Cái tên Chợ Lớn, một địa danh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, đã chính thức trở lại trên bản đồ hành chính. Đây không chỉ là sự tái lập một tên gọi, mà còn là sự khẳng định giá trị văn hóa, thương mại và tiềm năng phát triển của một khu vực đặc biệt, nơi lưu giữ những ký ức và bản sắc trăm năm.
Chợ Lớn ra đời vào cuối thế kỷ 18, khi những người Hoa đầu tiên đến lập nghiệp và mở chợ buôn bán bên dòng rạch Bãi Sậy, khu vực nay là chợ Bình Tây. Ban đầu, nơi đây được gọi là “Đại Phố”, mang ý nghĩa phố lớn, chợ lớn. Theo thời gian, cái tên giản dị ấy đã trở thành địa danh quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hóa và thương mại của người Hoa trên đất Sài Gòn.
Dù từng vắng bóng trên bản đồ hành chính qua nhiều lần thay đổi địa giới, trong tâm thức của bao thế hệ cư dân, đặc biệt là người Hoa, Chợ Lớn chưa bao giờ mất đi. Nó không chỉ là tên một vùng đất, mà còn là ký ức, bản sắc và niềm tự hào.
Phường Chợ Lớn mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập bốn phường liền kề: 11, 12, 13 và 14 (quận 5 cũ). Với diện tích khoảng 1,67km² và dân số gần 85.000 người, phường nằm dọc theo các tuyến đường huyết mạch như Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông.
Theo UBND phường Chợ Lớn, sau gần một tháng triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bộ máy vận hành ổn định, không gián đoạn hoạt động phục vụ người dân. Các trụ sở tạm được cải tạo đầy đủ thiết bị; cán bộ được phân công hợp lý, trách nhiệm cao trong giai đoạn chuyển tiếp. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ hành chính, từ đăng ký khai sinh đến chứng thực giấy tờ. Hệ thống “một cửa điện tử” được người dân đánh giá cao về tính minh bạch và tiện lợi. Đại diện chính quyền cho biết, mô hình mới hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, gần dân, hiệu quả và minh bạch, đúng tinh thần cải cách hành chính mà TPHCM đang theo đuổi.
Không chỉ là một đơn vị hành chính, phường Chợ Lớn còn là nơi kết tinh đậm đặc di sản văn hóa người Hoa tại Việt Nam. Tản bộ qua các tuyến phố, du khách dễ dàng bắt gặp một “tổ hợp hương” đặc trưng: mùi thuốc bắc, nhang khói chùa chiền, gỗ trầm, quyện lẫn với hương ẩm thực đường phố.
Phường Chợ Lớn là nơi tập trung nhiều hội quán, đình, miếu lâu đời của người Hoa tại TPHCM như Chùa Ông (Hội quán Nghĩa An) thờ Quan Công theo tín ngưỡng Triều Châu, hay Chùa Tam Sơn gắn với cộng đồng Phúc Kiến. Trong ảnh là Miếu Thiên Hậu (Chùa Bà Chợ Lớn, Hội quán Tuệ Thành), ngôi miếu linh thiêng với kiến trúc chạm khắc đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu văn hóa người Hoa.
Chợ Lớn xưa là nơi thương nhân người Hoa làm nên thương cảng sầm uất nhất phương Nam. Đến nay, phường Chợ Lớn vẫn là nơi tập trung nhiều chợ truyền thống nhất TPHCM, thậm chí là cả nước, với hàng loạt cái tên nổi tiếng: Chợ Kim Biên (hóa chất, thiết bị), chợ Tân Thành (linh kiện điện tử), chợ Đại Quang Minh (phụ liệu may mặc), chợ Đồng Khánh, Phùng Hưng, Xã Tây, Hà Tôn Quyền…
Các tuyến phố chuyên doanh ở Chợ Lớn mang đậm dấu ấn các ngành nghề truyền thống như phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, phố lồng đèn Lương Nhữ Học, phố vải Soái Kình Lâm, tất cả tạo nên một bản sắc thương mại không nơi nào có được.
Anh Nguyễn Quốc Toàn, làm việc tại một sạp vải trên phố Soái Kình Lâm, chia sẻ: “Chợ Lớn không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là cả một nền văn hóa. Người dân ở đây làm ăn lâu đời, giữ được chữ tín và tình làng nghĩa xóm. Tên gọi Chợ Lớn trở lại, nghe như tiếng gọi về cội nguồn vậy”.
Dọc đường Triệu Quang Phục, bên cạnh những tiệm thuốc bắc quen thuộc của Chợ Lớn là một “phố mài dao, mài kéo” độc đáo, nơi hơn chục gia đình người Hoa vẫn gắn bó với nghề truyền thống qua nhiều thế hệ. Từ thời còn đẩy xe đi mài dạo khắp ngõ ngách, nay nhiều hộ đã có cửa hàng khang trang mặt tiền.
“Buôn có bạn, bán có phường”, nghề mài dao kéo ở đây không chỉ là kế sinh nhai mà còn là một phần ký ức đô thị của Chợ Lớn xưa. Anh Sang (36 tuổi), đời thứ tư theo nghề mài dao kéo, chia sẻ: “Đây là nghề gia truyền, dù thời thế có thay đổi thì chúng tôi vẫn giữ lại cách làm tỉ mỉ, kỹ lưỡng như xưa. Mài dao mài kéo tưởng đơn giản, nhưng nếu không có tâm, kéo bén không đều là hư việc người ta”.
Đường Hải Thượng Lãn Ông được mệnh danh là “Phố Tết”, nơi mua bán nhộn nhịp các mặt hàng trang trí Tết mang đậm nét văn hóa truyền thống. Dù hoạt động quanh năm, con phố trở nên sôi động nhất vào dịp giáp Tết, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm.
Ở Chợ Lớn, tục viết liễn Tết là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện ước vọng một năm mới an khang, thịnh vượng. Mỗi dịp xuân về, các nghệ nhân thư pháp người Hoa lại tụ họp tại hội quán, miếu đường để viết liễn, câu đối mừng xuân tặng người dân.
Nằm trong khu chợ Phùng Hưng, tiệm cà phê Ba Lù gần một thế kỷ nay vẫn giữ nguyên cách pha “kho cà phê” truyền thống. Quán nhỏ lọt thỏm giữa những dãy phố đan xen cư xá cũ kỹ và cao ốc hiện đại, nhưng hương vị xưa cũ nơi đây đã trở thành ký ức thân thuộc của bao thế hệ. Ông Chung Quốc Hùng (52 tuổi), đời thứ hai nối nghề, chia sẻ: “Cà phê ở đây nấu bằng vợt, kho suốt nhiều giờ mới ra được vị đậm, hậu ngọt. Giữ nghề này không dễ, nhưng là cách để tôi giữ lại chút hồn xưa của Chợ Lớn”.
Phường Chợ Lớn còn là nơi tập trung nhiều cơ sở y tế quan trọng của TPHCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Là một trong những bệnh viện đa khoa trung ương lớn nhất cả nước, Bệnh viện Chợ Rẫy từ lâu là tuyến cuối quan trọng của khu vực phía Nam. Tiền thân của bệnh viện là Hôpital Municipal de Cholon, do chính quyền Pháp xây dựng năm 1900. Trải qua hơn một thế kỷ, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn là nơi tiếp nhận, điều trị hàng nghìn ca bệnh nặng mỗi ngày, đồng thời là địa chỉ uy tín trong đào tạo và nghiên cứu y khoa.
Trước đây mang tên Nhà Bảo sanh Chợ Lớn, Bệnh viện Hùng Vương là một trong những cơ sở y tế sản – phụ khoa hàng đầu tại TPHCM. Suốt nhiều thập kỷ, nơi đây không chỉ gắn bó với hàng triệu bà mẹ, trẻ em mà còn đóng vai trò tiên phong trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và các chương trình y tế cộng đồng.
Về đô thị, khu vực Chợ Lớn cũng chứng kiến sự chuyển mình rõ nét, tiêu biểu là dự án Thuận Kiều Plaza, tọa lạc trên đường Hồng Bàng. Công trình được khởi công năm 1994, hoàn thành vào năm 1998, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 100.000m². Từng một thời trầm lắng, dự án nay đã được “hồi sinh” với diện mạo mới mang tên The Garden Mall, một điểm nhấn thương mại – văn hóa tại khu vực trung tâm Chợ Lớn.
Ra đời từ thập niên 1930 dưới thời Pháp thuộc, Bến xe Chợ Lớn ban đầu chỉ là điểm trung chuyển nhỏ phục vụ khu vực lân cận. Qua gần một thế kỷ, nơi đây đã nhiều lần được nâng cấp, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của TPHCM.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Chợ Lớn, sau sáp nhập, phường xác định mục tiêu trọng tâm trước mắt là ổn định bộ máy, bảo đảm hoạt động hành chính thông suốt, giữ vững an ninh trật tự và phục vụ người dân, doanh nghiệp không gián đoạn. Về dài hạn, phường hướng đến phát triển toàn diện, lấy thương mại – dịch vụ – du lịch làm mũi nhọn. Trong đó, sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng, cải tạo chợ truyền thống, các tuyến phố chuyên doanh gắn với du lịch văn hóa. Địa phương cũng chú trọng bảo tồn di sản, phát triển y tế, giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính và chăm lo an sinh xã hội.
Từ chợ, hội quán, tuyến phố chuyên doanh cho đến bệnh viện, món ăn… Chợ Lớn xứng đáng với danh xưng vùng đất “nhiều cái nhất” của người Hoa tại TPHCM. Việc chính thức đưa cái tên Chợ Lớn trở lại không chỉ là một quyết định hành chính, mà là một bước khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển của một khu vực đặc biệt, nơi mà mỗi viên gạch, con phố, hẻm nhỏ đều ẩn chứa những câu chuyện hơn trăm năm chưa từng cũ.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/phuong-cho-lon-hoi-sinh-cai-ten-mang-dau-an-nguoi-hoa-giua-long-sai-gon-20250726214220625.htm