Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), diễn ra ngày 17/4, tiến sĩ, bác sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của đơn vị đã có bài báo cáo về tầm quan trọng và các bước triển khai phát hiện, điều tra, kiểm soát dịch bệnh trong cơ sở y tế.
Theo báo cáo, sau giai đoạn đại dịch Covid-19 và tình hình hiện nay cho thấy, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi tại các cơ sở y tế ngày càng có nhiều nguy cơ xuất hiện.
Bác sĩ Thắng dẫn chứng 2 vụ việc. Thứ nhất là chùm 13 ca viêm hô hấp ở tại Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian trước đây, ảnh hưởng đến 11 phòng bệnh.
Ngay sau khi phát hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện từng bước biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện bệnh đông, chật hẹp và bệnh lý nặng, tiêm vaccine cúm cho hơn 2.300 nhân viên y tế toàn đơn vị. Nhờ vậy, tình hình được kiểm soát sau 5 ngày phát hiện.
Một khoa điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).
Thứ hai là vụ dịch nhiễm nấm, xảy ra tại khoa Hồi sức sơ sinh của một bệnh viện trên địa bàn TPHCM vào năm 2024.
Tổng cộng có 33/35 trường hợp trong khoa (tỷ lệ hơn 94%) nhiễm nấm Candida (ca đầu tiên cấy ra Candida auris ngày 31/7/2024, các trường hợp sau cấy ra Candida haemulonii). Hầu hết bệnh nhân sinh non và có bệnh nặng. Có 11 bệnh nhân tử vong (tỷ lệ 33%).
Sau khi sự việc xảy ra, khoa Hồi sức sơ sinh phải đóng cửa nhận bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các đơn vị y tế khác đã tiến hành hỗ trợ bệnh viện nêu trên kiểm soát dịch. Sau 36 ngày xử lý, không còn phát sinh ca nhiễm nấm mới.
Theo bác sĩ Thắng, trước thực tế trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành xây dựng hướng dẫn tài liệu về các bước để nhận định, phát hiện các nguy cơ bùng phát dịch, các nguy cơ lây lan tình trạng kháng kháng sinh trong cơ sở y tế.
Hướng dẫn đã chỉ ra cụ thể các bước để tiếp cận một vụ dịch có thể xảy ra trong cơ sở y tế, bao gồm 11 bước.
Thứ nhất, xác minh chẩn đoán khẳng định ổ dịch. Thứ hai, thông báo cho các đối tác quan trọng. Thứ ba, xây dựng một định nghĩa ca bệnh. Thứ tư, xác định các ca bệnh và thu thập thông tin. Thứ năm, kiểm tra các đặc điểm dịch tễ mô tả của các ca bệnh.
Thứ sáu, quan sát xem các hoạt động chăm sóc bệnh nhân. Thứ bảy, đặt ra các giả thuyết. Thứ tám, kiểm định giả thuyết. Thứ chín, lấy và xét nghiệm mẫu môi trường. Thứ mười, thực hiện các biện pháp kiểm soát. Mười một, công bố kết quả.
“Việc nâng cao kiến thức phát hiện, điều tra và kiểm soát dịch bệnh cho nhân viên y tế hiện nay là hết sức cần thiết trong việc kiểm soát kịp thời dịch bệnh và đề kháng kháng sinh”, báo cáo viên nhận định.
Phát biểu khai mạc, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm nay có tổng cộng 446 báo cáo khoa học, tăng gần 150 báo cáo so với Hội nghị năm ngoái.
Hội nghị cũng đón tiếp đông đảo các nhà khoa học, các bạn đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Đài Loan, Campuchia tham dự.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: BV).
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, trong tinh thần thời sự của chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hội nghị cần thể hiện rõ nét hơn sự đổi mới về hình thức và nội dung các báo cáo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nội dung khoa học cũng như cách thức trình bày, để truyền tải hữu hiệu và mang đến những lợi ích thiết thực nhất cho các đại biểu tham dự.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các thầy thuốc, các nhà khoa học trong thời gian tới chú trọng hơn nữa đến những đề tài, công trình nghiên cứu cập nhật những tiến bộ, công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến ở các chuyên khoa; đặc biệt là những kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, điều trị, sự an toàn và hài lòng của người bệnh.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-benh-vien-tung-xay-ra-vu-dich-nhiem-nam-khien-11-nguoi-tu-vong-20250417125719470.htm