Những cuộc duyệt binh trong lịch sử Việt Nam

Những cuộc duyệt binh trong lịch sử Việt Nam


Lễ duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, diễn ra vào ngày 1/1/1955 trên quảng trường Ba Đình, để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến.

Tham dự lễ duyệt binh là những người lính vừa đi qua chặng đường dài đầy gian khổ với vũ khí hiện đại nhất bấy giờ cũng chỉ là pháo cao xạ. Chính đội quân này đã đánh bại đội quân tinh nhuệ của Pháp tháng 5/1954.

Những cuộc duyệt binh trong lịch sử Việt Nam - 1

Cuộc diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức tại TPHCM vào sáng 30/4 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Lễ duyệt binh thứ hai diễn ra vào ngày 1/5/1973, tại khu vực trước Quảng trường Ba Đình để chào mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấm dứt sự chiếm đóng của các đội quân xâm lược nước ngoài sau khi Hiệp định Paris được ký kết. 

Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc tại lễ duyệt binh đã khẳng định quyết tâm giành thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa để giành lấy hòa bình và thống nhất đất nước.

Lễ duyệt binh thứ ba được tổ chức vào ngày 15/5/1975, tại TPHCM (thời điểm này vẫn gọi là Sài Gòn). Tại lễ duyệt binh này, người dân đã xuống đường tham dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng.

Đây là lễ kỷ niệm quy mô lớn nhất được tổ chức ở miền Nam nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kể từ khi Pháp tái chiếm Nam Bộ tháng 9/1945. 

Lễ duyệt binh lần thứ tư, diễn ra vào ngày 2/9/1985, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây được coi là lễ duyệt binh lớn nhất đến thời điểm này.

Nếu so với lễ duyệt binh vào năm 1955, với vũ khí hiện đại nhất là pháo cao xạ thì lần duyệt binh này có cả tên lửa SAM-2, SAM-3, xe tăng T-45 và nhiều loại máy bay cùng các loại vũ khí hạng nặng khác.

Bên cạnh đó, nước ta cũng tổ chức các cuộc diễu binh, diễu hành như dịp kỷ niệm 40, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/2015 và ngày 30/4/2025 tại TPHCM); kỷ niệm 60 năm và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014 và năm 2024 tại tỉnh Điện Biên).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, diễu binh và duyệt binh đều thể hiện sức mạnh quân sự của đất nước và đều có sự tham dự của lực lượng hải quân, lục quân, phòng không – không quân. 

Song duyệt binh và diễu binh có nhiều điểm khác nhau. Trong đó, duyệt binh có quy mô lớn hơn rất nhiều so với diễu binh. 

Cụ thể, theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, đối với diễu binh sẽ không có đội hình phương tiện, vũ khí quân sự. 

Còn duyệt binh, sau các khối lục quân là đội hình xe tăng, tên lửa, pháo binh,… của các quân – binh chủng (đại diện những phương tiện, vũ khí đã qua chiến đấu và những phương tiện, vũ khí mới nhất) trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam và cuối cùng là khối quần chúng.

“Các khối tại lễ duyệt binh đều đi giống diễu binh nhưng điểm khác biệt là duyệt binh có đội hình phương tiện, vũ khí của quân đội như xe tăng, tên lửa,… thuộc các quân – binh chủng”, Thượng tướng Hiệu nói. 



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-cuoc-duyet-binh-trong-lich-su-viet-nam-20250513191008999.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *