.000 người dân trên 60 tuổi (chiếm 15%) góp ý kiến.
Về nghề nghiệp, ông Hiển nói có hơn 16.000 cán bộ công an (gần 15%), 8.000 giáo viên (chiếm 7,7%), hơn 5.000 công chức (5%), 3.000 công nhân (3%), gần 3.000 học sinh (2,3%),… đóng góp ý kiến.
Các địa phương có nhiều người dân tham gia góp ý kiến so với số lượng công dân có tài khoản định danh điện tử trên địa bàn gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Điện Biên, Hà Nam, Nam Định.
Các địa phương có tỷ lệ người dân tham gia góp ý thấp gồm Thanh Hóa, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, TP.HCM…
Người dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp cho việc sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID (Ảnh: Q.Huy).
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổng hợp các báo cáo kết quả lấy ý kiến của các cơ quan (các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an (tổng hợp ý kiến của nhân dân trên ứng dụng VNeID).
Từ đó, Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, trình Chính phủ xem xét, thông qua để gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chậm nhất ngày 30/5 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đến Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp chung.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/hon-43-trieu-y-kien-gop-y-sua-doi-hien-phap-qua-ung-dung-vneid-20250514162149121.htm