Ngày 20/4, thông tin từ lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, ngành đã gửi đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để lấy ý kiến nhân dân.
Trước khi hợp nhất, tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 7 huyện, 1 huyện đảo, 1 thành phố và 1 thị xã. Cấp cơ sở gồm 119 đơn vị, trong đó có 13 phường, 11 thị trấn và 95 xã.
Sau khi sắp xếp, Quảng Trị dự kiến sẽ có 37 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu. Trong đó huyện đảo Cồn Cỏ sẽ trở thành đặc khu Cồn Cỏ.
Huyện đảo Cồn Cỏ (Ảnh: Nhật Anh).
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến người dân được các địa phương ở Quảng Trị thực hiện đến ngày 20/4. Sau đó, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp và báo cáo lên cấp trên vào ngày 22/4. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 1/5.
Cồn Cỏ là huyện đảo nhỏ nhất cả nước với diện tích khoảng 2,3km2, cách đất liền khoảng 18 hải lý về phía Đông. Mặc dù diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ lại có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ.
Cồn Cỏ có vị trí khá thuận, vừa gần đất liền, vừa có thể mở hướng vươn khơi thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đảo (dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng…), vừa thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch.
Đảo Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng thủ lãnh hải, lãnh thổ và phát triển kinh tế – xã hội của hệ thống đảo và hải đảo Việt Nam.
Tên gọi dự kiến các xã, phường mới tại Quảng Trị sau sáp nhập (Ảnh: Nhật Anh).
Bình Định lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp với Gia Lai
Ngày 19/4, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai lấy ý kiến của cử tri và trình thông qua Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đối với Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, thời gian kéo dài đến hết ngày 20/4.
Từ 7h ngày 19/4, các địa phương tổ chức lấy ý kiến của cử tri theo quy định. Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình tại các đơn vị hành chính cấp xã.
Lấy ý kiến cử tri tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Định (Ảnh: Sở Nội vụ Bình Định).
Nội dung lấy ý kiến gồm hai lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý với đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
UBND cấp xã phối hợp với cơ quan công an cùng cấp rà soát, lập danh sách cử tri theo địa bàn từng thôn, khu phố.
Sau khi lập danh sách, UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và trụ sở thôn, khu phố để người dân kiểm tra thông tin.
UBND xã thành lập tổ lấy ý kiến cử tri tại từng thôn, khu phố, trong đó có tổ trưởng, ít nhất một tổ phó và các tổ viên.
Theo kế hoạch, UBND cấp xã tổng hợp và báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri gửi HĐND cấp xã, UBND cấp huyện trước ngày 21/4.
UBND cấp huyện tổng hợp và gửi kết quả về HĐND cấp huyện và Sở Nội vụ tỉnh Bình Định trước ngày 22/4.
Sau khi hoàn tất lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp xã và cấp huyện trình HĐND cùng cấp xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, hoàn thành trước ngày 24/4.
UBND tỉnh sẽ gửi Bộ Nội vụ hồ sơ Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thẩm định, hoàn tất trước ngày 30/4.
Theo phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Định từ 155 xã, phường, thị trấn sắp xếp còn lại 58 đơn vị, giảm 97 đơn vị hành chính.
Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự kiến hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị, hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/huyen-dao-nho-nhat-nuoc-du-kien-thanh-dac-khu-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-20250419131126879.htm