Chiều cuối tuần, ông Võ Văn Gần (52 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa) đứng trước con hẻm nhỏ trên đường số 8, lặng lẽ dõi mắt về phía khu đất từng là nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Nơi ấy giờ đã được giải tỏa, máy móc rầm rập thi công nền móng cho Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa.
Cả khu dân cư phía sau Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa như thay áo mới. Âm thanh xình xịch từ những chiếc xe cơ giới vang suốt từ sáng đến chiều. Mảnh đất từng chật kín mồ mả, kéo dài dọc theo đường Hương lộ 3 và Tân Kỳ Tân Quý, nay đang dần nhường chỗ cho trường học và công viên.
“Thay da, đổi thịt”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Văn Gần kể, ông là người gốc Thừa Thiên – Huế, vào TPHCM lập nghiệp từ năm 1999, mang theo hy vọng đổi đời. Thời điểm đó, ông và vợ làm nghề may, thuê trọ chật hẹp. Gom góp vài năm, ông vẫn không đủ kinh phí mua nhà mặt tiền, nên đành mua một căn nhà tạm, nép mình sát nghĩa trang Bình Hưng Hòa, với giá chỉ vài cây vàng.
“Ngày đó, nghĩa trang có hàng nghìn ngôi mộ. Mỗi ngày đều có người đưa thân nhân đến mai táng. Các lối đi là đường đất đỏ, cây cối um tùm. Mùa nắng bụi bay mù mịt, mùa mưa nước ngập cả nhà”, ông Gần nhớ lại.
Ông Võ Văn Gần và công trình xây dựng Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa “mọc” lên trên mảnh đất từng là nghĩa trang Bình Hưng Hòa với hàng nghìn ngôi mộ (Ảnh: An Huy – Nam Anh).
Theo ông Gần, có hôm mưa dài, đường nhão nhẹt, sáng nào công nhân cũng có người té ngã khi chạy xe máy đi làm. Hồi mới về ở, ông phải tự kéo dây điện hơn 1km về nhà, tự khoan giếng lấy nước dùng. Nước bị nhiễm phèn nặng nhưng vẫn phải dùng vì chưa có nước máy.
Những năm 2000, khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa từng là điểm nóng của tệ nạn xã hội. Ma túy, mại dâm diễn ra công khai. “Con nghiện” tụ tập về đây mua bán, hút chích, ẩn mình trong khu nghĩa trang rậm rạp để trốn tránh lực lượng chức năng.
“Ngày ấy, chúng tôi sống ở đây khổ lắm. Nghĩa trang thì u ám, lại còn đủ loại tệ nạn, ai cũng ngán”, ông Gần lắc đầu.
Nhưng rồi, thời gian trôi qua, vùng đất từng là nơi yên nghỉ suốt hơn nửa thế kỷ của người mất bắt đầu hồi sinh. Trường học, công viên đang được xây lên phục vụ cuộc sống người dân.
“Giờ nhìn quanh, thấy thay đổi như vậy, tôi mừng lắm. Mong sắp tới, khi Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa hoàn thành, tụi nhỏ trong khu phố được học gần nhà, chỉ cách vài bước chân”, ông Gần chia sẻ.
Khu mộ còn lại ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa dự kiến được di dời trong thời gian tới (Ảnh: An Huy).
Cách đó không xa là gia đình ông Phạm Trung (45 tuổi), cũng sống gần nghĩa trang hơn 20 năm. Ông nói chưa bao giờ thấy khu này yên bình như vài năm trở lại đây. “Tệ nạn xã hội giờ giảm nhiều lắm. Không còn cảnh hút chích, mua bán ma túy như trước. Giờ dựng xe trước nhà cũng yên tâm, không sợ mất cắp như xưa”, ông Trung kể.
Mỗi lần bước ra khỏi nhà, ông Trung không còn thấy cảnh mồ mả chen chúc, u ám. Thay vào đó là công trình trường học đang thi công khẩn trương. Dẫu vậy, ông vẫn canh cánh trong lòng một mong muốn khi Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa vẫn còn đó. “Hy vọng khi trường học hoàn thành, trung tâm này cũng sớm được di dời”, ông nói.
Những người cuối cùng giữa nghĩa trang
Đến nay, gần 38.000 ngôi mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã được cơ quan chức năng di dời. Hiện còn khoảng 15.000 ngôi mộ thuộc giai đoạn 3 đang tiếp tục chờ giải tỏa, chủ yếu tập trung quanh khu vực chùa Di Lặc và chùa Giác Hải, đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa.
Len lỏi giữa những khu mộ chưa bốc vẫn còn vài hộ dân bám trụ. Họ đã sống trong nghĩa trang suốt hàng chục năm qua, chờ từng bước giải tỏa, tìm nơi ở mới.
Một chiều tháng 7, dưới cơn mưa rả rích, anh Hương (41 tuổi) ngồi uống nước trước căn nhà tạm bợ, dựng lên giữa hàng nghìn ngôi mộ. Vừa dọn cỏ, quét rác cho 4 ngôi mộ theo lời nhờ của một người từ xa, anh Hương vừa kể về cuộc sống gắn bó với nơi này.
Anh Hương sống vùng vợ, con và gia đình suốt mấy chục năm qua giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Ảnh: An Huy).
Trông coi, dọn dẹp mộ để nhận thù lao là công việc chính nuôi sống gia đình anh Hương suốt bao năm qua. Vợ anh bán vé số, thu nhập bấp bênh. Từ nhỏ, anh đã theo cha mẹ vào sống trong khu nghĩa trang. Sau này, ông bà, cha mẹ anh cũng yên nghỉ tại đây. Anh Hương lập gia đình, sinh con, rồi tiếp tục sống trong không gian đặc biệt này.
“Tôi lớn lên từ giữa nghĩa trang, quen rồi nên không thấy sợ. Tôi nghe thành phố sắp giải tỏa hết. Lúc đó, tôi tính tìm chỗ trọ gần đây để ổn định lại, lo cho con ăn học”, anh Hương vừa nói vừa chỉ tay về 4 ngôi mộ của ông bà nằm sát căn nhà.
Không chỉ có người sinh sống, trong khuôn viên nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn có những người làm ăn, gắn bó hàng chục năm. Ông Tâm (52 tuổi) làm nghề sản xuất bao bì tại xưởng nhỏ thuê trong khu nghĩa trang gần 20 năm. Đó là nguồn thu chính nuôi sống gia đình ông.
Khi nhận được thông báo khu vực này sắp giải tỏa để xây dựng trường học, ông Tâm đã chủ động tìm nơi khác để dời xưởng. Dù sắp rời đi, ông vẫn bày tỏ niềm vui: “Gắn bó với khu nghĩa trang lâu năm, tôi thấy rõ sự thay đổi. Ngày trước phức tạp lắm, giờ an ninh trật tự đảm bảo rồi. Tôi mong chờ một diện mạo mới cho vùng đất này”.
Ông Tâm là một trong những người gắn bó lâu năm tại nghĩa trang. Khu vực nghĩa trang còn được người dân tận dụng làm nơi nuôi bò (Ảnh: Hoàng Hướng – An Huy).
Cũng sống lặng lẽ giữa khu nghĩa trang suốt hơn 10 năm là bà Nguyễn Thị Hạnh (65 tuổi, quê gốc Đồng Tháp). Bà cùng chồng lên TPHCM mưu sinh từ những năm 2015, làm nghề lượm ve chai, rồi dựng tạm căn chòi giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa làm chốn nương thân.
Khi chồng mất, bà Hạnh một mình bươn chải, bám trụ lại khu nghĩa trang để sống qua ngày. Bà kể, những ngày đầu sống tại đây, đêm xuống là sợ hãi, nhiều lúc muốn bỏ đi nhưng không có nơi nào khác để ở.
Công việc hàng ngày của bà là lượm ve chai quanh các con hẻm, hoặc đi xin quét dọn cỏ rác trong nghĩa trang để kiếm thêm đồng ra đồng vô. Thi thoảng, có người thân ở xa gửi tiền nhờ thắp nhang, quét mộ người nhà, bà cũng nhận làm để có thêm thu nhập.
“Thành phố sắp giải tỏa toàn bộ nghĩa trang, chắc tôi cũng sẽ tìm một căn trọ nào đó để tiếp tục sống”, bà Hạnh nói khi biết thành phố sắp giải tỏa nơi này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cán bộ Công an phường Bình Hưng Hòa cho biết, mỗi ngày, lực lượng chức năng phường chia thành 5 tổ tuần tra thường xuyên khu vực nghĩa trang vào các khung giờ sáng, chiều, tối. Các tuyến đường xung quanh nghĩa trang nay yên bình như đường làng. Những điểm nóng về tệ nạn xã hội một thời đã không còn.
“Hiện vẫn còn một số hộ dân dựng nhà tạm sống trong nghĩa trang. Trong thời gian tới, khi thành phố tiếp tục bốc mộ, các hộ dân này sẽ rời đi, tìm nơi ở mới. Khu vực này sẽ được thay đổi hoàn toàn, hàng nghìn mồ mã sẽ nhường vị trí cho trường học, công viên”, vị cán bộ công an cho biết.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích 40,7ha, quy tụ khoảng 53.000 ngôi mộ, là nghĩa trang lớn nhất TPHCM. Nơi đây đang được khẩn trương hoàn tất di dời giai đoạn 3, để phục vụ quy hoạch xây dựng công trình công ích và mảng xanh trong năm 2025.
Theo Ban Bồi thường, Giải phóng mặt bằng quận Bình Tân (cũ), công tác bốc mộ giai đoạn 1 và 2 đã diễn ra thuận lợi, đến nay đạt hơn 99%, với 31.468 ngôi mộ đã được di dời.
Giai đoạn 3 hiện đã bốc được 6.000/21.569 ngôi mộ, đạt hơn 27,5%. Khoảng 15.600 ngôi mộ còn lại sẽ tiếp tục được di dời trong thời gian tới, khi thành phố đẩy mạnh tiến độ giải tỏa và lập lại quy hoạch đô thị cho toàn khu vực.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghia-trang-lon-nhat-tphcm-chuyen-minh-tu-noi-yen-nghi-den-hoi-sinh-20250709130205481.htm