Sau nhiều năm ấp ủ, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã ra mắt cuốn sách nhạc đầu tay mang tên Đỗ Bảo: Ca khúc giai đoạn 1997-2022.
Tác phẩm dày 450 trang, tập hợp 100 ca khúc tiêu biểu trải dài trong suốt 25 năm sáng tác, bao gồm cả phần lời, hòa âm và những đoạn tản văn mang tính ghi chép nội tâm.
Đây không chỉ là một tuyển tập âm nhạc đơn thuần, mà còn là một công trình mang tính đúc kết sự nghiệp, phản ánh hành trình tư duy và cảm xúc âm nhạc của một trong những gương mặt có ảnh hưởng lớn trong dòng nhạc đương đại Việt Nam.
Chia sẻ về cuốn sách đặc biệt này, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết, anh từng lên kế hoạch ra mắt sách từ lâu, thậm chí từng công bố ngày cụ thể, nhưng rồi lại trì hoãn vì chưa cảm thấy “thỏa mãn” và thật sự yên tâm.
“Công trình này mỗi lúc tôi lại muốn chăm chút tỉ mỉ hơn. Tính tôi nếu cảm thấy điều gì chưa hoàn thiện, chưa đủ khả năng ở lại với đời sống bền bỉ thì tôi sẽ không thể đưa ra công chúng”, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.
Với anh, xuất bản một cuốn sách âm nhạc không đơn thuần là việc in ấn, mà là đặt một phần đời mình lên kệ sách và để lại đó.
Không chỉ là bản tổng kết âm nhạc, cuốn sách còn chứa đựng suy tưởng và những trăn trở cá nhân của một nhạc sĩ sống kín tiếng nhưng lại ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam.
Từng là biên tập viên hợp đồng tại Nhà xuất bản Âm nhạc Việt Nam, Đỗ Bảo thấu hiểu sách nhạc không chỉ là công cụ hỗ trợ biểu diễn, giảng dạy mà còn là một dạng ký ức âm nhạc được lưu trữ.
Chính vì vậy, cuốn sách không chỉ có văn bản ca khúc và hòa thanh, mà còn đi kèm nhiều phần chuyển soạn cho piano hoặc các nhạc cụ độc tấu, giúp các nghệ sĩ biểu diễn tiếp cận dễ dàng hơn.
Dù dành nhiều tâm huyết, Đỗ Bảo hiểu rõ rằng, việc phát hành một cuốn sách nhạc trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng.
“Sách nhạc chưa bao giờ dễ bán, lại trong bối cảnh văn hóa xem sách ngày càng thu gọn hơn. Nhưng cuốn này là hàng chục năm âm nhạc của tôi, và dự kiến tôi chỉ in 1.000 bản thôi”, anh chia sẻ.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng bày tỏ mong muốn cuốn sách sẽ đến được với cả nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên, sinh viên các trường nhạc, nhà sản xuất, ban nhạc, cũng như những khán giả yêu âm nhạc Việt.
Anh hy vọng, dù độc giả không đọc được nốt nhạc, họ vẫn có thể tìm thấy sự đồng cảm qua phần lời và những đoạn tản văn đi kèm.
Một trong những điểm tạo nên chất riêng cho cuốn sách là những ghi chú và tản văn Đỗ Bảo viết kèm các ca khúc. Chúng có lúc giống những dòng nhật ký kín đáo, lúc lại như những ghi chép bay bổng, trừu tượng, đúng như chất nhạc lãng mạn, tinh tế và nhiều lớp lang của anh.
Với Bài ca tháng sáu, anh kể về một cặp vợ chồng đang trong một cuộc hôn nhân nguội lạnh. Khi không thể buông tay, họ chọn cách “nghe” thấy tình yêu còn ở trong nhau, nhìn sâu vào bản chất mối quan hệ thay vì chỉ đối mặt với sự nhàm chán bên ngoài.
Trong một ngày Hà Nội nóng như đổ lửa, khi lái xe máy trên đường Hoàng Diệu, nhạc sĩ thấy đám lá rơi xuống và nghe tiếng chim ngân dài trong không gian. Câu hát đầu tiên – “Sự yên tĩnh mới thật dịu êm…” – đến trong khoảnh khắc ấy.
Hay với Cầu vồng đêm mưa – ca khúc từng khiến người hâm mộ và cả ca sĩ Hà Trần thú nhận là “khó giải mã” – được Đỗ Bảo tiết lộ anh viết nó trong trạng thái “gần như vô thức”.
Đó là sau một buổi tối trò chuyện với một người bạn khác giới. Họ nói về tình yêu, cuộc sống, hoặc đơn giản là im lặng theo đuổi những suy nghĩ riêng. Không hẳn là bạn bè, nhưng cũng không thể gọi tên thứ tình cảm giữa hai người, một vùng xám mơ hồ, đầy rung cảm mà âm nhạc là cách duy nhất để diễn đạt.
Tuy nhiên, không phải bài hát nào cũng có lời bình kèm theo. Nhạc sĩ Đỗ Bảo tiết lộ: “Có nhiều bài tôi rất thích nhưng không viết vì tôi thấy chỗ đấy, nhịp đấy đủ rồi. Độc giả thích chỉ cần đọc lời bài hát là trọn vẹn”.
Đỗ Bảo trên sân khấu đêm nhạc “Đỗ Bảo & Friends – Một mình bao la” (Ảnh: Ban tổ chức).
Cuốn sách cũng giới thiệu 10 ca khúc mới cùng một số bài từng được trình diễn trong liveshow năm 2023. Họa sĩ Nha Đam đảm nhận phần thiết kế, nhạc sĩ Đỗ Bảo trực tiếp tham gia chế bản, tỉ mẩn chỉnh sửa từng ký hiệu nhạc, phông chữ, căn lề, căn dòng.
Anh kể, mình từng đắn đo khi quyết định để giá bìa là 1 triệu đồng: “Số tiền không lớn so với nhiều sản phẩm tiêu dùng ngày nay hay so với cát-xê của các nghệ sĩ. Nhưng nó có vẻ không nhỏ với một cuốn sách nhạc”.
Sau khi phát hành sách, Đỗ Bảo dự kiến tổ chức chuỗi chương trình quy mô nhỏ tại nhiều thành phố. Với mô hình kết hợp giữa biểu diễn và trò chuyện, anh sẽ đệm đàn cho một, hai ca sĩ hát trước khoảng 200-400 khán giả, sau đó là phần giao lưu và ký tặng sách.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Lệ Chiến nhận định: “Chính những năm làm biên tập viên đã giúp Đỗ Bảo có sự rèn giũa về chiêm nghiệm, thẩm mỹ và sự tỉ mỉ trong lựa chọn con đường âm nhạc riêng”.
Với bà Trần Lệ Chiến, đây không chỉ là cuốn sách để đọc, mà còn là minh chứng cho một đời sáng tác đầy lặng lẽ mà sâu sắc, đáng suy ngẫm và rất đáng giữ gìn.
Đỗ Bảo (SN 1978) gốc Hà Nội, từng tham gia ban nhạc Sao Mai vào năm 15 tuổi. Năm 20 tuổi, anh nổi bật với Bức thư tình đầu tiên – ca khúc đến nay vẫn được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.
Anh là người đứng sau nhiều sản phẩm âm nhạc có ảnh hưởng lớn như: Nhật thực (2002), Cánh cung (2004), Thời gian để yêu (2008), Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013) và nhiều liveshow riêng.
Anh cũng là nhà sản xuất âm nhạc cho các nghệ sĩ như: Tùng Dương, Nguyên Thảo, Tấn Minh, Hoàng Quyên…
Năm 2013, anh tổ chức thành công liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi, kỷ niệm 20 năm sáng tác. Năm 2023, anh tổ chức concert Đỗ Bảo & Friends – Một mình bao la kỷ niệm 30 năm làm nghề ở Hà Nội và TPHCM.
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/nhac-si-do-bao-viet-sach-ke-chuyen-ve-hanh-trinh-am-nhac-20250512114731201.htm