Quần thể Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh

Quần thể Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh


Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã chính thức ghi danh quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới (Ảnh: Cục Di sản văn hoá).

Đây là di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng).

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo.

Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam.

Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên; và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban chỉ đạo, Trưởng Ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc – cho biết, hồ sơ đã được tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao. Sau nhiều năm nỗ lực, di sản đã chính thức được quốc tế công nhận.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam – cho rằng, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của Việt Nam.

“Sự công nhận từ UNESCO góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Trong nội dung phát biểu đáp từ, ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các di sản thế giới ở Việt Nam.

Đoàn Việt Nam trong Kỳ họp lần thứ 47 tại Ủy ban Di sản Thế giới (Ảnh: Cục Di sản văn hoá).

Theo PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng nhóm chuyên gia của Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản Thế giới, các di sản thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận đã và đang góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững, đồng thời qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

“Đóng góp này cũng thể hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ các Di sản thế giới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, gìn giữ cho hiện tại và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Việt Nam với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 cũng đang đóng góp tích cực hơn nữa cho việc thực thi Công ước Di sản Thế giới”, bà Hiền nói.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng (gồm: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương), các di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng (Chùa Thanh Mai…) và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực… cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ được bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/quan-the-yen-tu-vinh-nghiem-con-son-kiep-bac-duoc-unesco-ghi-danh-20250713001429286.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *