Nữ thuyết minh kể chuyện bị ốm, phải thi tuyển gắt gao ở lễ diễu binh

Nữ thuyết minh kể chuyện bị ốm, phải thi tuyển gắt gao ở lễ diễu binh


Sáng 30/4, Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà – Phó chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội – có mặt tại tổ thuyết minh của lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà – Phó chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà cho biết, đây là lần thứ 5 chị tham gia thuyết minh diễu binh, diễu hành.

Trước đó, chị từng tham gia thuyết minh trong các buổi lễ như: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014), kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (năm 2015), kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2024)…

“Tôi rất xúc động và tự hào khi tham gia thuyết minh tại buổi lễ trọng đại ngày 30/4 năm nay. Nhìn đồng đội diễu binh, diễu hành, tôi như có cảm giác mình cũng hành quân cùng họ. Tôi cùng 8 đồng chí nữa được phân công nhiệm vụ đọc thuyết minh. Trong tổ có 4 nam, 4 nữ, chia ra người giọng Nam, người giọng Bắc”, chị Hoàng Hà nói.

Dù đã thuyết minh ở nhiều lễ kỷ niệm nhưng khi được giao nhiệm vụ ở đại lễ sáng 30/4, Thượng tá Hoàng Hà cũng phải trải qua một cuộc thi tuyển gắt gao. 

“Không có sự ưu ái nào cho chúng tôi cả. Mọi người trong tổ đọc đều phải trải qua một kỳ sát hạch và tôi cũng cố gắng để hoàn thành bài thi. Tôi không gặp áp lực mà cứ làm hết khả năng của mình…”, chị Hoàng Hà tâm sự.

Sau đó, chị Hoàng Hà đã cùng đồng đội đi tàu vào TPHCM để luyện tập. “Trên đường đi, chúng tôi nhận được cảm tình của nhiều khán giả. Khi vào đến TPHCM, chúng tôi bất ngờ khi các lực lượng quân đội được mọi người ủng hộ, động viên. Điều này tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi…”, chị nói.

Thượng tá Hoàng Hà chia sẻ, thuyết minh trong lễ diễu binh không giống như làm MC một sự kiện bình thường. Nó đòi hỏi sự hiệu triệu, niềm kiêu hãnh, tình yêu đất nước và chất lính trong từng âm sắc. 

Theo đó, người thuyết minh như kể một câu chuyện, vừa phải thể hiện được bản chất câu chuyện đó, vừa có sự hào hùng trong giọng đọc. Khi đọc có sự bi tráng nhưng cũng có động lực, tình cảm để động viên mọi người.

“Để đọc tốt, người thuyết minh phải có lực và kỹ thuật nền tảng hơi thở. Trong quá trình tập luyện, chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe, giọng nói tốt”, chị bộc bạch.

Trước khi thuyết minh vào sáng 30/4, Thượng tá Hoàng Hà đã bị ốm, nữ Thượng tá đã phải uống nhiều thuốc, cố gắng hồi phục sức khỏe để sáng 30/4 làm việc cùng mọi người.

“Anh em trong đội thuyết minh rất nhiệt huyết. Mọi người từ các tỉnh về luyện tập, phải xa gia đình 2 tháng. Nhiều người bị ốm nhưng ai cũng vì nhiệm vụ chung mà vượt qua khó khăn. Sau cuộc họp vào tối 1/5, ngày 2/5 tôi mới trở về Hà Nội”, chị Hoàng Hà nói.

Thượng tá Hoàng Hà (thứ 2, từ phải sang) cùng đồng nghiệp trong tổ thuyết minh tại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thượng tá Hoàng Hà kể rằng, chị có bà đã tham gia nuôi giấu chiến sĩ cách mạng, bố chị làm cán bộ trong quân đội đến khi nghỉ hưu. Anh trai của Thượng tá Hoàng Hà đã hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, giờ chưa tìm thấy mộ. 

Chị nói, truyền thống gia đình đã tạo cho chị một nghị lực kiên cường, bền bỉ, không ngại khó khi tham gia các chương trình được giao.

Trước đó, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra tại TPHCM từ 6h25 ngày 30/4. 

Buổi lễ có 13.000 người thuộc 48 khối quân đội, công an, địa phương tham gia, có 10 trực thăng, 6 Yak-130 và 7 Su30-MK2 kéo cờ, thả bẫy nhiệt… Buổi lễ kỷ niệm thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân trên cả nước.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/nu-thuyet-minh-ke-chuyen-bi-om-phai-thi-tuyen-gat-gao-o-le-dieu-binh-20250430161837365.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *