Tỉnh Đồng Nai hiện có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố (Biên Hòa và Long Khánh) và 9 huyện (Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch).
Đồng Nai có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc – Nam; gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Lịch sử vùng đất
Nhìn lại lịch sử, người Việt đã sinh sống ở Đồng Nai từ thời đại đồ đá mới. Vào thế kỷ XII, Đồng Nai nằm trong lãnh thổ của Đại Việt nhưng khi đó nơi đây còn thưa thớt dân cư, chủ yếu là rừng rậm, đầm lầy.
Từ thế kỷ XVII, Đồng Nai bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh dẫn đầu đoàn quân của chúa Nguyễn vào khai phá vùng đất Đồng Nai. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hình thành Đồng Nai. Đồng Nai được khai phá và phát triển nhanh chóng; làng mạc, xóm phố được hình thành, các tuyến đường giao thông được xây dựng…
Năm 1802, dinh Trấn Biên được vua Gia Long đổi thành trấn Biên Hòa, nhưng vẫn thuộc phủ Gia Định.
Năm 1836, trấn Biên Hòa được vua Minh Mạng đổi thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1837, lập thêm hai phủ Phước Tuy và các huyện Nghĩa An, Long Khánh, Phước Bình.
Vào năm 1840, đặt thêm bốn phủ là Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi và Tân Thuận. Năm 1851, Vua Tự Đức nhập hai huyện Phước Bình và Long Khánh vào các phủ Phước Long và Phước Tuy.
Sau khi 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa được giao cho Pháp (năm 1882), Pháp đã chia Biên Hòa thành ba tỉnh là Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa.
Văn miếu Trấn Biên – di tích cấp quốc gia tại Biên Hòa, Đồng Nai (Nguồn: Dongnai.gov.vn)
Đến thời Việt Nam Cộng hòa, đất Đồng Nai được chia làm 3 tỉnh là Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy. Đầu năm 1975, hợp nhất 3 tỉnh này thành lập tỉnh Đồng Nai, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Biên Hòa.
Năm 1976 thị xã Biên Hòa được nâng lên thành thành phố Biên Hòa – đô thị loại 3, trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Khi đó, tỉnh Đồng Nai có tỉnh lỵ là thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu và 9 huyện là Châu Thành, Duyên Hải, Long Đất, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Xuyên Mộc.
Sau đó, việc điều chỉnh địa giới hành chính ở Đồng Nai tiếp tục diễn ra. Cuối năm 1978, Quốc hội quyết định chuyển huyện Duyên Hải về TPHCM; cuối năm 1985 chuyển huyện Vĩnh Cửu thành thị xã Vĩnh An.
Năm 1991, địa bàn tỉnh Phước Tuy cũ lại được tách ra để tái lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến tháng 8/1994, giải thể thị xã Vĩnh An để tái lập huyện Vĩnh Cửu.
Năm 2003, Chính phủ ban hành nghị định giải thể huyện Long Khánh để thành lập thị xã Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Thống Nhất để thành lập huyện Trảng Bom.
Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai ngày nay (Ảnh: Bản đồ).
Ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Tháng 6/2019, thị xã Long Khánh được nâng lên thành thành phố Long Khánh.
Đặt mục tiêu phát triển chỉ sau TPHCM, Hà Nội
Tỉnh Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phía Tây giáp TPHCM.
Với diện tích 5.903,940km2, Đồng Nai chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Dân số của tỉnh hiện trên 3,2 triệu người.
Là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước, Đồng Nai có 35 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích trên 12.055ha. Trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh này với gần 1.600 dự án đầu tư.
Đồng Nai xuất khẩu chủ yếu các loại sản phẩm nông nghiệp như mủ cao su sơ chế, cà phê, lạc nhân, hạt điều nhân, bắp, thực phẩm chế biến, một số sản phẩm công nghiệp như giày dép các loại, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm gốm sứ; dây điện và dây cáp điện…
Trong mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai kỳ vọng xếp thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau TPHCM và Hà Nội. Tương lai, địa phương này có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Biên Hòa (cảng hàng không quốc nội) đi vào hoạt động; các tuyến đường vành đai 3, 4 – TPHCM, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu và cầu Cát Lái.
Đồng Nai có khí hậu ôn hòa, không có bão lụt, động đất.
Lễ nghinh thần độc đáo trên sông Đồng Nai, nằm trong lễ hội Chùa Ông diễn ra từ mùng 9-13 tháng Giêng do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức (Ảnh: Phước Tuần).
Biên Hòa là một thành phố công nghiệp và là trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai, một trong những thành phố thuộc tỉnh có nền công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng được xếp vào loại đứng đầu cả nước; đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có dòng sông Đồng Nai chảy qua.
Đây là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ.
Trải qua một quá trình dài hình thành và phát triển, mảnh đất Biên Hòa – Đồng Nai mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử tiêu biểu.
Cầu Bạch Đằng 2 nối TP Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) khánh thành vào tháng 9/2024. Dự kiến, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương sẽ xây thêm 4 cầu mới bắc qua sông Đồng Nai và sông Bé để kết nối hai tỉnh (Ảnh: Phước Tuần).
Theo số liệu của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Đồng Nai hiện có 61 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó hai di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là danh thắng Vườn quốc gia Cát Tiên (2011), Mộ cự thạch Hàng Gòn (2015).
29 di tích xếp hạng cấp quốc gia, tiêu biểu như Địa điểm chiến thắng La Ngà (1986), chùa Đại Giác (1990), Đình Tân Lân (1991), Chùa Ông/Thất Phủ cổ miếu (2001) và 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh, tiêu biểu như Đình Bình Quan (2004), Địa điểm Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (2005), Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (2017).
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhin-lai-lich-su-dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-vung-bien-hoa-dong-nai-20250411105623039.htm