Phường Gia Định – nơi lưu giữ dấu ấn thời kỳ rực rỡ của vùng đất phương Nam

Phường Gia Định - nơi lưu giữ dấu ấn thời kỳ rực rỡ của vùng đất phương Nam


Phường Gia Định được hình thành sau khi được sáp nhập từ các phường: 1, 2, 7, 17 (quận Bình Thạnh cũ). Là một trong số ít những địa phương ở TPHCM mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hoá của một vùng đất ngày trước.

Trước năm 1976, Gia Định là một tỉnh riêng biệt, sau thời điểm sáp nhập vào TPHCM, cái tên Gia Định dần vắng bóng trong các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, cái tên này vẫn sống mãi trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân.

Sau khi sáp nhập, phường Gia Định có diện tích khoảng 2,76km2, quy mô dân số khoảng 126.000 người.

Nằm trên giao lộ Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng, chiếc cổng cổ được xây bằng gạch nung có khắc dòng chữ Gia Định vẫn lặng lẽ tồn tại qua nhiều đời, gợi nhớ một thời quá khứ thịnh vượng của mảnh đất này.

Ông Lê Sanh Mỹ (61 tuổi, ngụ phường Gia Định) ngắm ngía chiếc cổng cổ có khắc tên Gia Định.

“Khi hay tin cái tên Gia Định trở lại trên bản đồ hành chính, là một người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tôi rất tự hào và xúc động. Trong giây phút đặc biệt ấy, tôi đã sáng tác ra bài thơ:

Xin chào! phường một (1), phường hai (2), phường bảy (7), mười bảy (17) của ngày hôm qua.

Tự hào Gia Định phường ta

Xưa là truyền thống, nay là địa danh

Cha ông mở cõi, giữ thành

Cháu con tô vẽ bức tranh thanh bình

Xây phường hiện đại văn minh

Vì dân phục vụ, nghĩa tình sắc son”

Nằm đối diện chiếc cổng cổ Gia Định là Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, với diện tích rộng hơn 18.500m2, được bao bọc bởi 4 con đường Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. 

Lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt là nơi có kiến trúc cổ nhất được tồn tại ổn định từ năm 1848, nằm song song với mộ Ông là mộ của Chánh thất Tả quân phu nhân Đỗ Thị Phẫn.

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi. Ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (Giai đoạn năm 1812-1815 và 1820-1832).

Sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, giữ an và mở mang vùng đất Nam Bộ.

Tài năng và công đức của Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, thương yêu gọi người là Ông lớn. Do đó khi tạ thế (1832), Tả quân được nhân dân xây Lăng mộ và hết lòng thờ phụng đến ngày nay. Đồng thời, trong cách nhìn của dân gian, Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành vị “Phúc thần” linh hiển.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt là di tích lịch sử đặc biệt của TPHCM. Công trình này được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào năm 1988.

Cách Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt chưa đầy 200m là chợ Bà Chiểu, ngôi chợ này được xây dựng từ năm 1942 và được xem là một trong những khu chợ lâu đời nhất TPHCM.

Chợ Bà Chiểu từng là trung tâm giao thương của vùng Gia Định cũ. Ngày nay, hoạt động mua bán ở chợ đã có phần giảm đi nhiều do sự xuất hiện của các trung tâm thương mại, siêu thị…

Chợ Bà Chiểu được chia làm 8 khu chính, bố trí cho gần 800 hộ kinh doanh 40 ngành hàng. Khu chợ này đã tồn tại gần 1 thế kỷ và đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa.

Hệ thống y tế ở phường Gia Định cũng vô cùng đa dạng với hàng loạt bệnh viện, phòng khám có từ lâu đời.

Tiêu biểu là Bệnh viện Nhân dân Gia Định được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, ban đầu mang tên Hôpital de Gia Dinh. Sau đó, bệnh viện đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đổi tên, đến năm 1975 chính thức mang tên Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đây được coi là cơ sở y tế lớn và lâu đời bậc nhất tại phường Gia Định.

Hệ thống giáo dục trên địa bàn phường Gia Định cũng rất đa dạng, tập trung nhiều cơ sở giáo dục như Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Kinh tế Tài Chính…

Với quy mô dân số khoảng 126.000 người, phường Gia Định cũng có những tuyến đường 8-10 làn xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Dọc theo tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, hệ thống cây xanh dày đặc tạo không gian thoáng đãng, trở thành điểm dừng chân nghỉ mát lý tưởng cho người dân vào mỗi mùa nắng nóng. Đây cũng trở thành điểm vui chơi, tập thể dục quen thuộc của người dân phường Gia Định.

Sau sáp nhập, cả trụ sở làm việc và trung tâm phục vụ hành chính công phường Gia Định đều được đặt trên đường Lê Văn Duyệt. Hai địa điểm này chỉ nằm cách nhau vài trăm mét.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Chủ tịch UBND phường Gia Định bày tỏ niềm vinh dự khi chứng kiến cái tên Gia Định trở lại trên bản đồ hành chính sau một thời gian dài. “Tôi cảm nhận rất rõ đây không chỉ là sự hồi sinh của một tên gọi – mà là sự khơi dậy của một dòng chảy lịch sử, một bản sắc văn hóa đã từng là linh hồn của vùng đất phương Nam”, bà Nguyễn Thu Hiền chia sẻ.

Phường Gia Định trải dài từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến đường Phan Đăng Lưu, sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa vùng giáp ranh với các phường trung tâm TPHCM, đóng vai trò như một điểm kết nối chiến lược giữa khu vực nội đô và các trục phát triển đô thị liền kề.

Tên gọi Gia Định gắn liền với một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất phương Nam. Đây từng là trung tâm hành chính, quân sự, văn hóa quan trọng của miền Nam trong suốt nhiều thế kỷ. Trong lòng người dân, Gia Định không chỉ gợi nhớ đến quá khứ hào hùng, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, nghĩa tình và đổi mới.

“Khi tên gọi ấy sống lại, chúng tôi hiểu rằng mình không chỉ gìn giữ một cái tên – mà phải thôi hồn vào nó bằng hành động cụ thể, bằng một tầm nhìn phát triển bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại”, bà Nguyễn Thu Hiền, Chủ tịch UBND phường Gia Định chia sẻ.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/phuong-gia-dinh-noi-luu-giu-dau-an-thoi-ky-ruc-ro-cua-vung-dat-phuong-nam-20250707001032279.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *