Những vụ việc phát hiện sản xuất sữa giả rúng động thế giới

Những vụ việc phát hiện sản xuất sữa giả rúng động thế giới


Vừa qua, thông tin Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả đã khiến dư luận Việt Nam không khỏi bàng hoàng.

Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã đưa ra thị trường tới 573 nhãn sữa bột giả, nhắm đến các nhóm đối tượng như người suy thận, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bị tiểu đường…

Tính đến nay, chưa có thống kê hay trường hợp cụ thể nào phải nhập viện vì sử dụng sữa giả. Tuy nhiên, “sử dụng sữa giả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”, theo PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam.

Những sản phẩm sữa giả được Bộ Công an phát hiện (Ảnh: VTV).

Trước đó, nhiều quốc gia cũng đã chứng kiến những sự việc gây rúng động liên quan đến sữa giả, khiến trẻ em mắc bệnh lạ, phải nhập viện, thậm chí tử vong. 

Trẻ mắc bệnh “đầu to”, tử vong sau khi uống sữa công thức

Năm 2020, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), 5 trẻ em được ghi nhận sụt cân nghiêm trọng, hộp sọ phình to bất thường, mắc bệnh chàm da sau khi uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh dị ứng đạm sữa bò. Loại sữa này có giá khoảng 298 NDT (gần 1 triệu đồng), cao gấp 2-3 lần so với sữa công thức thông thường.

“Mặc dù sản phẩm này đắt hơn gấp đôi so với loại thông thường, tôi vẫn tiếp tục cho con sử dụng”, một phụ huynh họ Zhu chia sẻ với truyền thông.

Một đứa trẻ bị hội chứng đầu to sau khi uống sữa (Ảnh: Đài Truyền hình Kinh tế Hồ Nam).

Cô cho biết con gái đã uống hết 89 lon sữa trong vòng 2 năm. Trong thời gian đó, bé thường xuyên bị ho, nổi chàm và tự vỗ đầu. Dù đã 3 tuổi, bé chỉ nặng chưa đến 15kg, tóc ngả vàng. Sau này, bé được chẩn đoán còi xương và thiếu vitamin A, B.

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ: con trai chị bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao, trí tuệ, vận động và tổn thương nội tạng ở nhiều mức độ sau thời gian dài chỉ sử dụng loại sữa này.

Sữa pha melamin gây tử vong hàng loạt

Năm 2008, Trung Quốc ghi nhận 6 trẻ sơ sinh tử vong và khoảng 300.000 trẻ phải nhập viện sau khi uống sữa bột có chứa melamin – hóa chất công nghiệp thường dùng để sản xuất nhựa, bị trộn vào sữa để tăng hàm lượng protein giả tạo.

Trẻ em tại Trung Quốc nằm viện trong vụ bê bối sữa giả năm 2008 (Ảnh: Reuters).

13 trẻ tử vong vì sữa không đạt chuẩn

Năm 2003, tại tỉnh An Huy (Trung Quốc), 13 trẻ sơ sinh tử vong và 171 trẻ khác phải nhập viện sau khi uống sữa không đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm được quảng cáo chứa axit amin, dành cho trẻ dị ứng với sữa công thức thông thường.

Ấn Độ phát hiện làm sữa giả từ hóa chất độc hại

Tháng 2/2025, Ấn Độ phát hiện một hệ thống sản xuất sữa giả từ kali xút, bột đậu nành, chất tạo ngọt hết hạn sử dụng từ 2 năm trước.

Trong đó, kali xút (KOH) là hóa chất nguy hiểm có thể gây bỏng miệng, cổ họng, dạ dày nếu nuốt phải; gây khó thở khi hít vào và tổn thương mắt vĩnh viễn nếu tiếp xúc trực tiếp.

Cách nhận biết sữa giả, sữa pha trộn tạp chất tại nhà

Trước thực trạng sữa giả tràn lan, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã hướng dẫn một số cách đơn giản để kiểm tra sữa tại nhà:

Kiểm tra tinh bột: Đun sôi 2-3ml sữa, để nguội rồi thêm 2-3 giọt dung dịch i-ốt. Sữa nguyên chất sẽ không đổi màu, còn sữa có tinh bột sẽ chuyển sang màu xanh lam.

Kiểm tra chất tẩy rửa: Trộn sữa và nước theo tỷ lệ 1:1, lắc đều. Sữa thật tạo ít hoặc không có bọt. Nếu có nhiều bọt hoặc bọt lâu tan, có thể đã bị pha chất tẩy.

Kiểm tra pha nước: Nhỏ vài giọt sữa lên bề mặt sáng bóng rồi nghiêng. Sữa thật chảy chậm, để lại vệt trắng; sữa pha loãng chảy nhanh và không để lại vệt.

Lưu ý: Người tiêu dùng nên mua sữa từ các thương hiệu uy tín, kiểm tra tem chống hàng giả, tránh mua hàng “xách tay”, hàng “giá rẻ bất ngờ” trên mạng xã hội, livestream…



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-vu-phat-hien-san-xuat-sua-gia-rung-dong-the-gioi-20250416114543739.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *