Nhiều chủ tịch tỉnh bị kiện nhưng không đến tòa

Nhiều chủ tịch tỉnh bị kiện nhưng không đến tòa


Chiều 12/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Đề nghị sửa thêm một số điều của Luật Tố tụng hành chính

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) dẫn chứng số liệu tổng kết năm 2024 của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao cho thấy cả nước thụ lý hơn 13.000 vụ án hành chính, trong đó hơn 11.000 vụ kiện chủ tịch UBND tỉnh và quận, huyện… nhưng chỉ giải quyết được hơn 8.000 vụ.

Theo ông Chính, thực tế chỉ có hơn 1.000 trường hợp người bị kiện tham gia phiên tòa, hơn 900 vụ không có sự tham gia của người bị kiện mà phần lớn người bị kiện là chủ tịch UBND.

“Thực tế cho thấy việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của UBND, đặc biệt là chủ tịch UBND chưa chuyển biến tích cực”, ông Chính nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu tại tổ (Ảnh: CTV).

Vị đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng này như sự tham gia của chủ tịch UBND, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ… khiến tòa án chậm giải quyết hoặc không thể giải quyết vụ án.

Ông Chính cho biết Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính cũng bất cập. Trước đây, chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho trưởng hoặc phó phòng nhưng theo Điều 60 thì chỉ được phép ủy quyền cho phó chủ tịch UBND, trong khi đó phó chủ tịch khó tham gia đầy đủ các phiên tòa dẫn đến án không giải quyết được.

Ông Chính cho rằng đây là điểm bất cập rất lớn, cần phải sửa đổi luật để khắc phục.

Một bất cập khác theo đại biểu là quy trình tố tụng hành chính rất phức tạp, mặc dù tòa án chỉ có chức năng xác định quyết định hành chính là đúng hay sai nhưng trên thực tế lại phải thực hiện hàng loạt thủ tục như định giá tài sản, xác định quyền thừa kế…

Điều này khiến việc giải quyết án hành chính rất khó khăn, từ đó dẫn đến số lượng án tố tụng hành chính được giải quyết thấp hơn nhiều so với các loại án khác, theo đại biểu.

“Tôi mạnh dạn đề nghị chúng ta tập trung sửa đổi thêm một số điều trong Luật Tố tụng hành chính để bảo đảm hoạt động tố tụng hiệu quả, khắc phục các khó khăn, tăng cường niềm tin của nhân dân và bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân”, ông Chính nêu ý kiến.

Tinh gọn bộ máy TAND nhưng không tạo khoảng cách với người dân

Phát biểu ý kiến tại tổ về dự án luật sửa 5 luật trên, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng việc tổ chức bộ máy tòa án theo mô hình 3 cấp đang có những vướng mắc.

Theo đại biểu, dự thảo sắp xếp lại hệ thống tòa án theo mô hình 3 cấp, bỏ TAND cấp huyện, thành lập TAND khu vực trên cơ sở gộp các TAND cấp huyện. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định biện pháp đảm bảo tòa án sau sáp nhập vẫn “gần dân, sát dân” như yêu cầu đặt ra.

Vị đại biểu cho rằng có trường hợp người dân ở huyện không đặt trụ sở TAND khu vực có thể phải di chuyển xa hơn để tham gia tố tụng, gây bất tiện.

Đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu ý kiến (Ảnh: CTV).

Từ thực tế, ông Khải cho rằng cần bổ sung quy định để bộ máy tòa án tinh gọn nhưng không tạo khoảng cách với người dân.

Theo ông Khải, Chủ tịch nước Lương Cường đã nhấn mạnh phải tổ chức cơ quan tư pháp “thực sự gần dân, sát dân”. Việc thiếu tòa án cấp huyện có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận công lý của người dân địa phương nếu không có cơ chế hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nhiệm vụ của TAND cấp tỉnh sẽ tăng lên vì phải xét xử sơ thẩm án nghiêm trọng, phúc thẩm án khu vực… đòi hỏi số lượng thẩm phán tỉnh phải tương xứng.

Ông Khải đề nghị bổ sung điều khoản yêu cầu TAND khu vực mở văn phòng hoặc điểm xét xử tại các địa bàn không đặt trụ sở chính, hoặc tổ chức các phiên tòa lưu động định kỳ tại huyện, quận trực thuộc. Quy định này sẽ đảm bảo người dân địa phương vẫn giải quyết vụ việc thuận tiện tại nơi cư trú.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về biên chế, số lượng thẩm phán tại tòa án cấp tỉnh và khu vực tương ứng với nhiệm vụ mở rộng.

Ông cho rằng có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh số lượng thẩm phán tối thiểu cho mỗi tòa cấp tỉnh trên cơ sở khối lượng án phải giải quyết, nhằm bảo đảm tòa án cấp tỉnh đủ nhân lực thực hiện tốt chức năng mới.

“Những điều chỉnh này sẽ hoàn thiện mô hình tòa án 3 cấp vừa tinh gọn hiệu quả, vừa giữ được sự tiếp cận công lý gần dân”, ông Khải nêu ý kiến.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhieu-chu-tich-tinh-bi-kien-nhung-khong-den-toa-20250512172650602.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *