Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử TPHCM cho biết, ông cảm nhận được niềm hân hoan khi bước ra đường phố TPHCM vào ngày 1/7.
Là người nghiên cứu lịch sử, ông gọi dấu mốc sáp nhập tỉnh, thành và chuyển đơn vị hành chính từ 3 cấp xuống 2 cấp là “dấu mốc lịch sử”.
Kết thúc thời kỳ đặt tên quận, phường bằng chữ số
Với việc sắp xếp lại bộ máy hành chính TPHCM thành 2 cấp, thời kỳ đặt tên quận và phường theo chữ số đã chính thức khép lại kể từ ngày 1/7. TPHCM mới sau sáp nhập có 167 xã phường và 1 đặc khu, trong đó không còn địa phương nào được đặt tên bằng số.
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, khởi nguồn của những tên quận được đặt bằng số như quận 1, 2, 3… là “sản phẩm” từ thời Pháp thuộc. Có thời kỳ tên quận không viết là 1, 2, 3 mà viết bằng chữ là quận Nhứt, Nhì, Ba…. đều là số thứ tự.
TPHCM mới không còn phường, xã được đặt tên theo chữ số.
“Cách đặt tên này tiện dụng, đơn giản, nhưng càng về sau càng thấy nó chỉ có một nghĩa thuần túy về hành chính, không có nghĩa gì về mặt lịch sử, văn hóa”, PGS.TS Hà Minh Hồng nhận định.
Việc dùng chữ số để đặt tên địa giới hành chính còn gây ra sự trùng lặp, quận nào cũng có “phường 1”, “phường 2”, ghi tên phường phải kèm theo tên quận để tránh nhầm lẫn.
Với 168 tên phường/xã/đặc khu của TPHCM vừa được công bố, không còn địa phương nào được đặt tên bằng chữ số. Các địa danh cấp tỉnh cũ cũng được bảo lưu và sử dụng làm tên phường mới, như: phường Bà Rịa, phường Vũng Tàu, phường Bình Dương, phường Thủ Dầu Một, phường Dĩ An, phường Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát…
Khởi đầu mới của địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định
Đề cập đến việc TPHCM sử dụng lại nhiều tên gọi của địa danh lịch sử như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định để đặt tên phường, PGS.TS Hà Minh Hồng cho rằng, những địa danh lịch sử được người dân nghĩ tới trong tâm thức, nay đã hiện hữu ngay thành phố.
“Cũng có nhiều người tâm tư, nói với tôi rằng Sài Gòn, Gia Định cần phải đặt cho những địa danh rộng lớn, không thể nhỏ hẹp như cấp phường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những tên gọi này đã đi vào đời sống một cách rất nhanh chóng, được người dân đón nhận”, chuyên gia lịch sử chia sẻ.
Phường Sài Gòn chính thức được thành lập vào ngày 1/7 (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Theo sách Đô thị Nam bộ trước năm 1945 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II), địa danh hành chính Gia Định đã xuất hiện từ năm 1698, khi tướng Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh Chúa Nguyễn kinh lược phương Nam và lập phủ Gia Định, gồm 2 huyện Tân Bình và Phước Long. Sài Gòn lúc này thuộc huyện Tân Bình.
Năm 1802, phủ Gia Định được đổi thành trấn Gia Định. Năm 1808, vua Gia Long nâng trấn Gia Định lên Gia Định thành. Gia Định thành tồn tại đến năm 1832 thì được chia nhỏ thành 6 tỉnh, gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đến năm 1833, tỉnh Phiên An được đổi thành tỉnh Gia Định.
Sau khi chiếm được tỉnh Gia Định, thực dân Pháp dần phát triển 2 đô thị lớn là Sài Gòn và Chợ Lớn. Trong đó, Chợ Lớn được biết đến là khu vực đông người Hoa sinh sống, còn Sài Gòn là đô thị lân cận, hình thành từ phố Bến Nghé xưa.
Chợ Bến Thành thuộc thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc (Ảnh tư liệu).
Gia Định, Sài Gòn và Chợ Lớn đều là những đơn vị hành chính tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử, dần trở thành địa danh thân thuộc với người dân Nam bộ. Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, thành phố Sài Gòn – Gia Định vẫn tồn tại đến năm 1976, trước khi được vinh dự đổi tên là thành phố Hồ Chi Minh.
Hàng chục năm qua, danh xưng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… “vắng bóng” trên bản đồ hành chính, nhưng không hoàn toàn biến mất. Danh xưng đó vẫn hiện diện ở những thương hiệu như Ga Sài Gòn, Bến xe Chợ Lớn, Công ty Đường sắt Sài Gòn, Tân Cảng Sài Gòn, Bệnh viện Nhân dân Gia Định…
Từ ngày 1/7, danh xưng Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn chính thức trở lại bản đồ hành chính của TPHCM.
“Kinh tế vốn gắn liền với văn hóa và đời sống tinh thần. Việc mở rộng địa giới, sắp xếp về hành chính tạo ra điều kiện phát triển kinh tế. Những danh xưng có ý nghĩa, gắn liền với lịch sử xuất hiện trở lại trên cơ sở của sự phát triển xã hội”, PGS.TS Hà Minh Hồng chia sẻ.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/sai-gon-gia-dinh-tro-lai-ban-do-ket-thuc-thoi-dat-ten-phuong-bang-so-20250702163254000.htm