Nhà 3 nón lá ở Bạc Liêu: Hai “nón lá” được chuyển công năng sử dụng

Nhà 3 nón lá ở Bạc Liêu: Hai "nón lá" được chuyển công năng sử dụng


Ngày 26/4, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng.  

Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu được cải tạo chuyển đổi công năng từ 2 khối nhà B, C của Trung tâm triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi nhà 3 nón lá).

Nhà 3 nón lá (A, B, C) được xây dựng hoàn thành hơn 10 năm trước, trong đó khối nhà A đã được sử dụng làm nhà hát Cao Văn Lầu (mang tên tác giả bản Dạ cổ hoài lang); còn 2 khối nhà B, C chưa chính thức hoạt động cho đến nay.

Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích trưng bày gần 2.000m2 (tầng 1, tầng 2, tầng 3 khối nhà B và tầng 2 khối nhà C), chia thành 10 chủ đề từ quá trình hình thành vùng đất Bạc Liêu đến quá trình đấu tranh góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Qua gần 19 tháng thi công, đến nay toàn bộ các hạng mục của dự án tại tầng 1, 2 khối nhà B và tầng 2 khối nhà C đã hoàn thiện, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng”, ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, thông tin.

Theo ông Lưu, công trình này đáp ứng được công năng của một bảo tàng hiện đại với các ứng dụng công nghệ tạo hiệu ứng trực quan sinh động, cách tiếp cận và diễn giải sống động,…

“Bảo tàng sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương và bản sắc văn hóa dân tộc; điểm đến hấp dẫn thu hút du khách khi đến Bạc Liêu”, ông Lưu chia sẻ.

Bên trong bảo tàng tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tại lễ khánh thành, ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh bảo tàng tỉnh bên cạnh sự hoàn thiện về hạ tầng còn khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa đến mai sau.

Ông đề nghị ngành văn hóa xây dựng phương án quản lý, khai thác hiệu quả bảo tàng vừa an toàn, vừa phát huy tốt chức năng trưng bày; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ bảo tàng nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh truyền cảm hứng văn hóa đến cộng đồng.

Cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ mà còn là nơi kết nối tương lai.

Năm 1997, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu có trụ sở tại số 15 đường Điện Biên Phủ (nhà Huyện Sổn, kế bên khu nhà “công tử Bạc Liêu”). Năm 2002, trụ sở bảo tàng được chuyển về số 25 đường Hai Bà Trưng hoạt động cho đến nay.

Do sử dụng nhà cổ, là tư gia nên các hoạt động trưng bày rất hạn chế; chưa phát huy hết tác dụng của một bảo tàng theo đúng nghĩa. 

Nhà 3 nón lá ở Bạc Liêu, nơi làm nhà hát và bảo tàng tỉnh (Ảnh: CTV).

Tháng 10/2023, tỉnh tổ chức triển khai thi công dự án bảo tàng tổng hợp tại nhà 3 nón lá (cải tạo 2 khối nhà B, C) với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã công nhận nhà 3 nón lá (nhà hát Cao Văn Lầu) là điểm du lịch tiêu biểu.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-3-non-la-o-bac-lieu-hai-non-la-duoc-chuyen-cong-nang-su-dung-20250426100510786.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *