Theo nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước khi sáp nhập tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình (cũ) đã có báo cáo về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 495/2024 của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực quản lý đê điều, phòng chống thiên tai.
Trong đó, Thái Bình cho biết đã xử lý 114/165 vụ vi phạm tồn đọng (giai đoạn 2018-2023); từ thời điểm Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận đến nay đã xử lý thêm 8 vụ.
Một bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông trên hành lang thoát lũ sông Hồng ở Thái Bình (Ảnh minh họa: TTXVN).
Với vi phạm liên quan đến dự án xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thành An, UBND tỉnh Thái Bình (cũ) đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Đông Hưng.
Tuy nhiên, do vi phạm đã xảy ra trong thời gian dài, phức tạp nên các đơn vị liên quan đang nghiên cứu, rà soát thủ tục pháp lý để tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý phù hợp quy định pháp luật và lợi ích của nhà đầu tư. Hiện đã phá dỡ một phần tường rào bao quanh dự án và dự án đã dừng hoạt động.
Với vi phạm của hộ kinh doanh vật liệu trái phép của ông Phạm Văn Phong, UBND tỉnh Thái Bình (cũ) đã giao UBND huyện Hưng Hà (cũ) tổ chức xử lý theo quy định Luật Đất đai, tháo dỡ công trình vi phạm.
Liên quan đến dự án của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hùng, dự án đầu tư xây dựng bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng cho Hộ kinh doanh Bùi Xuân Tấu, dự án đầu tư xây dựng bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Duẩn Dung, tỉnh Thái Bình (cũ) đã chỉ đạo Sở Tài chính kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan trong tham mưu phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa bảo đảm các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều.
Thái Bình đã ban hành công điện yêu cầu xử lý vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường có hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện đối với giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ngoài bãi sông.
Kết quả xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũ (Nguồn: Thái Bình).
Trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Thành An, diện tích sử dụng đất trên 18.800m2, xây dựng nhà máy trái phép tại khu vực bãi sông.
Hộ kinh doanh của ông Phạm Văn Phong có diện tích sử dụng đất gần 10.400m2, kinh doanh vật liệu trái phép tại khu vực bãi sông, vi phạm Điều 7 Luật Đê điều năm 2006.
Cơ quan chức năng Thái Bình đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đê điều lần lượt 9 lần và 13 lần (chưa bao gồm việc xử phạt vi phạm hành chính của công an các cấp) nhưng chưa xem xét, xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được sáp nhập để thành lập một tỉnh mới mang tên Hưng Yên từ ngày 1/7. Sau khi sắp xếp, tỉnh Hưng Yên có 104 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 93 xã và 11 phường.
Tỉnh Hưng Yên mới có diện tích hơn 2.500km2; dân số trên 3,5 triệu người và 104 phường, xã.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/loat-vi-pham-de-dieu-o-thai-binh-da-duoc-xu-ly-nhu-the-nao-20250718110036981.htm