“Đêm nhạc của Blackpink vào tháng 8/2023 có gần 1.000 vệ sĩ”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Hà Lê cho biết, trong các sự kiện âm nhạc, anh thường được khán giả lên bắt tay, ôm hôn, hay lấy mũ đội lên đầu. Tuy nhiên, những hành động ấy cũng chừng mực, luôn tạo không khí vui vẻ ở buổi diễn.
Hà Lê (thứ 3, từ phải sang) và đồng nghiệp trong concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” diễn ra tháng 12/2024 ở Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Nam ca sĩ cũng kể rằng, một số nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu thường gặp những tình huống “dở khóc dở cười”. Nhiều khi, nghệ sĩ không phản ứng kịp khi khán giả quá khích ném chai lọ, chửi bới…
“Đêm nhạc có Sơn Tùng M-TP ở Quảng Ninh mới đây là một chuyện hy hữu, khi khán giả lên ôm khiến nghệ sĩ bị thương. Tôi cho rằng, lực lượng vệ sĩ nên phản ứng thật nhanh, để tránh làm ảnh hưởng đến đêm nhạc lớn. Có thể ở khu vực dưới sân khấu bố trí đơn giản nên khán giả có thể lên xuống dễ dàng như vậy…”, Hà Lê nhận định.
Ca sĩ sinh năm 1984 cho biết thêm, là 1 trong 33 anh tài tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai, anh thấy các concert của sự kiện được Ban tổ chức đặt sự an toàn lên trên hết.
Theo đó, an ninh được bố trí nhiều ở khu vực giữa khán giả và nghệ sĩ, cũng như trên các lối di chuyển, ngăn khán giả tự do lên sân khấu.
Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng, những trường hợp khán giả lên sân khấu thường đã có sự sắp xếp của Ban tổ chức và được nghệ sĩ đồng ý. Khán giả rất vui khi gặp thần tượng và có thể có những hành động quá khích, đòi hỏi sự can thiệp nhanh nhạy của lực lượng bảo vệ. Ở các đêm nhạc, khi tôi xuống khu vực khán giả giao lưu, thường có lực lượng an ninh đi theo”.
Nam nghệ sĩ nói thêm, nghệ sĩ luôn mong muốn được gần gũi khán giả và việc giao lưu giúp buổi biểu diễn sôi động hơn. Tuy nhiên, bản thân anh cũng chủ động giao lưu một cách có chừng mực.
“Nghệ sĩ phải chú ý việc di chuyển của mình, ví dụ mình đi qua người này, lướt qua người kia cũng không nên dừng lại quá lâu ở một chỗ. Nếu mình giao lưu chừng mực thì mọi người cũng sẽ giữ chừng mực với mình…”, anh tiết lộ.
Ê-kíp của công ty vệ sĩ Bảo An trong một lần thực hiện nhiệm vụ ở Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Phạm Huy Hoàng – Tổng Giám đốc công ty vệ sĩ Bảo An – cho biết, đơn vị của anh từng tham gia đảm bảo nhiều đêm nhạc của nghệ sĩ hạng A như: Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP, Phan Mạnh Quỳnh… hay các concert của Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi… và một số đêm nhạc có các nghệ sĩ quốc tế như: Blackpink, Jisoo…
Theo anh Huy Hoàng, mỗi chương trình, ban tổ chức thường yêu cầu các lực lượng bảo vệ đảm bảo an toàn ở các cửa ra vào, cầu thang, sân khấu, khu vực khán giả…
“Trong đêm nhạc có Sơn Tùng M-TP ở Quảng Ninh mới đây, chúng tôi có 150 vệ sĩ đứng khắp nơi. Những fan hâm mộ văn minh không có hành động quá khích. Về việc một khán giả lao về phía Sơn Tùng M-TP tối 12/4 vừa qua là một TikToker, muốn nổi tiếng trên mạng xã hội nên đã vọt qua hàng rào rất nhanh để lên sân khấu”, anh Hoàng bộc bạch.
Cũng theo anh Huy Hoàng, ở concert Anh trai vượt ngàn chông gai vào tháng 12/2024 tại Hưng Yên, anh cử 800 vệ sĩ để chốt trực khắp nơi. Trong đêm nhạc Blackpink vào tháng 8/2023 tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, anh “tung” ra gần 1.000 bảo vệ, đảm bảo an toàn cho sự kiện.
Anh chia sẻ thêm: “Các nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam thường có vệ sĩ riêng nên chúng tôi chỉ việc kiểm soát khán giả ra vào, đảm bảo an toàn cho đêm nhạc”.
Các vệ sĩ có quá trình đào tạo, tuyển chọn gắt gao
Tổng Giám đốc công ty vệ sĩ Bảo An cho biết thêm, khi nghệ sĩ giao lưu với khán giả được lực lượng bảo vệ chú ý đặc biệt. Vì khi nói chuyện, nghệ sĩ thường đứng sát rào sân khấu, dù có vệ sĩ đứng quanh nhưng cũng có fan cuồng “vọt” rào, trèo lên sân khấu rất nhanh, khiến cho nhiều vệ sĩ không kịp trở tay.
Anh Phạm Huy Hoàng – Tổng Giám đốc công ty vệ sĩ Bảo An (trái) và diễn viên Tùng Yuki của công ty vệ sĩ Mắt Vàng. Hai công ty thường có sự kết hợp, làm việc cùng nhau (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Nghệ sĩ chạy các góc, đi về nhiều phía để giao lưu. Có nghệ sĩ chỉ di chuyển ở sân khấu cũng khiến lực lượng bảo vệ chạy không kịp vì sân khấu bố trí phù hợp với nghệ sĩ nhưng lại không thuận tiện với vệ sĩ.
Lực lượng bảo vệ bị sự cản trở của hệ thống âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng khói lửa sân khấu hay bộ phận media của sự kiện… nên mới xảy ra các tình huống ngoài dự kiến”, anh Huy Hoàng tiết lộ.
Trong 15 năm thành lập, công ty của anh Huy Hoàng không chỉ được mời đảm bảo an toàn cho các chương trình giải trí mà còn tham gia ở các sự kiện của mảng kinh tế, nông nghiệp, ngoại giao… Việc đảm bảo an toàn cho chương trình luôn được các vệ sĩ đặt lên hàng đầu.
Theo anh, để đạt được những tiêu chuẩn trong nghề, người vệ sĩ phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, được tuyển chọn gắt gao mới trúng tuyển.
Nói về chi phí, anh Hoàng tiết lộ rằng, sự kiện được tính theo thời gian nên thù lao mà ê-kíp được nhận tùy theo chương trình. “Tuy nhiên, số tiền chúng tôi nhận được cũng xứng đáng với công sức mình bỏ ra”, anh nói.
Ở các chương trình lớn, lực lượng vệ sĩ đều phải “căng mình” làm việc, đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ và khán giả (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Anh Nguyễn Tuấn Nam – người có kinh nghiệm 5 năm làm vệ sĩ – cho biết, những nhân sự theo đuổi nghề vệ sĩ phải có năng lực thể chất, biết ít nhất một loại võ thuật như Taekwondo hoặc Judo hay các môn võ thuật kết hợp và đạt trình độ tương đương đai đen nhị đẳng.
Bên cạnh đó, họ cũng được luyện tập khả năng quan sát, phát hiện nguy hiểm và cách xử lý khủng hoảng nếu khách hàng gặp các vấn đề khác.
“Vệ sĩ được trang bị những công cụ hỗ trợ chuyên dụng như: Bộ đàm, gậy sắt,… theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng có hệ thống xe ô tô chuyên dụng, chuyên làm nhiệm vụ áp tải, vận chuyển hoặc di chuyển theo yêu cầu”, anh Nam thông tin.
Anh Nam cho biết thêm, ở các buổi biểu diễn hòa nhạc quốc tế, Ban tổ chức thường cấm quay phim vì lý do bản quyền. Tuy nhiên, một số người sẽ luôn cố gắng quay lén bằng máy ảnh, điện thoại, vì vậy các vệ sĩ cũng có nhiệm vụ kiểm tra túi xách và điện thoại của họ.
“Trong các chương trình nghệ thuật, hòa nhạc có chất lượng cao, phải đảm bảo về bản quyền, lực lượng bảo vệ còn có nhiệm vụ quan sát, nhắc nhở những khán giả vi phạm.
Bên cạnh đó, khi người nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ quốc tế di chuyển tại khu vực công cộng, nếu vệ sĩ nghi ngờ ai đó chụp lén hoặc ghi lại hình ảnh riêng tư của người nổi tiếng, họ cũng sẽ yêu cầu người chụp xóa bức ảnh hoặc video để đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng của mình”, anh Nam nói.
Khi nghệ sĩ giao lưu với khán giả thường được lực lượng bảo vệ chú ý đặc biệt. Trong ảnh là ca sĩ Tuấn Hưng chụp ảnh cùng khán giả trong concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” vào tháng 12/2024 (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Theo anh Tuấn Nam, vệ sĩ là một nghề khá đặc thù, cần có bản lĩnh và sự kiên trì để làm nghề được lâu dài.
“Nghề vệ sĩ cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp, đó là được bảo vệ và gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, chính khách ở cự ly gần. Chúng tôi áp lực vì phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng vui vì không phải ai cũng có những trải nghiệm giống mình”, anh Nam tâm sự.
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/sao-viet-gap-fan-qua-khich-ve-si-tiet-lo-bi-mat-cua-nghe-bao-ve-than-tuong-20250417201733260.htm