Khám phá “không trung thiết lộ” dài 65km nối Việt – Lào ở thế kỷ XX

Khám phá "không trung thiết lộ" dài 65km nối Việt - Lào ở thế kỷ XX


Đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, qua địa phận các xã Lâm Hóa, Thanh Hóa và Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), nhiều người không khỏi tò mò khi nhìn thấy những trụ bê tông lớn nằm len lỏi giữa cánh rừng.

Đây chính là dấu tích của tuyến đường sắt nối Việt – Lào, do Pháp xây dựng cách đây một thế kỷ nhằm vận chuyển khoáng sản, sản vật từ Lào về Việt Nam.

Tuyến đường sắt xuyên Việt – Lào bắt đầu từ Ga Tân Ấp (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa), đi qua Ga Cha Mác (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa) rồi nối sang bản Nà Phào, tỉnh Khăm Muộn, Lào.

Trong ảnh là Ga Cha Mác (hay Ga xóm Cục), điểm dừng quan trọng và là nơi khởi đầu của tuyến cáp treo “không trung thiết lộ” dài 65km, vận chuyển hàng hóa vượt núi rừng sang Lào (Ảnh: tư liệu).

Tuyến “không trung thiết lộ” nối Việt – Lào là tuyến vận tải trên cao đầu tiên tại Đông Nam Á. Với hệ thống cột đỡ và dây cáp chắc chắn, người Pháp dùng thùng goòng để chuyển tải hàng hóa. Do công nghệ máy móc còn hạn chế, việc xây dựng tuyến vận tải này gần như được thực hiện thủ công, bằng sức người (Ảnh: Tư liệu).

Trải qua biến thiên của lịch sử, dấu tích về tuyến “không trung thiết lộ” không còn nhiều. Khu vực Ga Cha Mác giờ trở thành khu dân cư thuộc xã Lâm Hóa, người dân đã xây dựng nhà cửa trên nền sân ga cũ.

Những gì còn sót lại của Ga Cha Mác là các khối bê tông nằm rải rác phía sau khu dân cư. 

Một số trụ bê tông của tuyến “không trung thiết lộ” còn sót lại tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa. Các trụ bê tông này chính là phần móng và cột đỡ cho hệ thống ròng rọc – cáp treo.

Các cột trụ của “không trung thiết lộ” có chiều cao 5-10m. Trải qua thời gian, các trụ bê tông này hiện đã rêu phong, cây dây leo phủ kín.

Anh Đinh Minh Tặng, Bí thư Đoàn xã Thanh Thạch, cho biết, anh được ông, bà và các cụ cao niên kể rất nhiều về “không trung thiết lộ”. Để xây dựng tuyến vận tải nối Việt – Lào này, thực dân Pháp đã thực hiện chế độ bóc lột hà khắc, bắt nhân dân đi làm phu phen và tạp dịch.

Theo anh Tặng, ngoài các trụ bê tông, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn còn dấu tích của một số hầm của tuyến đường sắt nối Việt – Lào thế kỷ XX.

Hầm Thanh Lạng, thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa là một trong những dấu tích còn sót lại của tuyến đường sắt nối Việt – Lào do thực dân Pháp xây dựng. Hầm dài khoảng 500m, cao 5m và rộng 6m. Trần hầm dày khoảng 50cm, được xây dựng bằng hỗn hợp đá cuội, vôi và xi măng.

Được xây dựng cách đây một thế kỷ, nhưng hầm Thanh Lạng vẫn tồn tại khá kiên cố. Tuy nhiên, do không được bảo trì, hầm đã xuất hiện tình trạng dột và nước rỉ từ trần xuống. 

Trong thời kỳ chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn cũng từng dùng hầm xuyên núi Thanh Lạng làm nơi chứa lương thực, súng đạn và xe đạp cho dân công hỏa tuyến, thồ hàng hóa theo đường 12A vào chiến trường phía Nam hoặc sang Lào.

Đường sắt năm xưa dẫn vào hầm Thanh Lạng giờ trở thành một lối mòn ngập nước. Phần ray tàu và những gì sót lại của tuyến đường sắt, người dân đã đào lên bán sắt vụn, hoặc tận dụng làm các việc khác từ lâu.

Ngoài các trụ bê tông, hầm đường sắt còn sót lại tại huyện Tuyên Hóa, tuyến “không trung thiết lộ” còn có một số dấu tích khác tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Theo cuốn lịch sử ngành Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, từ năm 1893, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu mở các tuyến đường giao thông quan trọng, gọi là “đường thuộc địa”.

Đầu thế kỷ XX, để khai thác tài nguyên vùng Trung Lào, giới tư bản Pháp cho xây dựng một tuyến đường sắt từ Ga Tân Ấp, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) lên biên giới Việt – Lào, tổng chiều dài 70km, nối với đường 12 trên đất Lào, qua thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn.

Từ Ga Tân Ấp, tuyến đường sắt này đi qua Ga Thanh Lạng, hầm Thanh Lạng, cầu Trập, hầm Trệng đến Ga Cha Mác, dài khoảng 5km thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Từ ga Cha Mác, do núi đèo hiểm trở, người Pháp cho làm thêm một tuyến đường cáp treo trên núi, gọi là “không trung thiết lộ”, sang đến Lào, dài 65km. Với hệ thống cột đỡ và dây cáp chắc chắn, người Pháp dùng thùng goòng để chuyển tải hàng hóa, chủ yếu là thuốc phiện và các mặt hàng thiết yếu từ Lào về Việt Nam, để tiếp tục đưa sang mẫu quốc.

Vào tháng 8/1945, nhằm ngăn chặn sự di chuyển của các binh đoàn cơ động của quân Pháp, một số điểm trọng yếu thuộc tuyến vận tải trên cao đã bị Việt Minh phá hủy. Cũng từ đó, tuyến “không trung thiết lộ” ngừng hoạt động.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/kham-pha-khong-trung-thiet-lo-dai-65km-noi-viet-lao-o-the-ky-xx-20250510075925260.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *