Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”.
Ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “độc lập – thống nhất – hòa bình và phát triển” cho dân tộc Việt Nam.
Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới, theo ông Sơn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo (Ảnh: CTV).
Phó Thủ tướng cho biết trong hành trình ấy, ngoại giao đã đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
“Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và nêu cao tư tưởng hòa hiếu, khoan dung và nhân văn sâu sắc”, ông Sơn nói.
Phó Thủ tướng nhắc lại mặt trận ngoại giao đã tranh thủ được sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Theo ông Sơn, với tinh thần hòa hiếu và nhân văn sâu sắc, dù trong chiến tranh, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hòa giải, hàn gắn với các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam.
Kế thừa tư tưởng ngoại giao “hòa hiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Sơn cho biết Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước tham chiến, kể cả Mỹ, sẵn sàng “trải thảm đỏ” cho Mỹ rút quân. Đồng thời, tích cực thúc đẩy thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước tư bản phát triển, trong đó có Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia, Canada, Bỉ, Hà Lan, Australia…
Trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ông Sơn nhấn mạnh ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thế và lực mới của đất nước cho phép Việt Nam có cách tiếp cận mới như được thể hiện trong Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Theo ông Sơn, từ vị thế của một quốc gia tiếp nhận sang quốc gia đóng góp, từ một quốc gia đi sau sang một quốc gia vươn lên, có khả năng và điều kiện tham gia sâu hơn, trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Bên cạnh đó, từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới, theo Phó Thủ tướng.
“Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua với niềm tự hào sâu sắc, đồng thời chung tay cùng hướng tới tương lai”, ông Sơn nói.
Với tinh thần trách nhiệm, đổi mới và hội nhập, ông Sơn khẳng định ngoại giao Việt Nam với 80 năm truyền thống vẻ vang, sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong việc kết nối Việt Nam với thế giới và trong nỗ lực chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển của nhân loại.
Ngoại giao có thể mở ra những cánh cửa phát triển vô hạn
Tại hội nghị, bà Latana Siharaj, đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, đánh giá cao vai trò tiên phong và linh hoạt của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến.
Trong đó, bà Latana Siharaj nhấn mạnh Việt Nam đã góp phần quan trọng trong giải quyết xung đột và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, đặc biệt là về biên giới lãnh thổ sau chiến tranh.
Đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh chung (Ảnh: CTV).
Theo bà Latana Siharaj, ngoại giao Việt Nam cũng là cánh tay nối dài phá vỡ thế cô lập, mở rộng quan hệ đối ngoại, vận dụng linh hoạt đối ngoại nhân dân, đối thoại song phương và đa phương, tạo dựng lòng tin và thiện cảm từ bạn bè quốc tế.
Dẫn chứng từ việc bình thường mối quan hệ với Mỹ, tham gia ASEAN, WTO, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, bà Latana Siharaj cho rằng Việt Nam đã chứng minh rằng ngoại giao có thể mở ra những cánh cửa phát triển vô hạn.
Đến từ nước Mỹ, nhà văn Lady Borton cho rằng chiến thắng 30/4/1975 không chỉ đến từ sức mạnh vũ trang, mà còn là kết quả của một chiến lược ngoại giao khôn ngoan, chủ động và mang tính nhân văn sâu sắc.
Theo bà Lady Borton, ngoại giao Việt Nam không chỉ vận động chính giới mà còn kể một câu chuyện – câu chuyện về một dân tộc khát vọng hòa bình và tự chủ.
Bà Lady Borton dẫn lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời 21 câu hỏi của nhà báo Mỹ Arthur B. Steele bằng tiếng Anh vào năm 1949 – một động thái được xem là chiến lược truyền thông đối ngoại sớm, giúp thế giới hiểu đúng về bản chất cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Theo bà Borton, ngoại giao Việt Nam thời kỳ đầu không chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại đơn thuần mà đã tiên phong trong việc kiến tạo hình ảnh quốc gia.
“Việt Nam đã định hình mình là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đấu tranh cho độc lập dân tộc chứ không đơn thuần là một điểm nóng của chiến tranh lạnh như một số tuyên truyền phương Tây từng mô tả”, bà Lady Borton nêu rõ.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ngoai-giao-phat-huy-vai-tro-tien-phong-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-20250423180943875.htm