Chiều 23/7, chị Xồng Y Nênh, trú tại xã Nhôn Mai (thuộc huyện Kỳ Sơn cũ), tỉnh Nghệ An bế con đi dọc quốc lộ 16. Chị dừng chân bên đống đất lớn đổ sạt xuống đường, chắn hết lối đi với tâm trạng rối bời.
“Không còn đường về nhà nữa rồi. Cả bản mất điện, mất sóng điện thoại. Hôm qua nhận được tin có lũ quét, tôi gọi về nhà nhưng không liên lạc được. Giờ chưa biết tình hình thế nào, vợ chồng tôi lo lắm”, chị Nênh nói.
Chị Nênh và con trai đang bị mắc kẹt, cách nhà gần 20km do đường sạt lở, không thể di chuyển (Ảnh: Thanh Tùng).
Trước đó một ngày, vợ chồng chị Nênh và cậu con trai đến thăm người thân ở bản Thăm Thẩm (xã Nhôn Mai), cách nhà hơn 20km. Họ dự định chiều tối sẽ quay về nhà. Tuy nhiên, chiều 22/7, trên địa bàn có mưa to, đường sạt lở, chị Nênh không thể trở về nhà.
“Nghe nói nhà cửa ở bản Nhôn Mai (xã Nhôn Mai) bị ngập, hư hỏng hết rồi. Gia đình tôi còn có 8 người thân đang ở trong bản. Chúng tôi rất nóng ruột nhưng không biết làm thế nào”, chị Nênh lo lắng.
Theo chị Nênh, do quãng đường còn quá xa, giao thông lại chia cắt nên hai hôm nay chị đang nghe ngóng tin tức từ báo, đài để biết thông tin.
Quốc lộ 16 hướng từ xã Tri Lễ vào Nhôn Mai bị sạt lở (Ảnh: Dương Nguyên).
“Giờ chưa về được, vợ chồng tôi đành tá túc lại người thân để chờ khi đường thông, trở về gia đình”, chị Nênh nói với tâm trạng đầy rối bời.
Trong khi đó, tuyến quốc lộ 7 – một trong những con đường chính để lên xã Nhôn Mai cũng đang ngập sâu nhiều đoạn qua xã Con Cuông (huyện Con Cuông cũ); khu vực xã Tam Quang (huyện Tương Dương cũ); đoạn qua địa bàn thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cũ, nay là xã Mường Xén.
Quốc lộ 7 nước đang dâng cao ở khu vực em Vực Bồng, xã Con Cuông (Ảnh: Nguyễn Phê).
Chiều 23/7, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, cho biết một ngày sau trận lũ quét, sạt lở trưa 22/7, địa bàn xã đang bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
“Tuyến quốc lộ 16 nối trung tâm xã với các xã khác bị sạt lở nghiêm trọng, với gần 20 điểm sạt lở. Các bản bị chia cắt, không thể tiếp cận được. Toàn địa bàn bị mất điện diện rộng, sóng điện thoại chập chờn, việc duy trì liên lạc khó khăn.
Các bản thuộc xã Nhôn Mai đang bị chia cắt, cô lập, người dân di chuyển khó khăn, nguy hiểm khi đường tiếp tục sạt lở (Ảnh: Dương Nguyên).
Thống kê sơ bộ, có 1 người tử vong và 20 hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà cửa hoàn toàn, số lượng nhà dân bị hư hại do mưa lũ rất nhiều…”, ông Thái chia sẻ.
Lũ quét đã cuốn trôi cầu độc đạo, nối bản Nhôn Mai với trung tâm xã. Trụ sở UBND xã cũng bị ngập sâu trên 1m trong cơn lũ chiều qua, nhiều tài sản của chính quyền và người dân bị thiệt hại.
Theo ông Lê Hồng Thái, nhờ chủ động, triển khai sớm việc ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra, trên địa bàn đã giảm thiểu được thiệt hại về con người.
Vị trí xã Nhôn Mai (Ảnh: Google Maps).
Chiều 21/7, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, chính quyền xã phối hợp công an, biên phòng, quân sự địa phương tổ chức di dời 19 hộ dân, 65 khẩu tại bản Xói Voi – nơi có nguy cơ sạt lở núi cao – đến nơi an toàn.
Một ngày sau, có 8 hộ dân tại bản này chủ động di dời đến khu lán tạm được chính quyền dựng tại nhà cộng đồng bản để tránh sạt lở.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-nhon-mai-sau-lu-quet-sat-lo-khong-con-duong-ve-nha-nua-roi-20250723183126863.htm