Nhà văn gốc Việt kể lại ký ức và hành trình hội nhập

Nhà văn gốc Việt kể lại ký ức và hành trình hội nhập


Chiều 8/5, tại Viện Goethe Hà Nội, trong khuôn khổ buổi họp báo của sự kiện Những ngày văn học châu Âu 2025, 2 nhà văn gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức là Khuê Phạm và Vanessa Vu đã chia sẻ về hành trình viết lách, tìm kiếm danh tính và khát khao kết nối với quê hương.

Đây cũng là hoạt động nằm trong chiến dịch Việt – Đức: 20 gương mặt, 20 câu chuyện, do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), cùng Viện Goethe khởi xướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Đức.

Ban tổ chức và các cây bút gốc Việt trò chuyện với khán giả tại buổi họp báo (Ảnh: Lê Phương Anh).

Chiến dịch nhằm tôn vinh 20 cá nhân tiêu biểu mang 2 dòng máu Việt – Đức, những người đã kiên cường khẳng định bản thân và để lại dấu ấn trong các lĩnh vực khác nhau, qua đó mang đến một góc nhìn chân thực về hành trình cuộc đời, sự nghiệp và bản sắc của họ.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu nhiều mốc quan hệ quan trọng như: 35 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu, 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Czech và 50 năm Việt Nam – Đức.

Tiếp nối truyền thống đối thoại và giao lưu văn chương giữa Việt Nam và châu Âu, Những ngày văn học châu Âu 2025 lấy chủ đề Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu, khám phá hành trình sáng tác của các nhà văn gốc Việt tại châu lục này.

Văn học di dân nói chung và văn chương của những nhà văn châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn châu Âu.

Ở đó, những câu chuyện đa dạng khác nhau, những trăn trở của cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, những hành trình đạt đến sự công nhận, góp phần làm nên một nền văn chương châu Âu đa dạng và đa thanh.

Không chỉ đem đến những tự sự và những góc nhìn mới, những nhà văn di dân gốc Việt còn góp phần mở rộng phạm vi của văn chương.

Tham dự buổi họp báo có ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cùng 2 khách mời đặc biệt là nhà văn, nhà báo Khuê Phạm và Vanessa Vu – 2 trong số 20 gương mặt được vinh danh trong chiến dịch Việt – Đức: 20 gương mặt, 20 câu chuyện.

Tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe khẳng định đây là cơ hội hiếm có để giao lưu với các nhà văn gốc Việt đến từ nhiều quốc gia.

Ông Oliver Brandt cho biết, chủ đề di dân là một nội dung đầy sức hút, không chỉ phản ánh những trải nghiệm cá nhân mà còn chạm đến các vấn đề xã hội rộng lớn. Theo ông, văn học là cầu nối giúp công chúng hiểu hơn về hành trình di cư, sự hòa nhập và những góc nhìn đa chiều của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ông Oliver Brandt chia sẻ, việc lựa chọn Khuê Phạm, Vanessa Vu và những gương mặt được vinh danh trong chiến dịch năm nay không chỉ dựa trên thành tích cá nhân nổi bật mà còn vì họ là đại diện tiêu biểu cho “một làn sóng văn học mới”: Đương đại, sắc sảo và mang đậm trải nghiệm di cư của thế hệ thứ hai người Việt tại Đức.

Tại sự kiện, Viện trưởng Viện Goethe, ông Oliver Brandt (ở giữa) đánh giá: “Đây là cơ hội độc nhất để gặp gỡ các cây bút gốc Việt” (Ảnh: Lê Phương Anh).

“Câu chuyện của họ không chỉ phản ánh hành trình cá nhân mà còn là tiếng nói của một thế hệ trưởng thành giữa 2 nền văn hóa, luôn tìm cách định vị bản thân và khơi lại mối liên kết với cội nguồn”, ông Oliver Brandt nói.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Vanessa Vu cho biết, đây là lần thứ 6 cô trở lại Việt Nam sau khi cha mẹ cô rời đi vào cuối thập niên 80 trong làn sóng lao động hợp đồng sang Đông Đức.

Lớn lên trong một trại tị nạn, cô từng xấu hổ vì nguồn gốc Việt Nam do bị kỳ thị và chỉ mong được xem là người Đức để được chấp nhận. Nhưng chính việc viết lách đã giúp cô thấu hiểu, trân trọng và trở về với cội rễ văn hóa của mình.

“Có những điều tôi không thể nói trực tiếp với bố mẹ. Viết lách là cách tôi mở cánh cửa kết nối với thế hệ đi trước. Đây cũng là cách tôi nhìn lại tuổi thơ mình và chữa lành”, Vanessa Vu nói.

Cô nhớ lần đầu tiên về thăm quê năm 15 tuổi, chứng kiến cha mẹ bật khóc khi gặp lại ông bà sau nhiều năm xa cách.

“Lúc đó tôi cảm thấy mọi thứ thật lạ, lạ vì đây là nơi tôi thuộc về nhưng lại xa cách như thể chưa từng sống ở đó. Cảm giác đó trở thành chất liệu để tôi viết sau này”, Vanessa Vu bộc bạch.

Vanessa Vu chia sẻ với độc giả tại buổi họp báo (Ảnh: Lê Phương Anh).

Vanessa Vu hiện là biên tập viên của báo ZEIT ONLINE và được xem là một trong những tiếng nói phản biện quan trọng nhất của thế hệ người Việt thứ 2 tại Đức.

Với nền tảng học thuật sâu rộng về nhân học, luật quốc tế và nghiên cứu Đông Nam Á, từng theo học tại Munich, Paris và London, cô mang đến góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội.

Hoạt động báo chí của Vanessa Vu xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng, từng giành nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Phê bình Lessing năm 2022. Podcast Rice and Shine do cô đồng sáng lập đã góp phần lan tỏa những câu chuyện chân thực và gần gũi của cộng đồng người Việt di cư.

Trong khi đó, Khuê Phạm là nhà báo cộng tác với tuần báo danh tiếng Die Zeit, đồng thời từng có bài viết đăng trên USA Today và The Guardian.

Các tác phẩm của cô tập trung vào những chủ đề như căn tính, di cư và chính trị, góp phần mở rộng diễn ngôn xã hội đương đại. Tiểu thuyết đầu tay của Khuê Phạm – Wo auch immer ihr seid (tựa Việt: Dù ở nơi đâu…) – lấy cảm hứng bởi chính câu chuyện gia đình cô, đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người Đức gốc Việt.

Ngoài ra, cô còn tham gia biểu diễn trong KIM, vở kịch chuyển thể từ tiểu thuyết của cô, từng được công diễn tại nhiều nhà hát ở Đức và Đài Loan.

Không chỉ dừng ở chia sẻ cá nhân, sự kiện cũng đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp cận các tác phẩm văn học di dân gốc Việt tại Việt Nam – điều kiện còn khá hạn chế. Vanessa Vu bày tỏ mong muốn sách của cô sớm được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Sự kiện Những ngày văn học châu Âu 2025 diễn ra từ ngày 9/5 đến ngày 12/5 tại Hà Nội, với nhiều hoạt động như ra mắt sách, giao lưu tác giả, chiếu phim, tọa đàm chuyên đề và hội chợ sách.

Đây là sáng kiến thường niên do các viện văn hóa và đại sứ quán châu Âu phối hợp tổ chức, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, tôn vinh văn học đương đại và kết nối độc giả Việt Nam với tinh thần châu Âu đa dạng, cởi mở.

Các nhà văn được mời bởi các Viện văn hóa Đức (Goethe-Institut), Pháp (Institut français), Anh (British Council) cùng Đại sứ quán Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc và Itay sẽ có mặt ở Hà Nội để cùng thảo luận về những chủ đề văn học khác nhau, từ câu chuyện về những trăn trở và suy tư góp phần làm nên những diện mạo đặc trưng của văn học di dân đến những vấn đề về giới trong sáng tác.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/nha-van-goc-viet-ke-lai-ky-uc-va-hanh-trinh-hoi-nhap-20250509140429949.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *