Những chú chó nghiệp vụ quả cảm của đoàn cứu nạn Việt Nam tại Myanmar

Những chú chó nghiệp vụ quả cảm của đoàn cứu nạn Việt Nam tại Myanmar


Chó nghiệp vụ tìm kiếm các nạn nhân tại Myanmar (Ảnh: Nguyễn Trung Kiên).

Chó nghiệp vụ liên tục phát hiện nạn nhân mắc kẹt

Đêm 8/4, đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc 10 ngày tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar. Trong những ngày tại Myanmar, đoàn Việt Nam đã phát hiện và đưa ra khỏi đống đổ nát 28 thi thể, cứu sống được một người.

Trong những ngày cứu hộ, cứu nạn đầy khó khăn, gian khổ tại Myanmar, 6 chú chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã làm việc hiệu quả, giúp đoàn phát hiện sớm, chính xác các vị trí có nạn nhân mắc kẹt. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về quá trình tìm kiếm tại Myanmar, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, cho biết khi đặt chân đến Myanmar, chứng kiến cảnh đổ sập tại đây, đoàn hết sức đau buồn trước sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên. 

Ngay sau đó, đoàn di chuyển hơn 500km đến thủ đô Naypyidaw thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Chiều 31/3, phía Myanmar trao đổi và cho biết khu chung cư Bala Tidi của thủ đô Naypyidaw có khoảng 3-4 người mắc kẹt. 

Ngay sau đó, đoàn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tiến hành trinh sát hiện trường và thấy tòa chung cư này bị đổ sập nhiều, kèm theo đó là nhiều mảnh kính vỡ. 

Sau khi tham mưu, hội ý, đến 17h cùng ngày, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên đề xuất đưa chó nghiệp vụ vào kiểm tra, xác định nguồn hơi.

Sau khoảng 10 phút vào hiện trường, chó Chi Nốp do chiến sĩ Đinh Mạnh Tiến làm huấn luyện đã phát hiện nguồn hơi bên trong căn chung cư.

“Khi Chi Nốp sủa thì 2 chú chó khác đang kiểm tra bên ngoài cũng rúc vào các khe ở bên cạnh để kiểm tra và cùng sủa. Sau đó, chiến sĩ Đinh Mạnh Tiến cắm cờ để đánh dấu vị trí. Ngày hôm sau, từ vị trí trên, đoàn đã đưa ra ngoài thi thể cụ ông 74 tuổi”, Thượng tá Kiên kể về lần đầu chó nghiệp vụ phát hiện thi thể tại Myanmar. 

Cũng trong chiều 31/3, vào lúc 17h20, tại chung cư bên cạnh, chó Loc Xa do chiến sĩ Nguyễn Văn Linh làm huấn luyện viên đã phát hiện nguồn hơi, sủa báo hiệu.

Sau đó, đoàn đưa thêm chú chó Javo do chiến sĩ Phạm Minh Hưởng làm huấn luyện viên đến để kiểm tra chéo. Lúc này, cả 2 chú chó đều sủa báo hiệu.

“Khi cả 2 chú chó cùng sủa, huấn luyện viên cực kỳ tự tin và xác định vị trí đó chắc chắn có người”, Thượng tá Kiên khẳng định.

17h30 cùng ngày, chó Loc Xa tiếp tục phát hiện thêm nguồn hơi và sủa báo hiệu.

Hôm sau (1/4), tại 2 vị trí mà chó Javo và Loc Xa đã phát hiện nguồn hơi, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tìm kiếm, đưa ra ngoài 3 thi thể.

Đục lỗ để chó nghiệp vụ xác định vị trí nạn nhân

Hoàn tất tìm kiếm tại chung cư Bala Tidi, 11h30 ngày 1/4, đoàn QĐND Việt Nam đến cứu trợ tại bệnh viện Ottara Thiri.

Vừa đến nơi, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên thông qua tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo bệnh viện về khu vực bị đổ sập nặng nề nhất. 

Qua trao đổi, lãnh đạo bệnh viện cho biết, đã có một số đoàn cứu trợ đến và đưa ra ngoài được một số thi thể nhưng vẫn còn nạn nhân mắc kẹt bên trong.

12h20, chó Javo do chiến sĩ Phạm Minh Hưởng làm huấn luyện viên và chó Zunka phát hiện tại khu phòng bệnh 2104 có nguồn hơi nên sủa báo hiệu. Chiều cùng ngày, tại khu vực này, đoàn tìm thấy 3 nạn nhân đã tử vong. 

15h30, chó Loc Xa phát hiện thêm một vị trí nghi có nạn nhân mắc kẹt tử vong. Tiến hành tìm kiếm, lực lượng công binh tìm thấy 2 nạn nhân nằm cạnh nhau. 

17h30, chó Javo phát hiện thêm vị trí nghi có người mắc kẹt. Sáng 2/4, đoàn QĐND Việt Nam tìm kiếm và phát hiện tại vị trí này có một nạn nhân. 

Tuy nhiên, khi xem lại camera an ninh xác định tại vị trí chó Javo phát hiện nguồn hơi thời điểm xảy ra động đất có 3 người (một người đã chạy thoát ra ngoài an toàn) nên đoàn tiếp tục tổ chức tìm kiếm nạn nhân còn lại là một cô gái. 

Lúc này, đoàn không thể xác định cô gái tại khu vực nào vì vị trí này bị bịt kín.

“Sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định thay đổi phương pháp tìm kiếm của chó nghiệp vụ vì toàn bộ mặt sàn đều bị bịt kín, chó không thể ngửi được. Công binh sau đó đã đục lỗ để chó tìm kiếm và xác định được vị trí của nạn nhân”, Thượng tá Kiên kể.

Đoàn Việt Nam về đến Hà Nội ngày 8/4 (Ảnh: Hải Long).

Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, cho biết trong 10 ngày tìm kiếm tại Myanmar, 6 chú chó nghiệp vụ đã xác định 10 vị trí. Tại 10 trị trí này, đoàn QĐND Việt Nam đã tìm thấy 17 thi thể.

“Cứ chó nghiệp vụ sủa báo hiệu, công binh tiến hành đào bới là sẽ tìm thấy thi thể, tỷ lệ tìm thấy tại Myanmar là 100%”, Thượng tá Kiên khẳng định.

Đặc biệt, trong quá trình tìm kiếm ngày 3/4, tại khách sạn Aye Chan Thar, chó nghiệp vụ phát hiện các rung chấn, nhanh chóng báo hiệu huấn luyện viên để mọi người thoát ra ngoài an toàn. 

“Khi bắt đầu có rung chấn, chó nghiệp vụ kéo huấn luyện viên ra ngoài, thấy vậy chúng tôi hô lớn: “Có động đất, rút””, Thượng tá Kiên nói. 

Ông chia sẻ, các chú chó nghiệp vụ khi cảm nhận nguy hiểm sẽ không tiến thêm, kể cả huấn luyện viên ép chúng cũng sẽ không di chuyển.

Không ngại khó khăn, gian khổ

Mặc dù đã từng tham gia tìm kiếm ở nhiều nơi, nhưng câu chuyện về cậu bé ở thủ đô Naypyidaw cầu cứu đoàn: “Các bác cố gắng cứu mẹ cháu ra với” vào chiều 5/4, vẫn in đậm trong trí nhớ của Thượng tá Nguyễn Trung Kiên.

Vị Thượng tá nói, ngay khi nhận tin từ cậu bé về việc còn nạn nhân có thể mắc kẹt tại phòng 101 của Bệnh viện bệnh viện Ottara Thiri, đoàn lập tức quay lại tìm kiếm. 

Sau khoảng 20 phút tìm kiếm, chó Javo phát hiện nguồn hơi và báo cho huấn luyện viên.

“Sau khoảng 3 tiếng đào bới, đoàn đã đưa được nạn nhân ra ngoài. Lúc đó, cả đoàn mới cảm thấy nhẹ nhõm. Khi đưa nạn nhân ra, 2 người con đến và chắp tay quỳ lạy cảm ơn. Họ không nghĩ rằng có thể sẽ tìm kiếm được mẹ mình”, Thượng tá Kiên kể.

Ông khẳng định quá trình cứu hộ tại Myanmar, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam không ngại khó khăn, gian khổ.

Đặc biệt, khi bước chân sang Myanmar thực hiện nhiệm vụ, đoàn cứu hộ của Việt Nam vô cùng sốt ruột, luôn coi việc tìm nạn nhân trong đống đổ nát như tìm người thân của mình.

Bởi vậy, khi người dân Myanmar nói “còn thân nhân trong đống đổ nát”, đoàn không quản ngại khó khăn, nguy hiểm liền lao vào hiện trường tìm kiếm đến khi tìm thấy thi thể.

Đoàn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng các đoàn Myanamar, Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu nam thanh niên ra khỏi đống đổ nát ngày 2/4 (Ảnh: Thành Đạt).

Thượng tá Kiên đánh giá, ngoài những khó khăn về thời tiết, tại Myanmar không có nhiều máy móc hạng nặng để phục vụ tìm kiếm và thiếu chó nghiệp vụ.

Chính vì thế, khi nhìn thấy chó nghiệp vụ của chúng ta làm việc hiệu quả, nước bạn phải thốt lên “chúng tôi mong có chó nghiệp vụ thế này”.

Thượng tá Kiên cho rằng, mỗi vụ thiên tai đều có những diễn biến, điều kiện thời tiết, địa hình khác nhau.

Đặc biệt tại Myanmar, do thời tiết nắng nóng nên sau nhiều ngày xảy ra động đất không chỉ có nguồn hơi từ các thi thể người mà còn nguồn hơi từ xác động vật.

Do đó, chó nghiệp vụ phải phán đoán chính xác nguồn hơi để báo huấn luyện viên.

“Để chống lại thời tiết nắng nóng tại Myanmar chúng tôi chia ca, cứ một cặp chó làm việc khoảng 30 phút rồi rút ra nghỉ ngơi. Đặc biệt, tại Myanmar, chó nghiệp vụ thường phát hiện ra các thi thể vào khung giờ 8-10h và 15h30-17h”, Thượng tá Kiên chia sẻ.

Ông đánh giá, tại mỗi môi trường khác nhau, chó sẽ có các biểu hiện, phản ứng khác nhau. Khi phát hiện nguồn hơi, chó sẽ dùng mọi cách để báo tin cho chủ biết điều này.

Lúc này, huấn luyện, người chỉ huy dựa vào kinh nghiệm, bản lĩnh để tham mưu, báo cấp trên để có hướng xử lý.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-chu-cho-nghiep-vu-qua-cam-cua-doan-cuu-nan-viet-nam-tai-myanmar-20250409173747289.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *