Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phát hiện 38 ca bệnh mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong.
Trước tình hình bệnh liên cầu lợn gia tăng mạnh, UBND thành phố Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Một quán cháo lòng, hàm nổi tiếng tại Huế, bình thường rất đông khách nay phải tạm đóng cửa (Ảnh: Minh Hồ).
Cơ quan chức năng thành phố Huế đã tăng cường giám sát tại cơ sở y tế, cộng đồng, các sự kiện,… để phát hiện sớm ca nghi nhiễm liên cầu lợn; đồng thời điều tra dịch tễ, xác minh và xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện ca bệnh.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế, khẳng định dịch bệnh trên đàn lợn tại địa bàn thành phố đang được kiểm soát tốt.
Một số ổ dịch tả lợn, dịch tai xanh nhỏ lẻ phát sinh tại Huế được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để, không để lây lan diện rộng.
Theo ông Đức, kết quả lấy mẫu dịch tễ tại khu vực sinh sống của các bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn gần đây không phát hiện con vật mang mầm bệnh, thậm chí nhiều gia đình không chăn nuôi loại gia súc này.
Ông Đức khẳng định, nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý trên địa bàn thành phố Huế. Người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y, nhưng cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, chế biến kỹ.
Sức tiêu thụ thịt lợn tại các chợ lớn ở Huế giảm mạnh những ngày qua (Ảnh: Gia Hoàng).
Tuy nhiên, nhiều người dân tại thành phố Huế vẫn có tâm lý lo ngại, tạm thời “kiêng” các món ăn được chế biến từ thịt lợn.
Các món ăn quen thuộc như bún giò, thịt kho, thịt luộc, thịt bóp,… tạm “vắng bóng” trong những bữa ăn của nhiều người Huế.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều quán phục vụ ăn sáng tại Huế như cháo lòng, hàm, bún giò,… rơi vào cảnh ế khách, phải tạm thời đóng cửa hoặc đổi món.
Bà N.T.C. (60 tuổi), bán bún bò, giò heo tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế cho biết đã kinh doanh món ẩm thực này hơn 20 năm, nhưng đây là lần đầu ghi nhận tình trạng ế ẩm như vậy. Những ngày qua, quán bún của bà C. chỉ bán được 5-6 tô, đành phải đóng cửa tạm nghỉ.
Chủ một quán cơm bình dân tại đường Hoàng Lanh, thành phố Huế cho biết trước đây thường chế biến nhiều món như thịt luộc, tai bóp, sườn nướng, thịt kho,… để phục vụ thực khách, nhưng giờ chủ yếu còn các món từ tôm, cá, mực, gà, vịt.
Nhiều tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn ở Huế tạm thời chuyển mặt hàng để tồn tại (Ảnh: Gia Hoàng).
Khi người dân có tâm lý ít sử dụng thịt lợn, nhiều tiểu thương ở các chợ lớn như An Cựu, Đông Ba, Bến Ngự, Trường An, chợ Cống,… cũng phải tạm thời nghỉ bán hoặc chuyển đổi mặt hàng.
Bà L.T.K.P. (40 tuổi, tiểu thương chợ Cống, phường Vỹ Dạ) cho biết sạp thịt của bà kinh doanh khá ổn, mỗi ngày lãi 400.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, sức tiêu thụ những ngày qua giảm mạnh, người dân chuyển sang dùng các loại thịt thay thế như gà, vịt, bò và thủy, hải sản. Hiện bà C. phải nhập thịt bò về bán để có nguồn thu nhập.
Tiểu thương L.T.D. (chợ Hai Bà Trưng) khẳng định lấy thịt từ lò mổ đã được cơ quan thú y kiểm dịch để kinh doanh nhưng vẫn ế hàng, phải đem về bỏ tủ lạnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Huế, lợn đầu vào tại các cơ sở giết mổ luôn được kiểm tra chặt chẽ. Hàng từ ngoại tỉnh nhập về Huế phải có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng nhận kiểm dịch. Trong khi đó, lợn nuôi tại Huế phải có phiếu tiêm phòng hoặc hóa đơn chứng từ mua bán hợp pháp.
Quá trình giết mổ luôn được cán bộ thú y kiểm tra, giám sát chặt, phần thịt nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị cấm đưa ra thị trường.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-so-benh-lien-cau-lon-nhieu-hang-quan-o-hue-chuyen-mon-dong-cua-20250718161756966.htm