Liên quan đến vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên các tàu du lịch ở tỉnh Quảng Ninh, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phú Nhuận, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) – Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nhuận cho biết trên vịnh Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động, bao gồm 324 tàu tham quan, 174 tàu lưu trú và 4 tàu nhà hàng, trong đó nhiều du thuyền đạt tiêu chuẩn 4-5 sao phục vụ khách lưu trú qua đêm.
“Tính đến nay, Chi cục đã cấp 443 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tàu du lịch phục vụ ăn uống trên vịnh”, ông Nhuận thông tin.

Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (bên phải) hướng dẫn cho chủ cơ sở các quy định về ATTP (Ảnh: CDC Quảng Ninh).
Thủ tục cấp phép hiện được tiếp nhận theo cơ chế không phụ thuộc địa giới hành chính, thực hiện trong 15 ngày theo quy định của UBND tỉnh (ngắn hơn 5 ngày so với quy định của Bộ Y tế), công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo ông Nhuận, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên tàu được triển khai thường xuyên dưới 2 hình thức: kiểm tra định kỳ theo kế hoạch của tỉnh và kiểm tra đột xuất khi có sự cố hoặc phản ánh từ du khách.
Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục ATVSTP đã kiểm tra, thẩm định 84 tàu du lịch có phục vụ ăn uống, trong đó 62 tàu được thẩm định cấp giấy phép, 22 tàu được kiểm tra.
“Phần lớn các tàu được đóng mới, thiết kế hiện đại và cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm”, ông Nhuận nói.
Tuy nhiên, công tác giám sát vẫn gặp nhiều khó khăn do đặc thù tàu du lịch là phương tiện di động, thời gian hoạt động không cố định, thường vào sáng sớm, trưa hoặc tối – ngoài giờ hành chính. Trong khi đó, nhân lực của Chi cục còn mỏng, phương tiện phục vụ kiểm tra trên biển chưa được trang bị.
“Thực phẩm phục vụ trên tàu phần lớn được sơ chế từ trên bờ, có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng, nhưng cũng có trường hợp phát sinh do tàu mua thực phẩm trôi nổi hoặc khách mang theo không rõ nguồn gốc”, ông Nhuận cho biết. Chi cục đã yêu cầu các tàu đảm bảo đủ tủ bảo quản, dụng cụ lưu mẫu, đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn và xử lý nghiêm vi phạm.
Một bất cập lớn hiện nay là quy định pháp luật từ năm 2018 không còn yêu cầu người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Thay vào đó, việc xác nhận do chủ cơ sở thực hiện, dẫn đến tình trạng hình thức, thiếu thực chất.
Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP kiến nghị cần sớm sửa đổi quy định này để bắt buộc người trực tiếp sản xuất, chế biến phải có giấy chứng nhận tập huấn chính thức, đồng thời bổ sung nhân lực và trang thiết bị chuyên dụng phục vụ kiểm tra, giám sát trên biển.
Trước đó, hôm 27/6, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhận thông tin một người nước ngoài mất ý thức khi đang ăn trên tàu du lịch. Người gặp nạn là bà H.H.H. (SN 1957, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc).
Kíp cấp cứu được điều động đến bến tàu, tiếp cận bệnh nhân lúc 9h50 khi tàu cập bến. Thời điểm này, bệnh nhân đang được sơ cứu bằng phương pháp hồi sinh tim phổi cơ bản. Vùng hầu họng có nhiều thức ăn và dịch tiêu hóa, mạch cảnh đập rời rạc.
Nhân viên y tế đã thực hiện ép tim, khai thông và kiểm soát đường thở, đồng thời chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bãi Cháy. Trên đường di chuyển, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ê kíp tiếp tục cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi nâng cao. Sau 60 phút (tổng thời gian khoảng 75 phút), không ghi nhận mạch trở lại. Bệnh viện kết luận bệnh nhân tử vong ngoài viện, không hồi phục.
Sự việc được báo cáo đến Công an phường Giếng Đáy để phối hợp xử lý.
Đại diện phòng chuyên môn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh thông tin thêm, sự việc trên xảy ra khi tàu du lịch Paradise Elegance QN 8866 đang trên đường hành trình về cảng Tuần Châu (Quảng Ninh) trả khách.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/quang-ninh-kiem-soat-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-tren-tau-du-lich-ra-sao-20250710233200280.htm