Mật hiệu của mẹ Nhu và căn hầm bí mật nuôi chiến sĩ biệt động

Mật hiệu của mẹ Nhu và căn hầm bí mật nuôi chiến sĩ biệt động


LTS: Trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thanh niên đã rời xa gia đình, quê hương để ra trận. Nơi quê nhà, những người mẹ, người vợ, người chị… luôn cố gắng để “hậu phương vững chắc, tiền tuyến yên lòng”. Họ như sợi chỉ vàng, lóng lánh và rực rỡ, dệt nên bức tranh hòa bình, sự trường tồn của dân tộc.

Dân trí trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết về những người mẹ, người vợ, người chị… nơi hậu phương trong kháng chiến.

Loạt bài nhằm khắc họa hình ảnh xúc động và đầy tự hào về những người mẹ, người vợ, người chị trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại – những người đã lặng thầm hy sinh, gánh vác trách nhiệm hậu phương để tiếp sức cho tiền tuyến.

“Xú, Xí đâu rồi”

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám (75 tuổi, trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) là một trong số “7 dũng sĩ Thanh Khê” năm nào. Căn nhà bà ở trên đường Phan Thanh, bên cạnh bằng phong tặng danh hiệu Anh hùng là những bức ảnh một thời thanh xuân cống hiến cho cách mạng của bà.

Sinh ra ở Điện Bàn (Quảng Nam) trong gia đình có truyền thống cách mạng, 14 tuổi, bà Tám đã tham gia hoạt động, vận chuyển tài liệu, truyền đơn tại vùng đô thị Đà Nẵng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám (Ảnh: Hoài Sơn).

Để che giấu thân phận, bà Tám làm giúp việc cho một nhà ở quận Nhì (nay là quận Thanh Khê), gần nhà mẹ Nhu (tên thật Lê Thị Dảnh có tài liệu ghi là Dãnh). Làm nhiệm vụ giao liên một thời gian bị lộ, bà phải rút vào hoạt động bí mật ở nhà mẹ Nhu.

Trong ký ức của bà Tám, trú ẩn tại nhà mẹ Nhu thời điểm đó, ngoài bà còn có anh Nguyễn Văn Huề, Trần Thanh Trung và anh Lữ Hùng (lúc bấy giờ là Quận Đội phó quận Nhì). Một tổ khác gồm 4 chiến sĩ trú ẩn ở nhà mẹ Hiền (tên thật Lê Thị Hiền), cách đó khoảng 300m.

Các chiến sĩ của ta đã sống giữa lòng dân, xung quanh dày đặc lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, với các phương tiện vũ khí tối tân, hiện đại.

“Mẹ Nhu là người tuyệt vời, coi chúng tôi như con ruột”, bà Tám chia sẻ, bất kể nắng mưa, các chiến sĩ hầu hết ở dưới hầm để tránh bị phát hiện. Buổi sáng, Mẹ đi chợ mua đồ ăn về nuôi chiến sĩ. Mẹ thường mua 4 ổ bánh mì ở quán này, rồi giấu vào chiếc thúng, phủ lá lên trên, sau đó đi thêm vài trăm mét, mua 4 ổ khác để tránh bị phát hiện.

Đĩa sành và thố được mẹ Nhu dùng để tiếp cơm cho các chiến sĩ biệt động tại hầm bí mật (Ảnh: Hoài Sơn).

Đêm xuống, chờ mẹ Nhu hoặc con trai của mẹ là anh Phạm Phú Long ra tín hiệu an toàn, chiến sĩ dưới hầm mới lên ăn uống, đi làm nhiệm vụ. Mỗi khi có điều bất thường, mẹ thường nói lớn “Xú, Xí đâu rồi” (tên thường gọi ở nhà của các con mẹ Nhu) để ra hiệu cho các chiến sĩ vào hầm ẩn nấp.

Mẹ nằm xuống ngay bên căn hầm bí mật

Bà Tám nhớ lại, đêm 23/12/1968, đội biệt động đánh trận tập kích vào đồn lính bảo an Phú Lộc, tại quận Thanh Khê. Tuy không thu được vũ khí, vụ tập kích cũng gây tiếng vang, làm rung chuyển một vùng. Sau trận tập kích, các chiến sĩ biệt động tiếp tục về trú ẩn tại nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền.

Hầm bí mật được phục dựng tại nhà mẹ Nhu (Ảnh: Hoài Sơn).

Ngày 25/12/1968, Lữ Hùng bất ngờ ra đồn địch để đầu hàng và chỉ điểm các cơ sở trú ẩn. Sự phản bội của tên Lữ Hùng khiến cơ sở nhà mẹ Nhu, mẹ Hiền bị lộ. Trận đánh ngoài dự kiến, nhưng vô cùng dũng cảm của 7 chiến sĩ Thanh Khê đã diễn ra khốc liệt.

Dẫn chúng tôi về thăm lại nhà mẹ Nhu, cầm trên tay nén hương thắp cho Mẹ, ánh mắt bà Tám lại nhòe lệ rồi đắm chìm về những hồi ức của mùa đông 57 năm trước. Đó là mờ sáng 26/12/1968 định mệnh, quân địch bất ngờ bao vây nhà Mẹ hòng bắt gọn lực lượng của ta.

Với trực giác nhạy bén, mẹ Nhu lập tức nhận ra điều bất thường, vội vã ra hiệu cho các chiến sĩ xuống hầm bí mật. Lúc này, anh Phạm Phú Long vừa bước ra sân, bị địch chặn lại, trói anh ngay trước sân và tra tấn một cách tàn bạo.

Không lấy được lời khai, tên chỉ huy đến trước mặt mẹ Nhu quát hỏi: “Hầm bí mật ở đâu? Khai mau”. Mẹ bình tĩnh trả lời: “Nhà tôi giữa thành phố, làm chi mà có hầm”. Toán lính đánh Mẹ tới tấp. Mẹ vẫn lặng thinh.

Áo mẹ Nhu dùng trong thời điểm bị địch tra khảo và hy sinh ngày 26/12/1968 (Ảnh: Hoài Sơn).

Bà Tám còn nhớ như in tiếng hét của tên chỉ huy quân địch: “Bà già này cứng đầu. Bắn!”, rồi hằm hằm chĩa súng vào ngực mẹ Nhu, bóp cò. Mẹ ôm ngực ngã xuống, ngay bên hầm bí mật. Máu của Mẹ nhuộm đỏ cả tấm áo bạc màu và Mẹ anh dũng hy sinh để bảo vệ cho cuộc chiến đấu ngoan cường của các con mình.

“Tôi và đồng chí Huề, Trung nằm dưới hầm bí mật nghe hết những lời đối đáp của Mẹ với địch. Nghe cả những tiếng “hự” đầy đau đớn, đau xót nhất là loạt đạn kẻ thù hạ sát Mẹ. Trước ảnh Bác Hồ dưới hầm, chúng tôi căm thù và quyết thề sẽ chiến đấu đến cùng chứ không để lọt vào tay địch”, bà Tám nói.

“Vì đất nước tôi”

Đưa tay sờ lên lớp kính, bên dưới là tà áo dính máu của mẹ Nhu, phía trên là hình ảnh 7 chiến sĩ Thanh Khê kiên cường, bà Tám lại rưng rưng nước mắt thổ lộ: “Hình ảnh Mẹ vẫn còn mãi trong đầu của tôi!”.

Nhìn về một phiến gạch lớn kèm chú thích “nắp hầm bí mật”, bà Tám xúc động chia sẻ, khi hạ sát mẹ Nhu, địch cho tìm hầm bí mật. Lúc này, chiến sĩ Huề bất ngờ hất nắp hầm, tung 2 quả lựu đạn, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên lính, địch nhốn nháo, hỗn loạn. Tên chỉ huy ra lệnh ném lựu đạn cay xuống hầm. Các chiến sĩ của ta lập tức lao ra khỏi hầm.

Tượng đài mẹ Nhu được đặt ngay cửa ngõ thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Trong ký ức của bà Tám, khi tiếng súng vang lên giữa làn khói mịt mù, các chiến sĩ ta đã quyết tâm chiến đấu để tìm đường di chuyển sang ngôi nhà bên cạnh và tìm cách liên hệ với tổ nhà mẹ Hiền. Mỗi bước chân đều đối diện hiểm nguy, nhưng không ai lùi bước.

Lúc đó, tại nhà mẹ Hiền cũng diễn ra cuộc chống trả quyết liệt. Nghe tiếng súng mỗi lúc một dồn dập, những tên lính phục đầu con dốc vào nhà mẹ Nhu hối hả chạy đến hỗ trợ.

Đến trưa 26/12/1968, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ác liệt. Đối phương điều thêm quân tăng viện, lực lượng địch lúc này gấp hàng chục lần quân ta. Nhưng hai tổ chiến đấu chỉ với 7 người, dù chưa liên lạc được với nhau, vẫn ngoan cường đánh trả.

Tổ của bà Tám trong lúc di chuyển, chiến sĩ Nguyễn Văn Huề không may bị trúng đạn trọng thương. “Tôi cố gắng dìu đồng đội để chạy thoát. Nhưng anh Huề biết mình bị thương nặng, nên hét lớn bảo tôi đi, đừng vì anh mà hy sinh cả tổ”, bà Tám kể.

Bà Tám rơm rớm nước mắt nhớ lại giây phút anh Huề đưa súng cho bà rồi xin một quả lựu đạn để quyết đổi mạng với địch. Khi địch tiến lại gần, anh Huề tung lựu đạn vào đám lính. Nghe tiếng nổ, đám lính sửng sốt.

Hành động anh Trung cắt tóc cho bà Tám được tái hiện vào năm 2000 (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).

“Đó là khoảnh khắc tôi không thể nào quên, một đồng đội, người anh đã hy sinh. Dù đau đớn, chúng tôi cố nén nỗi đau, quyết tâm tiếp tục chiến đấu”, bà Tám nói.

Sau thời gian dài chiến đấu, bà Tám và anh Trung đã đến được khu vực Ngã ba Huế và gặp được quân đội của ta. Riêng 4 chiến sĩ biệt động ở nhà mẹ Hiền sau này bà Tám nghe kể lại, họ cũng tìm cách thoát vòng vây, rút về cơ sở. Có 2 chiến sĩ bị địch bắt, đưa đi đày cho đến ngày giải phóng.

“Trong hành trình thoát vòng vây của địch, mái tóc dài ngang hông của tôi quá vướng súng, nên đã nhờ đồng đội là anh Trung dùng dao cắt ngắn tóc đi”, bà Tám nói và chỉ về bức ảnh “hành động cắt tóc” của bà và anh Trung được tái hiện vào năm 2000.

Hình ảnh thời trẻ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám (Ảnh: Hoài Sơn).

Sau ngày đất nước được giải phóng, về lại quê hương, bà Tám có nhiều năm công tác tại Sở Xây dựng Quảng Nam – Đà Nẵng và nghỉ hưu sau đó.

Bà Tám nhớ lại, có lần đoàn cựu binh Mỹ đến thăm thành phố Đà Nẵng, trong đó có người lính biết về trận đánh Thanh Khê. Cựu binh này gặp bà Tám để lấy tư liệu và đặt câu hỏi, tại sao 14 tuổi bà lại tham gia cách mạng. Bà Tám liền cương quyết đáp: “Không ai bắt buộc hết, vì đất nước tôi!”.

Nhân dân Đà Nẵng luôn trân trọng, tưởng nhớ sự chiến đấu anh dũng của 7 chiến sĩ Thanh Khê. Năm 1985, Tượng đài mẹ Nhu được xây dựng. Năm 2009, ngôi nhà Mẹ nuôi giấu dũng sĩ Thanh Khê được công nhận Di tích cấp quốc gia.

Ông Phạm Thành Nam, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, cho biết, từ năm 1967, mẹ Nhu đã đào hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động. Căn nhà của Mẹ đã trở thành địa điểm quan trọng trong khu tam giác chiến lược An Khê – Phú Lộc – Thanh Hà Khê của phong trào cách mạng quận Nhì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tại khối phố Thanh Khê (nay là phường Thanh Khê Đông), quân ta bố trí một lực lượng biệt động ở hai cơ sở nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, mẹ Nhu đã che chở, bảo vệ để các chiến sĩ biệt động tổ chức phản công quyết liệt, giành thắng lợi vẻ vang, làm nên sự kiện anh hùng “Chiến công mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê” ngày 26/12/1968.

Hiện nay, với hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại nhà mẹ Nhu, giúp người dân có thể hình dung lại những ngày tháng hào hùng năm ấy của Mẹ cùng các chiến sĩ biệt động.

Đây là niềm tri ân đối với những người con Thanh Khê sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho mảnh đất quê hương, góp phần tô đậm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân thành phố Đà Nẵng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/mat-hieu-cua-me-nhu-va-can-ham-bi-mat-nuoi-chien-si-biet-dong-20250423215119969.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *