Những tháng đầu năm 2025, thời tiết tại Việt Nam liên tục đảo chiều: ban ngày nắng gắt, đêm lại se lạnh, độ ẩm cao kèm nhiệt độ thay đổi thất thường. Đây là điều kiện lý tưởng để virus cúm phát triển và lây lan mạnh.
Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp đơn giản nhưng thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe cả nhà (Ảnh: Shutterstock).
Theo Cục Y tế Dự phòng, chỉ riêng trong tháng 1, cả nước ghi nhận 912 ca mắc cúm. Tại Hà Nội, con số này là 820 ca – tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại các bệnh viện lớn, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng, có ca phải can thiệp ECMO để hỗ trợ hô hấp. Dịch cúm năm nay được đánh giá diễn biến phức tạp hơn khi virus liên tục biến đổi, cộng thêm nền thời tiết thất thường kéo dài.
Cúm nguy hiểm với nhóm dễ tổn thương
Cúm mùa tưởng chừng nhẹ nhưng lại đặc biệt nguy hiểm với các nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Cúm mùa là bệnh lưu hành quanh năm, bất kỳ ai cũng có thể mắc. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh và diễn tiến nặng sẽ cao hơn ở những người có sức đề kháng yếu như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh nền mạn tính. Phụ nữ mang thai là nhóm cần được quan tâm vì trong thai kỳ, hệ miễn dịch suy giảm, làm tăng nguy cơ nhiễm cúm và biến chứng nặng hơn so với người bình thường”.
Phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai là nhóm đối tượng cần được quan tâm, tiêm phòng cúm (Ảnh: Shutterstock).
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi là nhóm có nguy cơ nhập viện và tử vong do cúm cao. Theo CDC Hoa Kỳ, 70 đến 85% ca tử vong liên quan đến cúm mùa là ở người trên 65 tuổi. Với người có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, hen suyễn…, nguy cơ nhập viện do cúm cũng cao so với người khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai dễ gặp biến chứng nếu mắc cúm. Theo nghiên cứu, nhóm này có nguy cơ nhập viện nếu mắc cúm cao hơn 2,4 lần. Sốt cao trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi, hoặc ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi.
Nhận định về tác động của cúm mùa đến phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai, bác sĩ Cấp, chia sẻ: “Nhiễm cúm trong thai kỳ, đặc biệt ở giai đoạn đầu, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi. Nếu người mẹ bị sốt cao trong những tuần đầu thai kỳ, nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi có thể tăng lên. Ở các giai đoạn muộn hơn, cúm có thể làm tăng khả năng sinh non hoặc lây truyền virus sang trẻ trong thời điểm vừa chào đời. Với hệ miễn dịch còn non yếu, trẻ sơ sinh nếu nhiễm cúm dễ gặp phải các biến chứng nặng nề”.
Chị Hứa Khánh Linh (30 tuổi, TPHCM) cho biết, trong lần đầu mang thai, chị sống cùng gia đình nhiều thế hệ, bao gồm bố mẹ lớn tuổi – những người dễ bị ảnh hưởng bởi cúm. “Tôi biết cúm không chỉ gây nguy hiểm với người lớn tuổi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi nếu mẹ bị nhiễm. Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai, tôi đã tiêm phòng cúm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, con và cả bố mẹ mình”, chị nói.
Thời điểm tiêm phòng cúm tốt cho mẹ bầu và thai nhi
Theo bác sĩ Cấp, lý tưởng nhất, phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai để cơ thể có đủ thời gian tạo kháng thể, bảo vệ mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ.
“Tuy nhiên, thai kỳ kéo dài 9 tháng, trong khi hiệu quả bảo vệ của vaccine cúm thường duy trì trong khoảng 6-12 tháng. Nếu chưa kịp tiêm phòng cúm trước khi mang thai, thai phụ vẫn có thể tiêm trong thai kỳ với các loại vaccine đã được chứng minh an toàn cho mẹ và bé.
Việc tiêm phòng cúm trong thai kỳ không chỉ giúp mẹ giảm nguy cơ biến chứng do cúm mà còn gián tiếp tạo miễn dịch thụ động, giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời khi chưa đủ tuổi tiêm vaccine”, bác sĩ Cấp cho biết.
Tiêm phòng cúm cho mẹ bầu giúp bảo vệ cả mẹ và bé (Ảnh: Shutterstock).
CDC Hoa Kỳ ghi nhận rằng tiêm phòng cúm có thể giảm 51% nguy cơ thai lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non và giảm 72% nguy cơ nhập viện do cúm ở trẻ nhũ nhi dưới 6 tháng tuổi.
Tiêm nhắc cúm hằng năm – Chìa khóa bảo vệ sức khỏe lâu dài
Do virus cúm luôn biến đổi, vaccine phòng cúm được cập nhật định kỳ hằng năm để đảm bảo hiệu quả. Các chuyên gia y tế khuyến nghị nên tiêm nhắc lại mỗi năm, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao.
Tiêm phòng, duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn… góp phần ngăn ngừa cúm hiệu quả (Ảnh: Shutterstock).
Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao vừa sức và giữ vệ sinh cá nhân là những biện pháp thiết yếu để tăng cường sức đề kháng, góp phần phòng ngừa cúm hiệu quả.
Bạn có thể truy cập trang điện tử a:care tại www.acare.abbott.vn để tìm hiểu thêm về cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong mùa cúm năm nay.
a:care được phát triển bởi www.vn.abbott – công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu – cung cấp thông tin khoa học về sức khỏe, giúp mỗi cá nhân chủ động quản lý sức khỏe của chính mình để có cuộc sống khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/me-bau-va-ca-nha-dung-chu-quan-truoc-benh-cum-mua-nam-2025-20250428124103490.htm