Nghẹn đắng vì cốc sữa đầu tiên sau ca mổ tim của mẹ là sữa giả

Nghẹn đắng vì cốc sữa đầu tiên sau ca mổ tim của mẹ là sữa giả


Thương mẹ, day dứt vì tặng sữa cho người đồng hương

Mấy ngày nay, khi vụ 573 sản phẩm sữa giả được phát hiện, thông tin ngập trên các mặt báo, chị L.T. (Hà Tĩnh) bàng hoàng khi trong danh sách có sản phẩm nhìn rất quen, mà mẹ chị từng uống sau khi mổ tim tại một bệnh viện ở Hà Nội.

Chị lục lại trong album ảnh, đúng loại sữa có logo, chữ đỏ đậm nổi bật Nitrogen mẹ chị đã uống sau ca đại phẫu mổ tim. “Một cảm giác đắng nghẹn, tức hết lồng ngực, vì cốc sữa đầu tiên sau ca mổ tim của mẹ là sữa giả”, chị T. chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Chị T. cho biết, mẹ chị mổ tim vào tháng 6/2024. Sau ca mổ, mẹ nằm ở phòng vô trùng, hạn chế người nhà vào. Nhân viên y tế tại đây nói trong thời gian theo dõi hậu phẫu, người nhà cần mua bỉm, sữa, giấy, cốc… nếu không kịp chuẩn bị, họ đã chuẩn bị combo trọn gói, chỉ cần đóng tiền.

“Mình đồng ý ngay vì mẹ vừa mổ xong, trong lòng con cái còn rối bời vì lo lắng. Và lúc đó, mình không hề có ý niệm gì về sữa giả”, chị T. nói.

Hình ảnh hộp sữa chị T. chụp lại khi mẹ đang nằm viện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi mẹ được chuyển về phòng bệnh, thấy hộp sữa ghi “cho người suy thận, người tiểu đường”, chị T. còn thoáng nghĩ trong đầu, mẹ không bị tiểu đường sao họ lại bán loại sữa này. Chị còn chụp lại thành phần để đi hỏi.

“May mà mở hộp sữa lúc đấy gần như còn nguyên, mẹ bảo trong phòng vô trùng, họ pha giúp mẹ 2-3 ly sữa. Khi ra phòng ngoài, thấy sữa lạ, chồng chị bảo ngừng cho mẹ uống”.

Đắng nghẹn vì cốc sữa đầu tiên mẹ uống sau ca đại phẫu là sữa giả. Nhưng điều khiến chị T. day dứt hơn là việc chị tặng lại hộp sữa cho bệnh nhân người đồng hương cùng phòng, khi mẹ con chị ra viện. Sau đó nghe nói, cô không qua khỏi sau cuộc mổ.

“Mình không hề biết hộp sữa đó là giả, đó là chia sẻ tình cảm của người bệnh với nhau.  Nhưng giờ biết, mình không thoát khỏi cảm giác day dứt…”, chị T. nói.

Một trường hợp khác, người mẹ trẻ ở Hà Nội, vừa sinh con hôm 15/3 tại một bệnh viện ở thủ đô, đã uống trọn hộp sữa Nitrogen sau sinh em bé, để mong “sữa về” và khỏe mạnh chăm con.

“Tôi vừa sinh con xong, uống hết hộp sữa mới bàng hoàng biết là sữa giả. Sinh mổ không có sữa cho con ti nên cố uống để có sữa mà ngờ đâu…”, chị T.P. (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị P. nói “rất lo lắng, không biết có làm sao không” khi phát hiện hộp sữa mình uống là sữa giả.

Hộp sữa chị P. đã uống “sạch sành sanh” sau khi sinh con, để mong có sữa về cho con bú (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Chồng mình kể lại, khi mình vào phòng mổ thì có nhân viên y tế bảo đi mua sữa về cho vợ mổ xong thì uống. Hộp sữa có giá 400.000 đồng. Sau đẻ, mình chẳng biết gì cứ uống tì tì.

Chị P. cho biết, một sản phụ cùng phòng cũng mua loại sữa này, nhưng không uống, bắt chồng đi đổi nhưng người ta không cho dù hộp còn nguyên. Còn mình vẫn không nghi ngờ gì, tiếp tục uống hết”, chị P. kể.

Theo sản phụ này, khi uống sữa chị không có vị gì đặc biệt, chỉ có cảm giác không béo như sữa thường.

573 nhãn sữa giả bị phanh phui và nghi vấn sữa giả xâm nhập bệnh viện

Ngày 12/4, cộng đồng rúng động khi truyền thông đưa tin, 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai, bị Bộ Công an phát hiện có chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.

Các sản phẩm sữa giả được phát hiện (Ảnh: VTV).

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai… đã được 2 công ty trên sản xuất, bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó…

Hàng nghìn người đã uống những sản phẩm sữa giả này, và từng đó nỗi lo, sự day dứt, khi mua cho người thân sản phẩm dinh dưỡng để bồi bổ khi đau ốm, nhưng lại là sữa giả.

“Người khỏe mạnh đã đành, đây họ nhắm vào những người đang gặp vấn đề về sức khỏe, đau ốm, rồi trẻ em. Quá thất đức”, chị L. bức xúc nói.

Biên tập viên Thu Hà VTV cũng chia sẻ sự bàng hoàng, đau lòng, 4 tháng sau ca phẫu thuật não đầy cam go của chồng, chị phát hiện, những cốc sữa dinh dưỡng đầu tiên cho chồng tại bệnh viện lại là sữa giả.

“Thời điểm anh vừa tỉnh lại sau ca mổ, theo lời khuyên của mọi người, tôi đã nghĩ đến việc bổ sung dinh dưỡng cho anh bằng sữa.

Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ làm sao để anh nhanh chóng hồi phục, nên đã vội vàng mua một loại sữa có sẵn ở cửa hàng gần bệnh viện.

Thật lòng mà nói, trong hoàn cảnh rối bời ấy, tôi đã không đủ tỉnh táo để kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc hay thương hiệu của sản phẩm. Chỉ đơn giản nghĩ rằng, ở những nơi gần bệnh viện lớn như thế này, các sản phẩm dành cho người bệnh chắc hẳn phải đảm bảo chất lượng”, BTV Thu Hà nhớ lại.

Chiều 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát đi thông báo khiến dư luận xôn xao, khi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus của một công ty sản xuất sữa giả được lưu hành trong bệnh viện.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngay sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả và cảnh báo có nhiều sản phẩm cho người bệnh, bệnh viện đã rà soát.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sản phẩm sữa này vào được bệnh viện là qua đấu thầu theo đúng quy định. Nếu được phát hiện là giả, Bệnh viện và người dùng đều là nạn nhân (Ảnh: Minh Nhật).

Qua rà soát, bệnh viện phát hiện có loại sữa Hofumil Gold Plus thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty trên sản xuất.

Dù chưa có thông tin của cơ quan chức năng về sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus là sữa giả hay không, nhưng từ ngày 12/4, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa này và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng.

“Bệnh viện sẽ đồng hành cùng người bệnh, yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh. Đồng thời, bệnh viện cũng liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa này, khuyến cáo dừng sử dụng”, lãnh đạo bệnh viện cho biết.

“Sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được sử dụng trong Bệnh viện đã trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus nếu được cơ quan chức năng kết luận là sản phẩm giả, thì Bệnh viện và người bệnh là bên bị hại của vụ việc này”, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói.

Chia sẻ về tình trạng sữa giả có thể len lỏi vào bệnh viện và nhân viên y tế có thể tư vấn cho người bệnh dùng sữa, giám đốc một bệnh viện trung ương ở Hà Nội cho rằng, đây là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

“Nhân viên y tế cũng như người bệnh, không ai có năng lực để phát hiện sữa giả, hay thuốc giả, mà đó là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Còn chuyện nhân viên y tế tư vấn sữa, nếu nó là một sản phẩm dinh dưỡng tốt, thì với người bệnh, nó có giá trị nhất định. Việc tư vấn này thành “lớn chuyện”, khi sản phẩm này sau đó được xác định làm giả”, vị lãnh đạo này nói.

Ông cũng khẳng định tại bệnh viện nơi ông làm việc, hiện không có sữa hay TPCN bán tại hệ thống nhà thuốc bệnh viện.

Gần 600 sản phẩm giả là doanh nghiệp “tự công bố” tại địa phương

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 100% mẫu sữa giả vừa được phát hiện được doanh nghiệp công bố tại Chi cục An toàn thực phẩm các địa phương. Có khoảng 10% trong 573 nhãn hiệu sữa giả được công bố chất lượng tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, còn lại công bố ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc và địa phương khác.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết: “Từ năm 2021 đến 2023, đơn vị đã tiếp nhận tổng cộng 71 hồ sơ đăng ký tự công bố sản phẩm từ hai công ty Rance Pharma và Hacofood. Trong đó, 67 hồ sơ của Rance Pharma và 4 hồ sơ của Hacofood”.

Theo ông Trung, trong số 71 hồ sơ này chủ yếu là các sản phẩm dinh dưỡng và không có hồ sơ nào là sản phẩm dành cho người tiểu đường, người suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.

Theo ông Trung, quy định của Nghị định 15, cơ sở chỉ phải nộp phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Nghị định không yêu cầu các phiếu kiểm nghiệm về chỉ tiêu chất lượng. Điều này cũng dẫn đến thực trạng doanh nghiệp không làm kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng sản phẩm khi nộp hồ sơ, do không bắt buộc.

Vì thế, đơn vị cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các phiếu kiểm nghiệm này, bởi không có trong quy định.

Về công tác hậu kiểm, căn cứ theo hướng dẫn ở Nghị định 15, quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Kiểm nghiệm những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, cụ thể là các chỉ tiêu an toàn.

Năm 2023, chi cục đã tiến hành kiểm tra các sản phẩm của 2 công ty liên quan đến vụ việc sản xuất sữa giả. Trong đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu ngẫu nhiên theo xác suất các sản phẩm ở trong kho: 4 mẫu của Rance Pharma và một mẫu của Hacofood.

Trong lần kiểm tra này, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu đều đạt các chỉ tiêu an toàn.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc trao quyền công bố sản phẩm cho doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính.

Tối 17/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành công văn, đề nghị các đơn vị liên quan, thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của Đơn vị đã nghỉ công tác) về quy định bác sĩ, nhân viên y tế không được quảng cáo thực phẩm.

Theo quy định, không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Như vậy, việc nhân viên y tế (kể cả người đã về hưu) nếu quảng cáo thực phẩm là vi phạm quy định của pháp luật.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thông báo đến nhân viên điều trên, đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện, giao Bộ Công an nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ điều tra và sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử.

Với Bộ Y tế, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán thuốc giả, bởi thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Thủ tướng yêu cầu thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng sản phẩm này.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nghen-dang-vi-coc-sua-dau-tien-sau-ca-mo-tim-cua-me-la-sua-gia-20250417210257947.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *