“Nàng tiên cá cuối cùng” và lời cảnh tỉnh từ đại dương

“Nàng tiên cá cuối cùng” và lời cảnh tỉnh từ đại dương


Chiều 19/7, tại Hà Nội, cuốn tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng của nữ nhà văn Phần Lan Iida Turpeinen đã chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn học Phần Lan do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cuốn sách “Nàng tiên cá cuối cùng” của nữ nhà văn Phần Lan Iida Turpeinen được giới thiệu tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ văn học Phần Lan (Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng).

 Lấy cảm hứng từ số phận bi thương của bò biển Steller, loài sinh vật hiền lành từng sống ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương và tuyệt chủng chỉ sau chưa đầy 3 thập kỷ từ khi được con người phát hiện năm 1741. Tác phẩm Nàng tiên cá cuối cùng tái dựng một hành trình lịch sử đan xen giữa khoa học, tự nhiên và nỗi đau nhân loại. 

Câu chuyện trải dài từ chuyến hải trình của nhà tự nhiên học Georg Wilhelm Steller đến nỗ lực phục dựng bộ xương hiếm hoi của loài vật này tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Phần Lan vào năm 1952.

Điểm độc đáo của Nàng tiên cá cuối cùng là cách tác giả Iida Turpeinen lồng ghép các kiến thức chuyên sâu về giải phẫu học, địa chất, tiến hóa… vào trong dòng kể văn học. Không chỉ truyền cảm hứng bằng ngôn từ giàu hình ảnh, Turpeinen còn cho thấy một hướng tiếp cận mới mẻ, khi đưa khoa học đến gần với độc giả trẻ bằng một câu chuyện giàu cảm xúc và tính nhân văn.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Keijo Norvanto, và phu nhân Teja Norvanto tại buổi ra mắt cuốn “Nàng tiên cá cuối cùng” (Ảnh: Lê Phương Anh).

 Tại buổi ra mắt, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Keijo Norvanto kỳ vọng cuốn sách sẽ góp phần thúc đẩy đối thoại giữa khoa học và văn học, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng độc giả Việt Nam. 

Phu nhân Đại sứ Phần Lan, bà Teja Norvanto chia sẻ rằng, bà đặc biệt yêu thích cách tác giả sử dụng trí tưởng tượng để lấp đầy những khoảng trống dữ liệu lịch sử, từ đó tạo nên một thế giới hư cấu nhưng chân thực đến kỳ lạ. 

“Tôi cảm thấy như mình được cùng tác giả du hành qua những chuyến thám hiểm, được sống lại tinh thần phiêu lưu, và hơn hết là cảm nhận được sự kỳ diệu của tự nhiên”, bà Teja Norvanto nói.

Sự kiện cũng có sự tham gia giao lưu trực tuyến của PGS.TS Nguyễn Thành Nam, nhà văn Di Li, và dịch giả Bùi Việt Hoa, Võ Xuân Quế – những người đã góp phần đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng Việt.

Tại sự kiện, nhà văn Di Li chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động trước hành trình của nhà khoa học Georg Wilhelm Steller. Cách tác giả kể lại lịch sử qua lăng kính nhân văn và cảm xúc khiến tôi khâm phục. Chị đã đưa kiến thức khoa học vào tác phẩm một cách mềm mại, đầy cuốn hút”.

Dịch giả Võ Xuân Quế, người trực tiếp chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Phần Lan sang tiếng Việt cũng nhấn mạnh đây là một trường hợp đặc biệt, khi một luận án tiến sĩ lại có thể trở thành một tiểu thuyết thành công.

“Sự dung hòa giữa văn chương và khoa học trong một cuốn sách là điều hiếm gặp, thể hiện tài năng vượt trội và tư duy sáng tạo của tác giả”, ông nói. 

Ông Võ Xuân Quế cho biết, mình đã viết thư đề xuất dịch sách từ tháng 5/2024, và chỉ trong vòng một năm sau, tác phẩm đã đến tay bạn đọc. Với ông Võ Xuân Quế, cuốn sách không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn mà còn là hành trình lịch sử và nhân văn sâu sắc.

Dịch giả Bùi Việt Hoa, người đầu tiên phát hiện tiềm năng của cuốn sách tại Việt Nam bày tỏ sự ngỡ ngàng khi đọc một tác phẩm tưởng chừng khô khan nhưng lại cuốn hút đến lạ kỳ. 

“Tác phẩm giúp tôi hiểu rằng khoa học và văn học không tách rời, mà có thể nâng đỡ nhau, truyền cảm hứng cho độc giả khám phá thế giới”, dịch giả Bùi Việt Hoa nói.

PGS.TS Nguyễn Thành Nam (bên trái) và nhà văn Di Li chia sẻ cảm nhận về tác phẩm “Nàng tiên cá cuối cùng” trong buổi giao lưu ra mắt sách (Ảnh: Lê Phương Anh).

Tại lễ ra mắt sách, PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Sinh học, Giám đốc Bảo tàng Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực bảo tồn mẫu vật quý trong các bảo tàng tự nhiên, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học hàng đầu thế giới, nhưng vẫn còn thiếu sự quan tâm đầy đủ đến bảo tàng sinh học. 

Với cuốn tiểu thuyết đầu tay Nàng tiên cá cuối cùng, Iida Turpeinen đã giành giải thưởng văn học Helsingin Sanomat cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. 

Đồng thời, tác phẩm cũng lọt vào đề cử của 2 giải thưởng văn học danh giá là Finlandia – giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan và Torch-Bearer – giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới

Tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia, trong đó có Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hungary, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ…



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/nang-tien-ca-cuoi-cung-va-loi-canh-tinh-tu-dai-duong-20250720012820978.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *